Dự án Trường quay phim cổ trang Yên Tử Việt Nam (Bãi Nẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) sẽ được khởi công trong tháng 9.2014. Tới lúc này, nhiều “công đoạn” quan trọng chuẩn bị cho bộ phim “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” (45 tập, Cty Cổ phần Việt Nam tinh hoa, Đài PTTH Hải Phòng phối hợp tổ chức sản xuất) đã hoàn tất, đoàn phim cũng đã lên kế hoạch dự kiến bấm máy vào khoảng cuối năm 2014.
Song, việc săn lùng những diễn viên thích hợp vào vài trăm vai, từ chính tới phụ, đến trung tuần tháng 8 này vẫn còn tiếp diễn. Sự thành – bại của phim, có thể nói 80% phụ thuộc vào diễn xuất của các diễn viên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, tại sao trong buổi giới thiệu dự án phim, phim trường và thông báo tuyển diễn viên cho khóa đào tạo diễn viên phim cổ trang do Cty CP Việt Nam Tinh hoa tổ chức diễn ra trong ngày 9.8 tại ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, thấy vắng bóng các ngôi sao hay diễn viên hạng nhất nhì… của phim ảnh phía Nam, bà trợ lý của NSUT Nguyễn Văn Lượng - đạo diễn phim cho biết: “Diễn viên cho phim, chúng tôi cần 80% là những khuôn mặt mới, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm diễn xuất”.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 mới đây, tại Hải Phòng và Hà Nội, đoàn phim cũng đã tổ chức việc tuyển diễn viên. Sau TPHCM, đoàn sẽ ra Uông Bí – Quảng Ninh tiếp tục tìm kiếm những người có hạnh duyên tham gia một dự án phim cổ trang lớn, lần đầu tiên thể hiện hình tượng vị Vua Phật Trần Nhân Tông.

Dự án phim đã được nhen nhóm từ 9.2011, kịch bản của nhóm nhà văn Lê Phương - Trịnh Thanh Nhã - Lê Anh Thúy, Ban cố vấn gồm nhà sử học Dương Trung Quốc, NSND Đặng Xuân Hải, GS - TS Lê Mạnh Thát, GS- TS NSND Nguyễn Đình Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Tùng, họa sĩ thiết kế chính Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ bối cảnh Hoàng Chí Long.

Để có được một kịch bản tương đối ưng ý, theo nghệ sĩ Nguyễn Văn Lượng, ông đã mua bản quyền tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải, tiểu thuyết “Người Thăng Long” và một số tác phẩm khác của nhà văn Hà Ân, bộ tiểu thuyết “Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông”, “Gươm thiêng Hàm Tử” của nhà văn Trần Đại Sĩ…

Phim sẽ được thực hiện chính tại trường quay ở Bãi Nẫu (Quảng Ninh) – dự án do Cty Việt Nam tinh hoa làm chủ đầu tư. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Lượng chia sẻ: “Chỉ khi có trường quay phim cổ trang, lịch sử, chúng ta mới đi đúng con đường chuyên nghiệp như các nước tiên tiến đã đi. Chúng tôi vẫn xác định, kịch bản phim là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng bộ phim – nhất là những phim không lấy thế mạnh là phô diễn kỹ nghệ, kỹ xảo. Đạt được đến độ đẹp giản dị trong văn hóa là đã đạt được đến độ sang quý, tinh tế - đó là đích đến cho bộ phim về Vua Phật Trần Nhân Tông. Làm phim này là thực hiện một dự án lớn nhất của đời tôi. Tôi làm phim với tâm tĩnh. Cố làm một bộ phim đẹp, đúng, hấp dẫn về cha ông mình”

Song, nói gì thì nói, nếu không tìm được, hay diễn viên không đủ khả năng thể hiện được hết chiều sâu, tầm văn hóa của nhân vật chính - Vua Phật, các diễn viên không đủ sức lột tả được, hay chí ít không làm cho khán giả tin được nhân vật cả chính hay phản diện mà họ đóng cách người xem vài trăm năm, thì một kịch bản hay đến mấy, được viết công phu đến mấy, cũng coi như phí hoài. Đó là một nguy cơ thực sự, cho dù có bàn tay chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn.

