Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều lỗ hổng pháp lý

Trần Quý

Thứ năm, 19/11/2020 - 14:56

(Thanh tra) - Vụ tàu thủy đâm biến dạng cầu quay Tam Bạc (cầu đường sắt) khiến giao thông đường sắt ngưng trệ nhiều giờ cho thấy, nhiều lỗ hổng pháp lý về mặt quản lý đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cần được khắc phục.

Nhiều phương tiên đường thủy đi qua cầu đường sắt Tam Bạc chỉ cách thành cầu vài cm. Ảnh: TQ

Ông Trần Minh Thành, Phó Giám đốc Công ty CP quản lý đường sông (QLĐS) số 8 cho biết, vào khoảng 9 giờ ngày 24/10/2020, tại khu vực Km 01+400 sông Đào Hạ Lý đã xảy ra vụ va chạm đường thủy nghiêm trọng. Tàu Hoàng Phúc HD-3599 do ông Nguyễn Văn Hăng (Kinh Môn, Hải Dương) điều khiển từ ngã ba Niệm vào sông Đào Hạ Lý đã va vào mạn phía thượng lưu nhịp 2 cầu quay Tam Bạc Km 99+250 tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng

Vụ va chạm khiến cầu đường sắt Tam Bạc (gối cầu phía Hải Phòng nhịp 2) bị trượt theo phương ngang khoảng 50cm và sập khối gỗ đỡ 10cm. Gối cầu phía Thượng Lý nhịp 3 bị trượt theo phương ngang khoảng 40cm, tà vẹt bị gãy 2 thanh, ray bị mất phương hướng và bị treo, bị cong ống sắt (phi 76) bên trong có cáp thông tin, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng, buộc phải cấm luồng từ 18h đến 24h để hoàn thành công tác khắc phục sự cố.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng - Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định do chiều cao tĩnh không cầu đường sắt Tam Bạc thấp. Tàu Hoàng Phúc HD-3599 do ông Hăng điều khiển (có trọng tải 2.972 tấn) hành trình đến gần cầu đường sắt Tam Bạc gặp nước lũ và thủy triều lên cao, mặc dù đã được lực lượng điều tiết cảnh báo nhưng do phương tiện không ăn lái nên đã đâm vào cầu.

Lưu lượng qua sông Đào Hạ Lý trên 300 lượt phương tiện/ngày đêm. Ảnh: TQ

Biên bản kiểm tra công tác đảm bảo giao thông ĐTNĐ khu vực sông Đào Hạ Lý của Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an TP Hải Phòng và Công ty CP QLĐS số 8 (đơn vị thực hiện bảo trì, điều tiết sông Đào Hạ Lý) ngày 11/11/2020 cho thấy, trên hệ thống tuyến sông Đào Hạ Lý đều được đầu tư lắp đặt, bảo trì đầy đủ hệ thống báo hiệu, bố trí phương tiện, thiết bị theo đúng phương án được phê duyệt, có phương án điều tiết đảm bảo giao thông theo 1 chiều vì có luồng hẹp. Phương án điều tiết tại đây gồm có 2 tàu công suất 33CV và một xuồng công suất 40CV, thực hiện 3 ca/ngày, gồm có chỉ huy và nhân công đầy đủ theo quy định, do Cty CP QLĐS 8 vận hành.

Theo ông Trần Minh Thành, sau khi vụ va chạm xảy ra, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc khắc phục hậu quả. Chủ phương tiện Tàu Hoàng Phúc HD-3599 đã nhận trách nhiệm và bỏ kinh phí 50 triệu đồng để khắc phục, sửa chữa tuyến đường sắt bị hư hại do tàu va chạm. Đến 0h20 ngày 25/11 đã thông tuyến đường sắt và tuyến ĐTNĐ cũng được vận hành trở lại sau thời gian ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả vụ va chạm.

Tuyến sông Đào Hạ Lý có chiều dài 3km nằm trong hành lang vận tải thủy số 2 từ Quảng Ninh đi Ninh Bình, Hà Nội... có cấp kỹ thuật là cấp III, chiều rộng >40m, sâu >2,8m; bán kính cong >350m, khẩu độ khoang thông thuyền >40m, tĩnh không cầu là 7m, với lưu lượng vận tải bình quân hơn 300 phương tiện/ngày đêm, với nhiều chủng loại phương tiện.

Thực tế cầu đường sắt có khẩu độ khoang thông thuyền 27m, tĩnh không 3,2m. Ảnh: TQ

Thực tế, sông Đào Hạ Lý có 4 đoạn cong cua, 4 cầu đường bộ và 1 cầu đường sắt vượt sông (cầu đường sắt có khẩu độ khoang thông thuyền là 27m, tĩnh không là 3,2m, tĩnh không thấp nhất trong 5 cầu). Theo tiêu chuẩn quốc gia về phân cấp kỹ thuật ĐTNĐ, cấp kỹ thuật cấp III tương ứng với việc khai thác vận tải hiệu quả nhất đối với đoàn sà lan có trọng tải đến 2x400 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải 300 tấn, tuy nhiên, trên tuyến sông Đào Hạ Lý nhiều phương tiện lưu thông có trọng tải lên tới 3.000- 4.000 tấn.

Xem xét đa diện vụ việc theo chỉ đạo của Bộ GTVT và Cục ĐTNĐ VN cho thấy, từ trước đến nay, việc quản lý đối tượng là phương tiện giao thông lưu hành trên khu vực này dựa chủ yếu vào các quy định của Bộ GTVT về cấp kỹ thuật của các tuyến ĐTNĐ.

Cụ thể, theo Thông tư 46 ngày 29/12/2016 của Bộ GTVT thì thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa tàu qua khoang thông thuyền khi xét thấy đủ điều kiện an toàn, trường hợp cần thiết phải xin chỉ dẫn của bộ phận điều tiết giao thông hoặc đơn vị quản lý ĐTNĐ.

Trong trường hợp nói trên, quan điểm của cơ quan chức năng đều đồng thuận rằng, Cty điều tiết, đảm bảo giao thông đã làm hết trách nhiệm của mình, lỗi hoàn toàn thuộc về Thuyền trưởng tàu HD-3599 và thực tế thì chủ phương tiện này đã chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khắc phục sự cố. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao hạn chế tối đa các trường hợp tương tự, mà cụ thể là hạn chế tàu to, phương tiện lớn đi vào luồng có cấp kỹ thuật hạn chế thì các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) lẫn Điều tra đều bó tay, bởi lỗ hổng pháp lý đang tồn tại.

Cần có các giải pháp hiệu quả để bảo vệ cầu đường sắt Tam Bạc. Ảnh: TQ

Hiện chưa có quy định nào của pháp luật về quản lý ĐTNĐ cấm và có chế tài xử phạt các phương tiện thủy có tải trọng lớn lưu hành trên luồng ĐTNĐ có cấp kỹ thuật nhỏ hơn. Hiện các phương tiện ĐTNĐ hoạt động theo “khuyến cáo” của cơ quan chức năng “các phương tiện thủy hoạt động hiệu quả” trên đường sông các cấp, chứ chưa có quy định cụ thể tải trọng lưu thông trên các sông có các cấp khác nhau. Như thế, nếu là lĩnh vực Đường bộ thì trường hợp này cơ quan chức năng dễ dàng phạt vi phạm, nhất là lỗi quá tải, nhưng với ĐTNĐ thì đành... lưu hồ sơ và chỉ có thể xem xét các lỗi liên quan đến tĩnh không, chấp hành điều tiết mà thôi.

Trong khi chưa có chế tài xử phạt các phương tiện thủy có tải trọng lớn lưu hành trên luồng ĐTNĐ có cấp kỹ thuật nhỏ hơn cũng như việc tránh những vụ va chạm nêu trên, ông Trần Minh Thành kiến nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam bố trí kinh phí lắp đặt thiết bị cảnh báo tĩnh không trực tiếp từ xa tại khu vực ngã ba Niệm và ngãn ba Xi Măng sông Đào Hạ Lý và lắp đặt hệ thống báo hiệu tĩnh không hiện tại cho người lái phương tiện thủy nội địa nhận biết qua số đọc thực tế trên bảng điện tử tại các cầu trên sông Đào Hạ Lý theo Thông tư số 08/2020/TT-BGTVT ngày 17/4/2020 của Bộ GTVT về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu ĐTNĐ Việt Nam.

Đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản gửi UBND, Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh, thành phố, các Cảng vụ ĐTNĐ để tăng cường phối hợp tuyên truyền cho các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ, điều khiển phương tiện có trọng tải lớn bằng hành trình phù hợp, phòng ngừa va chạm các công trình trên tuyến sông Đào Hạ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

(Thanh tra) - Chiều ngày 11/12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) có địa chỉ ở số 49 Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Cty Tây Đô là chủ đầu tư dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại Khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Trần Lê

20:21 11/12/2024
Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

(Thanh tra) - Cho rằng người khác trồng ngô chặn lối mòn mình thường đi, người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng đã dùng tay nhổ 25 cây ngô và bị khởi tố về tội “Huỷ hoại tài sản”.

Trung Hà

15:34 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm