Hiện nay, Hòa Bình đã có 41 di tích được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng cấp quốc gia, 27 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Theo số liệu thống kê, phân loại của Sở VHTT&DL Hòa Bình, trong số 41 di tích cấp quốc gia có 9 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến; 2 di tích lịch sử văn hóa; 12 di tích khảo cổ học và 18 di tích danh lam thắng cảnh. Trong 27 di tích cấp tỉnh, có 21 di tích lịch sử - văn hóa; 5 di tích lịch sử cách mạng và 1 di tích danh lam thắng cảnh.

Tất cả các di tích trên đều có giá trị rất lớn về mặt văn hóa. Đến thời điểm hiện tại (2015), chỉ có một số di tích tâm linh, như Đền Thác Bờ (huyện Cao Phong); Quần thể di tích Chùa Tiên (Phũ Lão, Lạc Thủy); Quần thể di tích núi Đầu Rồng, Chùa Khánh, Đền Thượng Bồng Lai (Cao Phong); Chùa Hang (Yên Thủy); Hang Luồn; Đền Niệm, Đình Niếng (Lạc Thủy)... là những điểm di tích thu hút được lượng du khách đến tham quan, cúng lễ nhiều, nhất là vào dịp đầu năm, đem lại nguồn thu lớn. Tuy nhiên, những điểm di tích này phần lớn là do cá nhân quản lý, tự đầu tư kinh phí tôn tạo, phục hồi.

Vì do cá nhân quản lý, khai thác nên công tác trùng tu, tôn tạo không được thực hiện đúng quy trình, quy định, xây dựng chắp vá, thiếu các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu của du khách, nặng về "kinh tế". Đơn cử như Đền Thác Bờ, vào thời điểm sau Tết, có hàng vạn du khách từ các nơi đổ về cúng lễ, nhưng nhiều dịch vụ bị bỏ ngỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn. Chủ "nhang" chỉ chăm lo phần lễ, chưa chú ý đến phần hội.

Động Tiên Phi, TP Hòa Bình là di tích danh lam thắng cảnh hấp dẫn. Tuy nhiên do không được thường xuyên trùng tu, bảo vệ, cơ sở hạ tầng (đường, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi) còn khó khăn, thiếu thốn nên "sức hút" du khách còn hạn chế. 

Ngược lại, ở huyện Lạc Thủy, địa phương có nhiều di tích lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh, tâm linh, như Nhà máy In tiền, quần thể Chùa Tiên, Đình Niếng, Động Tam Tòa, Đền Trình, Đền Mẫu Âu Cơ... trước đây cũng do một số tư nhân đứng ra quản lý, khai thác. Các điểm di tích thu hút đông khách tham quan, du lịch, cúng lễ. Thu nhiều tiền, nhưng đầu tư tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng không được chú ý. Năm 2010, UBND huyện Lạc Thủy thành lập Ban Quản lý các khu di tích. Với phương châm xã hội hóa để bảo vệ tôn tạo di tích, đã làm thay đổi lớn các di tích. Hệ thống giao thông được xây dựng mới, nâng cấp; nhà nghỉ, khách sạn được xây dựng; các điểm di tích có người bảo vệ, trông coi, tôn tạo, tu bổ, phục hồi. Lạc Thủy đã phát huy hiệu quả các di tích trong lĩnh vực du lịch.

Khu mộ cổ Đống Thếch (Kim Bôi) đã thành vườn mía, vườn ngô. Ảnh: Hồng Bài

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hòa Bình vẫn còn nhiều di tích, trong đó chủ yếu là di tích khảo cổ học, lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng chưa có người trông coi, bảo vệ, như: Tượng đài Cù Chính Lan, Tượng đài Tây Tiến...

Đặc biệt là một số di tích khảo cổ học, lịch sử văn hóa đã bị xâm hại đến hiện vật, tài sản, cảnh quan của di tích. Khu mộ cổ Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi là di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Đây là khu mộ cổ của dòng họ Đinh nổi tiếng vùng Mường Động với hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ. Do không được bảo vệ, khu mộ đã bị "thợ săn" đồ cổ đào bới, lật tung để tìm đồ cổ. Hiện nay, người dân bản địa đã biến khu mộ thành vườn mía, ruộng ngô.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình cho biết, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình rất trân trọng, tự hào về giá trị của di tích. Tuy nhiên, do nguồn lực kinh phí còn eo hẹp, khó khăn nên đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích còn hạn hẹp. Từ năm 1995 đến nay, tỉnh Hòa Bình mới tiếp nhận khoảng 16 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VHTT&DL. Từ nguồn kinh phí trên, Hòa Bình đã tu bổ, tôn tạo 25 di tích cấp quốc gia. Về phía tỉnh, đến thời điểm năm 2015 này, hầu như chưa có nguồn kinh phí dành cấp cho việc tu bổ, tôn tạo di tích đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Kinh phí không đủ, không đáp ứng được thực tế nhu cầu, nên các hạng mục tôn tạo chỉ dừng lại ở mức bảo vệ di tích là chính. Không thể thực hiện hoàn thành dự án tổng thể nhằm đưa di tích vào khai thác phục vụ lĩnh vực du lịch.

Hòa Bình đã thực hiện xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích, nhưng cũng còn ở mức khiêm tốn, toàn tỉnh mới có 7 di tích được phục hồi từ nguồn vốn xã hội hóa. Xác định đây là điểm điểm yếu, hạn chế công tác tu bổ, phục hồi, bảo quản và phát huy hiệu quả của các di tích. Sở VHTT&DL Hòa Bình đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, hàng năm dành một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh cho công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Có chính sách khuyến khích, thu hút công tác xã hội hóa trong việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch. Đồng thời UBND tỉnh ra quyết định giao cho Ban Quản lý Di tích của tỉnh trực tiếp quản lý, khai thác các di tích và thắng cảnh trên vùng hồ sông Đà. Phải khẳng định, Hòa Bình là tỉnh giàu di tích, phong phú về loại hình, nhưng do nghèo kinh phí nên chưa khai thác hết thế mạnh của di tích gắn với phát triển du lịch.

Hồng Bài