Có lẽ, để giảm thiểu đến mức thấp nhất sự rủi ro về diễn xuất, đoàn phim, sau khi tuyển diễn viên xong, mở một lớp đào tạo diễn viên cổ trang, trước mắt phục vụ cho phim, sau là để dùng dần cho các dự án phim cổ trang khác. Nguyễn Văn Lượng cùng các đồng nghiệp của ông mở khóa huấn luyện trong vòng 1 tháng cho các diễn viên tại Hải Phòng, Uông Bí từ 20.8 -20.9, học viên từ các tỉnh khác tham gia khóa huấn luyện sẽ được hỗ trợ 50 - 70% kinh phí.

Một câu hỏi được đặt ra là, liệu trong vòng 1 tháng, các học viên có thể hấp thụ được hết những môn như: kỹ thuật diễn xuất sao cho hoàn thiện, chân thật; hình thể với việc học từ những việc nhỏ như cách bưng trà, uống trà, chào hỏi theo lối người xưa cách nay 700 năm; học múa hát, thư pháp, võ thuật, trà đạo, cưỡi ngựa, lịch sử Việt Nam chuyên sâu về thời Trần… cho dù giảng viên đứng lớp là những nghệ sĩ như Đình Quang, Như Quỳnh, Lê Khanh, Quốc Thịnh, Mẫn Thu, Lê Đại Chức,…

Và ai, diễn viên trẻ nào có đủ khả năng vào vai Vua Phật - mới thật là một “ẩn số”...

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Trưởng ban cố vấn:Đề tài Phật Hoàng Trần Nhân Tông gắn với một thời đại, có thể nói là oai hùng nhất trong lịch sử dâ tộc. Đồng hành với đoàn phim gần 4 năm, tôi nhận thấy ở họ một nỗ lực phi thường, và có lẽ nỗ lực này bắt đầu từ những bài học của những người đi trước đã làm phim đề tài lịch sử, cổ trang. Chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm với những bước chuẩn bị cho phim, mặc dù biết rằng, phía trước còn vô vàn khó khăn... Chúng tôi mong rằng, dự án phim là một cơ hội để kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng – cộng đồng của những người làm điện ảnh, cộng đồng những người làm truyền thông và lớn hơn nữa, cộng đồng những người mong muốn, chờ phim ảnh nước nhà có dòng phim cổ trang tương xứng với kho sử rất oai hùng , phong phú của cha ông chúng ta…

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần:Tôi giảng dạy ở Viện cao cấp Phật học nhiều năm liền, rất hạnh phúc khi biết về dự án phim. Tôi tin là dự án sẽ thành công. Làm phim lịch sử, cổ trang, khi cẩn thận từ những chi tiết nhỏ, phim được thực hiện nghiêm túc thì sẽ lôi cuốn người xem…

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:Tôi hy vọng phim sẽ đạt được tới mức như là một tiếng chuông kêu gọi chúng ta trở về với cái tâm lành mạnh của mình.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức:Sau khi mời tôi tham gia làm phim, anh Nguyễn Văn Lượng đưa tôi rất nhiều phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Tôi xem và phát hiện ra, hóa ra, họ… bịa cũng nhiều. Bắt tay vào làm phim, chúng tôi đã bàn phải xác định rõ định hướng để tìm con đường thể hiện cho đúng nhất: Thuần Việt, nhưng phải được đẩy lên tầm quy mô. Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân các làng nghề truyền thống đã tham gia vào các công việc chuẩn bị vật dụng, trang phục, binh cụ,… cho phim.



























                     

Theo Dân trí