Thành thông lệ, cứ vào trung tuần tháng 9 (Âm lịch) hàng năm, chùa Keo Thái Bình lại mở lễ hội mùa Thu để chào đón Phật tử và du khách trên cả nước tới tham quan và chiêm bái.

Lễ hội chùa Keo mùa Thu tái hiện lại rõ nét đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của người dân làng Keo từ ngàn đời xưa. Qua các nghi lễ, dân làng cầu mong các bậc thánh, thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu, cuộc sống an khang thịnh vượng... 

Hát quan họ giao duyên ở chùa Keo. Ảnh: M.Q

Lễ hội năm nay, cùng với phần lễ trang trọng, linh thiêng là các hoạt động văn hóa, thể thao và những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc địa phương như: Thi tiêm trầu cánh phượng, chọi gà, đập niêu, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô bắt vịt, bơi chải cạn, thi hát văn...

Cuối lễ hội là nghi lễ chầu thánh, đây là nghi lễ đặc biệt chỉ có ở lễ hội chùa Keo. Ngoài ra, năm nay, ban tổ chức còn tổ chức 2 đêm nghệ thuật do Đoàn Ca múa kịch Thái Bình và các câu lạc bộ văn nghệ của toàn huyện Vũ Thư biểu diễn.

Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang tự) được xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII); được đánh giá là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc và là 1 trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Một cảnh rước thuyền rồng ở Lễ hội chùa Keo. Ảnh: M.Q 

Chùa Keo ngoài thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh). Vị Thánh được thờ là Thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học.

Với những giá trị văn hóa lịch sử, ngày 28/4/1962, chùa Keo được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá Quốc gia. 

Tháng 9/2012, chùa Keo được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ngày 23/11/2017, Lễ hội chùa Keo được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trọng Tài