Festival không chỉ đơn thuần là Lễ hội Cúng Trăng, đua ghe Ngo truyền thống mà được kết hợp với Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ, Hội thi thả đèn nước, Hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc, trò chơi dân gian, hội thao dân tộc Khmer, triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa, ca nhạc tổng hợp và hội chợ triển lãm.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Sóc Trăng Võ Thanh Quang cho biết, Festival thu hút khoảng 500 ngàn du khách nội tỉnh, 10 ngàn du khách trong nước, đặc biệt có hơn 1000 du khách nước ngoài đến tham dự.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh:“Lễ hội Óc Om Bok - Đua ghe Ngo là Lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm của đồng bào Khmer ĐBSCL, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nâng cấp thành Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL. Đây là một trong những sự kiện văn hóa lớn, mang tầm khu vực và quốc gia, thể hiện đậm nét loại hình văn hóa dân gian, đời sống tâm linh và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Nam bộ, cần được tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy”.


“Trăng và Lúa” là chủ đề xuyên suốt trong khai mạc Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013, đêm 15/11, trên một sân khấu nổi hoành tráng, bên bờ sông Nguyệt Giang (Maspero). Những điệu múa, ca khúc, hoạt cảnh rộn ràng vào mùa trăng tròn, mùa tiễn nước đón mùa khô, nước đi về trời rồi trăng lại mang mưa đến cho vụ mùa tốt tươi. Qua hàng nghìn năm lịch sử, cây lúa đã nuôi sống bao thế hệ 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, dù gian khổ nhưng vẫn vui tươi, yêu đời như tục ngữ Khmer: “Nếu em xay lúa thì đừng bỏ trấu, vì ông bà khuyên để làm gạch nung./ Nếu em giã gạo thì đừng bỏ cám, vì để nuôi heo sẽ được sang giàu”.


Điểm nhấn trong Festival lần này là cuộc so tài của 62 đội đua ghe Ngo (trong đó có 13 đội đua nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang và Vĩnh Long đã thu hút hơn 100 ngàn du khách đến xem. Sau hai ngày (16 - 17/11) tranh tài, giải nhất đua ghe Ngo nam thuộc về đội đua Càng Long TV48 (Trà Vinh) giải nhì đội Pôthi Prứs TĐ 20 (huyện Trần Đề - Sóc Trăng), giải ba đội Pong Tứs Chắs TT 39 (huyện Thạnh Trị - Sóc Trăng), giải tư đội Nha Si cũ KG 49 (Kiên Giang); Giải nhất đua ghe Ngo nữ thuộc Ngan Dừa BL 10 (Bạc Liêu), giải nhì đội Kỳ Son VL 09 (Vĩnh Long), giải ba đội Lương nghĩa HG 08 (Hậu Giang), giải tư thuộc về đội Cos Tung CLD 07 (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng).

Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ có 10 đoàn nghệ thuật của 6 tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu và Vĩnh Long với gần 500 diễn viên, nghệ nhân tranh tài. 04 giải xuất sắc thuộc về Đoàn nghệ thuật Sóc Trăng, Đoàn nghệ thuật Ron Ron tỉnh Sóc Trăng, Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh và Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 07 huy chương vàng, 20 huy chương bạc cho cá nhân và trao 03 bằng khen cho 03 ban nhạc hay nhất.


Hội thi trang phục ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa diễn ra tại Công viên 30/4 TP. Sóc Trăng, có hơn 60 thí sinh tham gia với 3 loại trang phục truyền thống của 3 dân tộc. Ban Tổ chức đã trao các giải nhất, nhì, ba và 10 giải khuyến khích cho các thí sinh có trang phục đẹp và trình diễn ấn tượng tại Hội thi.

Hội thi thả đèn nước (Lôiprotip) đêm 16/11 trên dòng Maspero ở tâm TP. Sóc Trăng. Theo phong tục người Khmer thả đèn nước dưới lòng sông để cúng dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông “Na Mi Thi” và làm mô hình tháp “Mô La Mu Ni” để tưởng nhớ nơi cất giữ búi tóc của Phật Thích Ca trên thượng giới. 

Lễ cúng Trăng - Óc Om Bok diễn ra vào đêm ngày 17/11 tại Nhà văn hóa Khmer, TP. Sóc Trăng, khuôn viên chùa và tại tư gia. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh để tri ân thần Mặt Trăng được tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch, chu kỳ của một năm theo quan niệm của người Khmer. Lễ cúng Trăng, người khấn vái nói lên lòng biết ơn với thần Mặt Trăng, xin Mặt Trăng tiếp nhận những lễ vật do họ dâng và cầu mong Mặt Trăng ban phúc cho mọi người dồi dào sức khỏe, mưa thuận, gió hòa để mùa màng được tươi tốt, con người hưởng được nhiều thành quả trong lao động sản xuất của vụ mùa tiếp theo... Lễ vật chính của lễ cúng Trăng là cốm dẹp.

Song song với hoạt động của lễ hội, Hội chợ Thương mại và triển lãm đã có 592 gian hàng thương mại (có 50 gian hàng ẩm thực) của các tỉnh, thành trên cả nước đã thu hút hơn 400 ngàn lượt người đến tham quan và mua sắm. Đây là dịp mở ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và góp phần vào công tác bình ổn giá cả thị trường.
Hoàng Tuấn