Lay lắt tồn tại

Ẩn mình trong “vòng tay” của núi rừng Ea Súp, tháp Yang Prong mang trong mình vẻ đẹp huyền bí của người Chăm xưa. Đây là ngọn tháp Chăm duy nhất được xây dựng và còn khá nguyên vẹn ở Tây Nguyên. Tháp cao hơn 10m, có cấu trúc hình vuông, phía trên nhọn như củ hành. Điều đó khiến ngọn tháp này trở nên nổi bật bởi nó khác với nhiều kiến trúc tháp Chăm thường thấy. Tháp thờ thần Shiva dưới dạng Mukhalinga, để cầu mong sự nảy nở của giống nòi, và ấm no hạnh phúc. Năm 1991, tháp Yang Prong được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Cho đến nay, tháp Chăm độc nhất này vẫn mang ý nghĩa lớn đối với các nhà dân tộc học, nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà kiến trúc…

Thế nhưng, theo thời gian, ngọn tháp này đang ngày một xuống cấp, hư nát và có nguy cơ biến thành nơi thờ cúng, sùng bái mê tín của người dân. Mặc dù đã được đầu tư trùng tu nhiều lần, nhưng tình trạng vẫn không mấy khả quan, có chăng chỉ góp phần làm mất đi sự cổ xưa vốn có của tháp Chăm. Theo bà Hoàng Thị Nhật - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Đắk Lắk: Tháp Yang Prong thực ra chỉ được gia cố chứ chưa thực sự trùng tu đúng nghĩa. Bởi muốn trùng tu một di tích lịch sử cấp quốc gia cần phải có kế hoạch cụ thể, nghiên cứu vật liệu gốc và quan trọng là vẫn giữ được bức tranh văn hóa... Chứ cứ dùng vôi vữa, xi-măng trét vào sẽ chẳng mấy chốc tháp Chăm bị cưỡng bức thành hiện đại.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp, hang đá Đắk Tuar (huyện Krông Bông) đã trở thành khu căn cứ cách mạng, nơi làm việc, đóng quân của Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh. 

Năm 1991, hang đá Đắk Tuar được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử. Vậy nhưng, cùng cảnh ngộ với các di tích khác, hang đá Đắk Tuar cũng đang “ngoi ngóp” trước sự tàn phá khốc liệt của thời gian. Được xây dựng hàng rào bảo vệ, tuy nhiên người dân nơi đây đã biến hàng rào bảo vệ này thành nơi trú ngụ cho trâu bò. Rừng bị chặt phá, các dấu tích lịch sử của hang đá cũng dần biến mất do tác động của con người. 

Ngay cả khu du lịch văn hóa sinh thái Đray Sáp - Đray Nur cũng đang trong tình trạng bị xâm hại nặng nề. Môi trường bị ô nhiễm. Việc xây dựng hệ thống thủy điện trên sông Sêrêpốk đã khiến cho cảnh quan nơi đây bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Từ đó có thể thấy, các di tích lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ!

Khó khăn trong công tác tôn tạo, giữ gìn

Mặc dù sự xuống cấp của nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ai cũng nhìn thấy và được báo động rất nhiều, tuy nhiên để trùng tu nguyên trạng, đồng thời thực hiện các giải pháp bảo vệ, quản lý là điều không dễ dàng. 

Trao đổi về vấn đề này, bà Nhật bày tỏ khó khăn: “Lẽ ra các di tích lịch sử phải có người bảo vệ nhưng do hiện nay hầu hết các nơi này chưa khai thác hết tiềm năng du lịch, đường sá xa xôi, lượng khách lại quá ít nên lực lượng bảo vệ chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, muốn trùng tu lại một di tích lịch sử, cần nguồn kinh phí rất lớn. Thế nhưng, tỉnh đang hết sức khó khăn nên đành… phải chờ”.

Được biết, năm 2013, tỉnh Đắk Lắk đã chi 300 triệu đồng để dùng cho việc trùng tu Biệt điện Bảo Đại nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Bởi chỉ riêng chiếc áo của vua Bảo Đại đã có giá tới 500 triệu đồng. 

Tỉnh cũng đã chi nhiều tỷ đồng cho việc trùng tu lại tháp Chăm Yang Prong với nhiều hạng mục như: Trùng tu, gia cố khung thép khu vực chung quanh tháp chính, xây dựng tường rào bao quanh, láng nền bằng xi măng, trồng cỏ, đặt ghế đá trong khuôn viên khu vực tháp…Nhưng do chưa phân công người quản lý, bảo vệ nên tháp ngày càng hư hỏng, xuống cấp. Mặt khác, tại di tích này, liên tiếp trong thời gian qua, người dân địa phương đã tự ý lập các bàn thờ dày đặc, bày biện hàng trăm bát hương khiến quang cảnh tháp trở nên lộn xộn, mất mỹ quan.

Việc nhiều di tích được Nhà nước công nhận là niềm vui lớn đối với Đắk Lắk. Thế nhưng, để các di tích tồn tại bền vững theo thời gian, cần phải có kế hoạch giữ gìn, tôn tạo, đồng thời phát huy giá trị trong các hoạt động giáo dục, du lịch…

 Quỳnh Anh