Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 05/05/2018 - 09:10
Điểm chung của các bị cáo trong những vụ án kinh tế trọng điểm chính là sự coi thường, bất chấp luật pháp, biết sai nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm…
Bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm tại phiên tranh luận xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngoài bị cáo chủ mưu trực tiếp chỉ đạo, còn có những bị cáo khác là cấp dưới song cũng tích cực tiếp tay cho cấp trên thực hiện hành vi cố ý làm trái, phần nhỏ là do ý thức pháp luật kém, phần nhiều là do tự họ lựa chọn việc tuân thủ quyết định của người đứng đầu để bảo toàn lợi ích vật chất của bản thân.
Cấp trên: bất chấp luật pháp
Nhìn lại các vụ án, những người thực hiện hành vi cố ý làm trái đa số là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước. Những người này nắm quyền hành tập trung trong tay nên càng dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân. Họ phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư; đề ra các chủ trương thiếu minh bạch; đặt ra những quy định điều hành, cách quản lý mập mờ... để bằng cách này hay cách khác, thu lợi cho bản thân, cho một nhóm lợi ích, làm xâm hại đến quyền lợi chung của Nhà nước, của xã hội.
Điển hình trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). Bỏ qua cảnh báo của cấp dưới, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên PVN) mặc dù không tổ chức cuộc họp Hội đồng Quản trị, không lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản trị, nhưng vẫn ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) để PVN tham gia góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank.
Từ chủ trương góp vốn không tuân thủ nguyên tắc này của bị cáo Đinh La Thăng, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank đã bị mất hoàn toàn khi OceanBank bị âm vốn chủ sở hữu và thua lỗ nghiêm trọng.
Bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) đối chất tại tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Rõ ràng, trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ tình trạng yếu kém của OceanBank; biết rõ theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank thì phải báo cáo xin chủ trương và phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi ký Thỏa thuận góp vốn và ban hành nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào OceanBank.
Nhưng bị cáo Thăng đã cố ý bỏ qua các bước thủ tục bắt buộc đó và chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi trái với quy định của Nhà nước; bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm trước, sau đó mới có báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các sai phạm của mình (làm trước, báo cáo sau).
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng vẫn cho rằng bị cáo làm đúng pháp luật và đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Lời khai của bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật khi không thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về các biện pháp bảo đảm hiệu quả cho các hoạt động đầu tư và sự né tránh trách nhiệm của người đứng đầu trước những thiệt hại của PVN.
Trong sai phạm xảy ra tại PVN và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), vai trò chủ mưu, khởi xướng, bất chấp pháp luật của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cũng được thể hiện rất rõ.
Là một đơn vị thành viên của PVN, năm 2010, PVC - do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị - đã đầu tư dàn trải, không hiệu quả dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.
Thay vì tìm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, PVN lại giao cho PVC gánh vác thêm các khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại PVFC (Tổng Công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam) với giá trị lên tới 793 tỷ đồng.
Mặc dù biết rõ PVC đang phải đối mặt với những vấn đề tài chính của chính mình và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những Dự án nhiệt điện lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC (gói thầu bao gồm toàn bộ các công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 - một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức Chỉ định thầu.
Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế kỹ thuật tổng thể, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan… bị cáo Đinh La Thăng vẫn cố tình chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng EPC số 33 (Hợp đồng EPC là hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) và Hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 với giá trị lên tới 1,2 tỷ USD.
Theo kết luận tại tòa, thực chất việc ký kết các hợp đồng này chỉ nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm trong nợ nần, tạo điều kiện cho PVC sử dụng không đúng mục đích 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho PVN gần 120 tỷ đồng.
Cấp dưới: Thỏa hiệp
Trong các vụ án kinh tế lớn được đưa ra xét xử thời gian qua, ngoài vai trò chính của các bị cáo đầu vụ luôn có sự thỏa hiệp của các bị cáo đồng phạm cấp dưới.
Thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, mặc dù biết rõ PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm nhưng bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) vẫn cùng bị cáo Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) chỉ đạo việc ký Hợp đồng EPC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Tương tự, trong vụ PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank, chỉ trong khoảng hơn 10 ngày, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Ngọc Sự khi ấy đã ký hai văn bản gửi bị cáo Đinh La Thăng báo cáo về năng lực yếu kém của OceanBank. Dù biết rất rõ tình trạng yếu kém của OceanBank, Nguyễn Ngọc Sự và các bị cáo khác như Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN); Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Xuân Thắng (đều nguyên là thành viên Hội đồng thành viên PVN) vẫn tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên (Đinh La Thăng), tham gia ký vào các quyết định, văn bản liên quan đến việc góp vốn của PVN vào OceanBank.
Hay như trong vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm thực hiện hành vi chi lãi trái quy định, ngoài các bị cáo dưới quyền tại Hội Sở, có đến 34 bị cáo nguyên là Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank phải hầu Tòa do thực hiện theo sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm.
Nhiều bị cáo khai trước tòa, mặc dù biết rõ việc làm đó là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, song do chỉ là người làm công ăn lương nên buộc phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên thực hiện hành vi sai trái.
Hà Văn Thắm và đồng phạm tại phiên xử phúc thẩm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Hậu quả của việc làm trái là một chuỗi các mắt xích hoạt động liên kết với nhau, từ người lãnh đạo đề ra chủ trương, ý tưởng, chỉ đạo, triển khai trên toàn hệ thống, từ Tổng Giám đốc đến các Phó Tổng Giám đốc, các khối, ban ở Hội sở xuống các chi nhánh, phòng giao dịch và đến từng cán bộ, nhân viên của OceanBank; mỗi đơn vị và cá nhân của OceanBank đều tham gia vào một công đoạn trong quá trình “chi sai” đó với tính chất, mức độ hành vi và để lại hậu quả khác nhau. Tại tòa, các bị cáo thừa nhận đã nhận thức rõ đó là chủ trương và việc làm trái với quy định của Nhà nước.
Vào thời điểm năm 2011, do OceanBank gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, Hà Văn Thắm đã lớn tiếng cảnh báo: “Nếu anh chị nào không huy động được tiền, không làm được việc thì đứng ra một bên cho người khác làm.”
Trước tình cảnh đó, vì lo sợ không giữ được việc làm nên hầu hết các bị cáo cấp dưới đều làm theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm. Trong lời khai tại Tòa của bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên (nguyên Giám đốc OceanBank chi nhánh Vũng Tàu) cũng thừa nhận việc bỏ qua quy định, quyết định chi “chăm sóc khách hàng” để giữ chân họ.
Việc ép buộc cấp dưới thực hiện hành vi làm trái còn thể hiện rõ trong lời đe dọa cách chức của Trịnh Xuân Thanh đối với Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land) và Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land) nếu những người này không ký hợp đồng chuyển nhượng đất của dự án Nam Đàn Plaza với giá thấp hơn thực tế để lấy tiền chia nhau.
Sự độc đoán, vô nguyên tắc của cấp trên trong đưa ra quyết định, sự thỏa hiệp của cấp dưới trong việc thực hiện những quyết định vi phạm pháp luật không chỉ làm thất thoát nghiêm trọng nguồn tiền đầu tư của Nhà nước và xã hội, mà còn dẫn tới sự thất bại thảm hại của doanh nghiệp và kết cục bi đát của các cá nhân có liên quan./.
Theo Kim Anh- Nguyễn Cúc/TTXVN
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu, từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/2/2025, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nam Dũng
18:32 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, Công an quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) vừa phát đi thông tin khuyến cáo người dân không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận khủng, sau vụ Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips, 30 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng khiến hàng nghìn người dân bị mất trắng tài sản.
TK
13:56 12/12/2024Văn Thanh
12:35 12/12/2024Trần Lê
20:21 11/12/2024Trung Hà
15:34 11/12/2024Văn Thanh
14:45 11/12/2024Hương Giang
TC
Thái Hải
Thu Huyền
Trọng Tài
Thu Huyền
Cảnh Nhật
Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải