Nhiều hoạt động ý nghĩa

Tham dự buổi họp báo có Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo (GHPG) VN, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GH; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TWGHPG VN, Tổng Thư ký GH; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ GHPG VN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh và đại diện các ban ngành cấp tỉnh.

Hòa thượng Thích Gia Quang chủ trì buổi họp báo

Thượng tọa Thích Thanh Quyết thông tin: Đại lễ tưởng niệm Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông được tổ chức từ ngày 6-7/12/2018 (tức ngày 30/10-1/11 âm lịch). Đại lễ sẽ có nhiều hoạt động: Lễ tưởng niệm đại trai đàn cầu siêu tại chùa Ngọa Vân (thị xã Đông Triều); Lễ truyền đăng tưởng niệm Phật hoàng tại chùa Trình; Lễ cúng Phật, cúng Tổ, nhiễu tháp Phật hoàng và Đại lễ tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Cung Trúc Lâm, Yên Tử. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Đại lễ, GHPG VN phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (Viện Trần Nhân Tông) và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo: Trần Nhân Tông vfa Phật giáo Trúc Lâm-Đặc sắc tư tưởng văn hóa”.

“Điểm nhấn của Đại lễ là khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 Cung Trúc Lâm tại khu Danh thắng Yên Tử. Công trình được đầu tư gần 400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hoàn thành với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng. Số tiền từ nguồn công đức được tích cóp trong nhiều năm do thập phương tín thí và các doanh nghiệp tài trợ. Công trình do GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Công trình là nơi tổ chức các hoạt động Phật giáo trong các dịp lễ lớn như: Lễ khai hội Xuân Yên Tử, Đại lễ Phật đản, Đại lễ cầu siêu, cầu an, các khoa tu, các buổi hoằng pháp do Giáo hội tổ chức”.


Nét mới của Hội thảo khoa học Quốc tế về Trần Nhân Tông, được PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông chia sẻ, Hội thảo có sự tham gia của các học giả trong và ngoài nước. 34 bài tham luận của các học giả đến từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, sẽ tập trung vào các chủ đề: Hành trạng đặc sắc, tư tưởng văn hóa của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, vai trò ảnh hưởng trong lịch sử hiện tại và xu hướng tương lai. Phật giáo tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; phật giáo và các vấn đề đời sống con người đương đại.

Thượng tọa Thích Đức Thiện kiểm tra công tác tố chức Đại lễ

Đánh giá về công tác tổ chức Đại lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, công tác chuẩn bị, tổ chức phục vụ như: Trang trí khánh tiết, hậu cần phục vụ ăn nghỉ, an ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, công tác thông tin tuyên truyền đã được Ban Tổ chức thực hiện đúng kế hoạch. Việc tổ chức Đại lễ có sự tham gia của hàng vạn nhà tu hành, phật tử, nhân dân trong và ngoài nước… không chỉ thể hiện tri ân đối với công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông, mà còn là dịp giới thiệu quảng bá các giá trị tư tưởng văn hóa đặc sắc của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Phật giáo Trúc Lâm…

Giảm 50% vé cáp treo Yên Tử

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Cty CP Phát triển Tùng Lâm thông tin, đúng vào ngày Giỗ Phật hoàng vé cáp treo áp dụng mức đồng giá là 150.000 đồng/vé.

Chào mừng Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh khánh thành các công trình Phật giáo như: Chùa Trung Tiết, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, với số vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng; khánh thành công viên chữ Tâm trong khuôn viên chùa Trình; khánh thành giai đoạn 1 cung Trúc Lâm trên 200 tỷ đồng; đẩy nhan tiến độ xây dựng chùa Non Đông (Mạo Khê, Đông Triều), trị giá hàng chục tỷ đồng

Dịp này, Cty sẽ tổ chức các hoạt động: Buffer chay tại nhà hàng cơm chay Làng Nương; chương trình biểu diễn thời trang phật tử- tương hiệu An Lạc Tâm.. với sự góp mặt của các nghệ sỹ, doanh nhân… Toàn bộ số tiền thu được sẽ ủng hộ trẻ em bị tim bẩm sinh.

Riêng, cáp treo Ngọa Vân (Đông Triều), sẽ giảm giá vé cho tăng, ni, đại biểu về dự lễ còn 120.000đồng/vé.

Dịp này, Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh phát miễn phí 3 vạn suất cơm, xôi hộp cho phật tử về dự Đại lễ.

Cung Trúc Lâm hoàn thành giai đoạn I, trị giá trên 200 tỷ đồng, do GHPG VN tỉnh Quảng Ninh đầu tư

Riêng, vé vãn cảnh danh thắng, mặc dù Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã có văn bản xin miễn vé tham quan, nhưng vẫn chưa có ý kiến phản hồi từ các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, dịp này, bà con phật tử  hành hương về Yên Tử là để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, Đức vua, chứ không phải đi vãn cảnh, tham quan. Nếu họ phải mua vé là bất hợp lý.

 Trà Vân