Du lịch nội địa nhộn nhịp

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã đón và phục vụ 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu kế hoạch toàn ngành đề ra trong cả năm. Chỉ riêng trong tháng 6, khi mùa Hè bắt đầu, lượng khách đạt 12,2 triệu lượt, mức tăng kỷ lục từ khi có dịch Covid-19.

Sang đến tháng 7, lượng tìm kiếm về du lịch đã tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 trước khi mở cửa du lịch. Các thị trường truyền thống đã trở lại, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 37,5%. Doanh thu của lữ hành cũng tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến những địa phương đã về đích trước như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ....

Lý giải cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch, các chuyên gia cho rằng mùa Hè năm nay đã thực sự "cởi trói" cho du khách sau hơn hai năm Covid-19. Đặc biệt, rất nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn được đầu tư kịp thời đã kích "ngòi nổ" cho một làn sóng du lịch nội địa trên khắp các tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, sau thời gian dài im ắng vì dịch bệnh, rất nhiều chương trình kích cầu được các địa phương liên tục tung ra.

Phía Bắc có Festival "Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai" sẽ diễn ra trong tháng 8/2022 tại Sa Pa. Ngày hội Văn hoá Thể thao Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV dự kiến diền ra từ ngày 2- 4/11/2022 tại Việt Trì, Phú Thọ. Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II dự kiến trong quý 4/2022 tại Thái Nguyên…

Miền Trung có Lễ hội Dù lượn Nha Trang và các sự kiện "Nha Trang chào Hè 2022" của Khánh Hòa. Hàng loạt sự kiện văn hóa nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức.

Đối với miền Nam, vào quý 3 năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ mở tuyến đường thủy bằng tàu cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại. Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được tổ chức ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Chương trình dù lượn thể thao ở An Giang; Lễ hội Bánh ở Cần Thơ; Lễ hội Dừa Bến Tre…

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch nhận định, kinh doanh du lịch đang “ấm lên” theo đà phục hồi. Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao. Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Cụ thể, nửa đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch đã thẩm định, cấp mới 312 giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy so với 2021), cấp đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép. Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng…

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam luôn tăng

Theo thống kê, tính chung 7 tháng của năm 2022, nước ta đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, chỉ đạt gần 15% so với kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Mặc dù vậy, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Đặc biệt kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch vào giữa tháng 3 vừa qua, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì ở mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, điều này hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành Du lịch nước nhà.

Mặt khác, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm). So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200%. Trong khi đó, lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài của người Việt trong tháng 7/2022 vẫn tăng cao ở mức 780% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ tiếp tục tăng cao khi hoạt động du lịch quốc tế trên toàn cầu đang có xu hướng phục hồi.

Thực tế cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn dè dặt. Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần phát triển sản phẩm du lịch bền vững dựa vào lịch sử và cộng đồng theo nhu cầu khách; tăng cường kết nối, hợp tác trong phát triển sản phẩm; sáng tạo trong phát triển nội dung, chú trọng yếu tố khác biệt; luôn đổi mới hình thức khám phá và trải nghiệm đích thực.

Cần tận dụng tối đa hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thống, đồng thời chuyển dần sang xu thế mới là ứng dụng chuyển đổi số, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn bên cạnh sử dụng các nền tảng thương mại, giúp đưa sản phẩm dịch vụ du lịch đến với khách hàng một cách trực tiếp. Đồng thời, ngành Du lịch cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Australia, ASEAN.

Về phía cơ quan chủ quản, Tổng cục Du lịch đang cùng Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với các doanh nghiệp, hãng hàng không và các điểm đến lên kế hoạch tổ chức xúc tiến quảng bá nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường gần khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu.

Các chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp lữ hành phải là nơi liên kết giữa nhu cầu và điểm đến, hiện thực bằng cách kết nối nhiều điểm đến để tạo ra các tour tuyến mới phục vụ nhu cầu đã và đang thay đổi của dòng khách ngoại.

Thái Hải