Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ đầu tư phá nát bản gốc Tượng đài Thánh Gióng

Thứ hai, 02/04/2012 - 17:25

(Thanh tra)- Sau khi Báo Thanh tra đăng bài “Học viện Phật giáo Việt Nam (PGVN): Kiến nghị điều chỉnh vị trí xây dựng biệt thự gần Đền Sóc” (số 39, ra ngày 31/3), chúng tôi được nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, Trưởng Bộ môn Điêu khắc, Hội Mỹ thuật Hà Nội, tác giả Tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi Chồng, Sóc Sơn, cho biết đã đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ vụ phá hoại bản mẫu gốc Tượng đài Thánh Gióng.

Bản mẫu gốc Tượng đài Thánh Gióng đã bị chủ đầu tư phá nát

“Tác phẩm thạch cao Thánh Gióng này được tôi dày công điêu khắc trong vòng 6 năm (2003 - 2009), đã được Hội đồng Mỹ thuật Quốc gia chấm điểm cao nhất trong số 28 mẫu tượng dự thi và được chỉnh sửa theo sự góp ý của các họa sĩ nổi tiếng và của lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội để có được bản mẫu chính thức đưa vào đúc tượng đồng Thánh Gióng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân nói. Theo tìm hiểu của PV, cách đây 2 năm, UBND TP Hà Nội đã giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn cho Ban Quản lý (BQL) Dự án (D.A) xây dựng Tượng đài Thánh Gióng mượn khu đất này để làm công trường đúc tượng. Sau khi Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng được đúc xong, chuyển lên dựng ở đỉnh núi, có văn bản đề nghị BQL D.A bàn giao lại khu vực này để giao khu đất trên cho Cty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Vui chơi Giải trí - Thể thao Hà Nội. Ngày 12/1/2012, UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức cuộc họp, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đức Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện, với sự tham gia của đại diện: Chủ đầu tư, Giáo hội PGVN, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn và các ban, ngành liên quan. Các bên đã thỏa thuận bàn giao khu đất này vào tháng 3/2012 và phải di chuyển nguyên vẹn mẫu gốc Tượng đài Thánh Gióng. “Chúng tôi xin thêm một thời gian nữa để xây xong bệ để đặt tượng và làm lễ rước đến địa điểm khác. Chúng tôi sẽ hoàn thành sớm và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư”, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Trưởng BQL D.A xây dựng Tượng đài Thánh Gióng nói. Thế nhưng, ngày 16/1/2012, Cty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Vui chơi Giải trí - Thể thao Hà Nội đã cho lực lượng, xe ủi, cần cẩu san bằng mọi thứ và đập vỡ tượng mẫu Thánh Gióng. Đại đức Thích Giác Như cho biết: Khi nghe tin có người vào phá dỡ tượng mẫu, chúng tôi đã cho bảo vệ vào can ngăn. Bản thân anh Lộc cũng đã nhắc nhở và yêu cầu không được phá tượng mẫu Thánh Gióng. Thế nhưng, phía chủ đầu tư vẫn tiến hành san ủi và phá nát tượng mẫu Thánh Gióng.Đến thời điểm này, dưới chân núi chỉ còn khung cảnh tan hoang đổ nát khi cả công trường đúc Tượng đài Thánh Gióng (khoảng 2,2ha với 5 nhà xưởng rộng 500m2) đã bị san phẳng. Đường lên Tượng đài đã được bao quanh bởi những hàng rào tôn kín mít do chủ đầu tư đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng biệt thự, sân gôn và nhà nghỉ.Được biết, với những cống hiến cho nền điêu khắc, đặc biệt là công trình tượng mẫu Thánh Gióng, ông Nguyễn Kim Xuân đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen. Ngoài ra, ông còn được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội 2010 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thủ đô. Chưa kể, sau khi Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng nặng hơn 80 tấn được đúc và dựng trên núi Chồng, ông Xuân đã nhận được đề nghị của Giáo hội PGVN: Trước khi đưa tượng đài thạch cao mẫu gốc vào Bảo tàng Phật giáo để lưu giữ, sẽ đúc tiếp 3 Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng (từ nguyên mẫu thạch cao) để đặt ở Móng Cái, TP Huế và mũi Cà Mau. “Điều tôi đau lòng nhất, ngoài việc mất đi mẫu tượng gốc, là thái độ của doanh nghiệp với vấn đề văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh. Cần làm rõ trách nhiệm và thái độ của doanh nghiệp đối với sự việc”, ông Xuân bức xúc và khẳng định: “Tôi sẽ làm rõ vụ này, nếu cần sẽ khởi kiện việc xâm hại sáng tạo”. Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lưu Danh Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Chuyên ngành Điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam nói: “Việc đã xảy ra và hậu quả thật đáng tiếc. Ở đây, đã có sự tranh chấp dân sự. Theo tôi, đã đến lúc các bên cần ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết. Rõ ràng, đây là hành động chủ ý và tắc trách của nhà đầu tư. Dưới góc độ nhà hoạt động nghệ thuật, tôi cho rằng, không bao giờ có được một bức tượng mẫu Thánh Gióng thứ hai đẹp và có ý nghĩa như bức tượng đã bị đập nát. Ông Lưu Danh Thanh cũng cho rằng, “trong chuyện này, vấn đề quy hoạch cũng lẫn lộn giữa văn hóa tâm linh và khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Nếu tại đây mà xây dựng các khu nhà nghỉ cao tầng, khu vui chơi, sẽ ảnh hưởng đến quần thể của Khu Di tích Đền Sóc, Tượng đài Thánh Gióng, Chùa Non nước và Học viện PGVN tại Hà Nội. Chúng ta phải học các nước như Nhật Bản, Thái Lan… để vừa có thể kinh doanh du lịch nhờ yếu tố văn hóa tâm linh”.Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc thì “cảm thấy rất tiếc vì đã xảy ra chuyện này cho dù bất cứ nguyên nhân gì. Bởi, để tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật không phải dễ, nhất lại là Tượng Thánh Gióng - một biểu tượng hết sức thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt”. Từ góc độ người làm sử, ông Dương Trung Quốc cho biết, rất trân trọng ý tưởng của Giáo hội PGVN đề xuất đúc thêm 3 bức Tượng Thánh Gióng bằng đồng đặt ở 3 miền đất nước. Đây vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Trong vấn đề này, chúng ta phải có cái nhìn, thái độ ứng xử với văn hóa, lịch sử. Nếu đây là hành động cố ý phá nát tượng mẫu Thánh Gióng thì phải có sự phán xử nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thái độ thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có chính quyền địa phương, để cuối cùng người chịu thiệt lại thuộc về tác giả”. Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc đánh giá rất cao sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ khi đã có công văn chỉ đạo UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đề nghị điều chỉnh quy hoạch D.A khu vui chơi, giải trí, khu dịch vụ và biệt thự, nhà nghỉ bán và cho thuê của Học viện PGVN tại Hà Nội. “Dù muộn còn hơn không, nếu không điều chỉnh lại quy hoạch thì hậu quả sẽ khôn lường. Trong khi đó, khu đất này UBND TP Hà Nội đã giao cho Cty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Vui chơi Giải trí - Thể thao Hà Nội từ năm 2008 mà đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Vậy, doanh nghiệp cũng phải giải trình về việc chậm trễ này”, ông Dương Trung Quốc nói.Nhìn từ góc độ luật pháp, luật sư Trần Đình Triển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần xem lại quy trình thực hiện cưỡng chế đã tuân thủ các bước chưa? Bởi vì đề nghị xin thêm một thời gian nữa để xây xong bệ tượng rồi chuyển tượng mẫu ra khỏi khu đất để bàn giao mặt bằng của BQL D.A xây dựng Tượng đài Thánh Gióng rất đáng được xem xét. Ngoài ra, cần làm rõ: Tại sao lại nóng vội đập phá tượng mẫu - một tác phẩm nghệ thuật có giá trị và tốn bao nhiêu công sức thời gian không riêng gì một cá nhân mà nhiều tập thể khác. “Rõ ràng, việc làm này đã vi phạm khoản 1 Điều 43 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về cố ý hủy hoại tài sản hoặc hư hỏng tài sản”. ông Triển khẳng định. Thủ tướng chỉ đạo TP Hà Nội xem xét kiến nghị của Học viện PGVN Xét đề nghị của Học viện PGVN tại Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch D.A khu vui chơi, giải trí, khu dịch vụ và biệt thự, nhà nghỉ bán và cho thuê, ngày 26/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1949/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đề nghị của Học viện PGVN tại Hà Nội. Trước đó, Học viện PGVN tại Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị xem xét, điều chỉnh lại vị trí khu xây dựng nhà ở, biệt thự, nhà nghỉ để bán và cho thuê do Cty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Vui chơi Giải trí - Thể thao Hà Nội làm chủ đầu tư ra xa khu vực di tích Đền Sóc và Học viện PGVN tại Hà Nội để tạo sự tĩnh lặng cho môi trường văn hóa tâm linh và cơ sở giáo dục Phật giáo. Trà Vân – Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm