Đó là ý kiến đánh giá, cảm nhận, chia sẻ của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về báo chí nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam mà PV Báo Thanh tra đã ghi lại.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội: “Báo chí phác họa lên bức tranh về các miền của đất nước”

Là lực lượng truyền  thông cho xã hội, báo chí luôn luôn “kề vai, sát cánh” với các cơ quan, tổ chức, không chỉ tuyên truyền những điển hình tiên tiến mà còn phản ánh, phát hiện những hiện tượng tiêu cực của xã hội, từ đó, các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét.

Thậm chí, có những vụ từ dư luận xã hội, thông tin báo chí, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra những vụ sai phạm, tham nhũng. Điều đó nói lên, báo chí có vai trò rất tích cực trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Báo chí Việt Nam đã phản ánh sinh động cuộc sống, đáp ứng thông tin cho xã hội và người dân.

Điều quan trọng, báo chí không chỉ tập trung ở đô thị, trung du, đồng bằng, mà đã có mặt trên tất cả các tuyến biên giới của cả nước, gắn bó với cơ sở và đi cơ sở nhiều, điều đó rất là hay. Nói cách khác, báo chí đã phác hoa lên bức tranh tổng thể về các miền của đất nước, kể cả đồng báo dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng người nghèo, yếu thế…

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi

 

Tôi cũng rất ấn tượng khi báo chí đã tham gia vào các hoạt động từ thiện nhân đạo. Qua thông tin các hoạt động của xã hội, đời sống nhân dân, nhiều cơ quan báo chí đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo và chính cơ quan báo chí cũng làm từ thiện nhân đạo.

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thấy rằng, vẫn còn một số cơ quan báo chí đưa thông tin chưa được kiểm duyệt, thiếu chính xác, dẫn tới những tác động không tốt. Tôi nghĩ rằng, thời gian tới, báo chí nên tận tâm hơn trong việc đánh giá những mặt được, đáng khen, cùng với đó, tiếp tục là ngòi bút sắc tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Quy định của pháp luật và quan điểm của Đảng thì “không có vùng cấm” và báo chí là 1 trong những công cụ tham gia vào công cuộc này. Có những vụ chưa để báo chí thông tin ngay vì có thể đang trong quá trình điều tra, chưa rõ nguyên nhân hoặc chưa có kết luận, vụ việc mới là hiện tượng chưa biết bản chất thế nào. Còn vấn đề nào đã rõ, báo chí đều có quyền được đăng tại thông tin, các cơ quan, đơn vị không được “giấu giếm”.

ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “Anh em báo chí đã mạo hiểm giả vai xâm nhập ổ tệ nạn để có thông tin”

Với công việc, chuyên môn và hoạt động của mình, tôi không thể thiếu báo chí được. Hàng ngày, tôi thường xem các thông tin được đăng tải trên các loại hình báo chí từ báo giấy, báo hình, báo tiếng đến báo điện tử.

Có thể nói, ở nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ, chúng ta thấy, báo chí có vai trò rất quan trọng. Báo chí đã phản ánh trung thực những mặt được, những gương người tốt, việc tốt, lồng vào đó là giáo dục đạo đức, nếp sống… Báo chí cũng tham gia đấu tranh các vụ việc tiêu cực, tham ô, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường… rất hiệu quả.

ĐBQH Trương Minh Hoàng

 

Đương nhiên, bên cạnh những mặt được, vẫn còn vài “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của báo chí. Những trường hợp như vậy, tôi nghĩ, ở lĩnh vực nào cũng có chứ không riêng gì báo chí.

Thời gian tới, với vai trò trách nhiệm của mình, những người đứng đầu các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đúng Luật Báo chí. Đi chỗ này, chỗ khác, tôi cũng nghe phàn nàn rằng, để gặp 1 vài vị rất khó khăn hay tiếp cận thông tin rất khó khăn, khiến anh em báo chí vừa tác nghiệp khó khăn, vừa gian nan. Thậm chí, vì không được các cơ quan chức năng cung cấp thông tin buộc anh em báo chí đã phải mạo hiểm đóng vai, giả vai để xâm nhập ổ tệ nạn, nhóm hoạt động xã hội đen… điều này rất nguy hiểm.

Trong quá trình tác nghiệp, tôi mong báo chí phản ánh đến nơi, đến chốn tạo dư luận chung trong xã hội. Còn các cơ quan, đơn vị đừng bưng bít thông tin. Trừ những trường hợp pháp luật quy định chưa cung cấp như những vụ trọng án đang điều tra, còn lại, các cơ quan nên sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí nhất là các hiện tượng tiêu cực, tuyên truyền giáo dục pháp luật…

Đã có Luật Báo chí rồi, các cơ quan chức năng và kể cả các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng để hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện để cùng nhau thực hiện cho tốt.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Tham gia phanh phui những vụ tiêu cực, tham nhũng”

Báo chí đã thông tin đa chiều, mặt được, mặt bất cập trong đời sống xã hội đến Quốc hội, cử tri, đồng bào nhân dân cả nước. Tôi đã thấy, những nhà báo, biên tập viên đã “lăn xả” ở hiện trường, phỏng vấn, xác minh, tìm hiểu nội dung cử tri phản ánh rất trung thực, khách quan, cặn kẽ. Vì vậy, những vấn đề báo chí đưa ra được cử tri và các ĐBQH rất đồng tình, ủng hộ.

Đặc biệt, báo chí đã góp phần quan trọng khi tham gia phanh phui những vụ tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tôi đánh giá cao về điều này. Từ những thông tin ban đầu của báo chí, các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra, Ủy ban kiểm tra của Đảng đã vào cuộc, sau đó giải quyết đến nơi, đến chốn.

ĐBQH Phạm Văn Hòa

 

Bản thân tôi là ĐB dân cử, tôi rất tin tưởng kênh thông tin của báo chí, cũng như sẵn sàng trao đổi, không có gì phải e dè hay ái ngại bởi qua đó, sẽ tuyền tải được những vấn đề mà cử tri quan tâm. 

Vì vậy, tôi cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương nên sẵn sàng trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật trên tinh thần chia sẻ, khách quan, trung thực. Không có vấn đề gì phải giấu giếm cả, càng giấu giếm, bưng bít thông tin thì người ta sẽ hiểu cơ quan đó bất hợp tác với báo chí.

Chúng ta đã có Luật Báo chí, khi tác nghiệp, báo chí có những quyền được pháp luật quy định. Nên cơ quan nào đó, ai đó có hành vi cản trở báo chí tác nghiệp, kể cả cung cấp thông tin không đúng sử thật thì đều phải xử lý nghiêm minh. Khi không cung cấp thông tin cho báo chí cũng phải xem xét trách nhiệm tại sao lại “né”, tại sao lại không có sự hợp tác với báo chí.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: “Chống tiêu cực, lợi ích nhóm rất cần sự đồng hành của báo chí”

Báo chí là kênh thông tin quan trọng, hữu ích đối với tất cả hoạt động của đời sống xã hội và các hệ thống chính trị. Thời gian qua, báo chí đã phản ánh trực tiếp, kịp thời, nhanh nhạy và chính xác hơi thở của cuộc sống, đặc biệt sát với yêu cầu của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh

 

Đặc biệt, nhắc tới báo chí không thể không nhắc đến việc báo chí đã góp phần tích cực phản ánh và chống các vấn đề tiêu cực của xã hội như phòng, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, hách dịch cửa quyền… Trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, chống lợi ích nhóm, rất cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí. Tôi mong, thời gian tới báo chí tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để cùng với dân tộc, cùng với đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong thời đại hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ nhanh, mạnh thì vai trò, vị thế và trách nhiệm của báo chí càng phải ở tầm cao mới. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm nhà báo, đạo đức của người làm báo. Báo chí cần có phản ánh đa chiều theo xu hướng tích cực và xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, kể cả công tác xây dựng pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện và phản ánh các dư luận xã hội.

ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): “Sự giám sát của báo chí phải được nối dài bằng quyền lực của Nhà nước”

Báo chí đã được xã hội thừa nhận, ngay trong QH cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của báo chí. Riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng, những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước đều khẳng định vai trò của báo chí. Ít nhất, ở khâu phát hiện và cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được báo chí truyền thông tin đến cho mọi người. Cho nên, chúng ta càng đề cao vai trò báo chí bao nhiêu thì càng phải quan tâm đến chất lượng của báo chí bấy nhiêu.

Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng báo chí qua số người đọc, điều đó rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nó tác động gì đến đời sống xã hội, từ nội dung nghiệp vụ của người làm báo, cần có phương thức để cân đong đo đếm được. Do đó, tôi nghĩ rằng, bên cạnh việc tôn vinh thì phê bình cũng rất đáng trân trọng.

Từ phát hiện tiêu cực, tham nhũng, các hiện tượng xã hội đều có thể “cân đong, đo đếm” được ngay vai trò của báo chí. Vấn đề là phải đi đến cùng những phát hiện của báo chí, mà lẽ ra sự giám sát của báo chí phải được nối dài bằng quyền lực của nhà nước. Phải làm sao cho các cơ quan giám sát nhà nước như QH, HĐND, bằng quyền lực của mình hỗ trợ báo chí, không những bảo vệ, khích lệ báo chí mà đi đến cùng sự việc để kết luận.

ĐBQH Dương Trung Quốc

 

Đương nhiên, có lúc, có thể báo chí sai, sai do nghiệp vụ hay vì tiêu cực cũng có thể có. Tuy nhiên, thông tin báo chí nêu những vụ việc, cơ quan chức năng giám sát phải bắt nhịp, phát hiện và đi đến cùng, kể cả giám sát cơ quan báo chí để xem có đi đến cùng không, có chuẩn mực không, tự nhiên hiệu quả sẽ được phát huy. Còn những hành vi ngăn cản báo chí, các cơ quan pháp luật phải vào cuộc.

Chức năng giám sát của báo chí có bị hạn chế hay không, phụ thuộc rất nhiều vào người Tổng biên tập. Đương nhiên, kỷ luật, quan điểm của tờ báo là cần thiết, nhưng đôi khi cái đó lại hạn chế, nó có thể bị giới hạn tại một chỗ nào đó, hoặc thậm chí có thể bị hút vào lợi ích nhóm nào đó chúng ta không thể biết được.

Vì thế, cần sự đồng thuận, hỗ trợ giám sát bên ngoài của tờ báo, tôi cho là sẽ tốt hơn rất nhiều. Điều đó, có thể bảo vệ quyền lợi của từng nhà báo một chứ không phải chỉ là 1 tờ báo. Người làm báo yên tâm có người hỗ trợ cho mình trên cơ sở pháp luật thì rõ ràng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách: “Phải “chặn” tình trạng ngăn cản, né tránh báo chí”

Luật Báo chí được ban hành đến nay là 29 năm, sửa đổi bổ sung 2 lần vào năm 1999 và năm 2016, làm cho việc quản lý báo chí theo đúng luồng, có trật tự hơn, mặt khác tạo ra hành lang pháp lý cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp thuận lợi hơn.

Về cơ bản, hoạt động báo chí đã phát huy được mặt tích cực, góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận động nhân dân thực hiện chủ chương, chính sách pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp, những tình huống ta không thể không giám sát.

Thực tiễn cho thấy, nhìn chung các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cá nhân có thẩm quyền đều tạo thuận lợi cho hoạt động báo chí, thế nhưng vẫn còn có những hiện tượng ngăn cản, né tránh thậm chí có những trường hợp hành hung báo chí.

ĐBQH Lê Thanh Vân

 

Ngay cả cơ quan báo chí cũng có những trường hợp lợi dụng diễn đàn công khai của công luận để đưa tin, viết bài để thiên vị cho lợi ích nhóm. Hay có hiện tượng phóng viên hoặc giả phóng viên để đe dọa, khủng bố doanh nghiệp, cá nhân nhằm trục lợi mà thời gian qua đã khởi tố một số vụ án liên quan đến vi phạm này.

Vì vậy, tôi cho rằng, nếu không giám sát tối cao ở QH thì có thể giám sát ở Thường vụ QH hoặc giao Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH tiến hành giám sát. Qua giám sát sẽ biết được, quy định pháp luật của mình đặt ra có còn phù hợp với thực tiễn không, có mở đường cho các quan hệ báo chí phát triển không, có ngăn cản hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí hay không… để trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Cũng thông qua hoạt động giám sát sẽ chấn chỉnh lại công tác hoạt động của báo chí, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để ngăn chặn tình trạng hành hung, ngăn cản báo chí tác nghiệp, cũng như các hiện tượng lạm dụng báo chí nếu có.

Chúng ta cũng giám sát kiểm tra xem đạo đức nghề nghiệp của nhà báo để loại bỏ khỏi đội ngũ nhà báo những cá nhân vi phạm pháp luật, không còn phẩm chất, lợi dụng danh nghĩa để đe nẹt, dọa dẫm khủng bố, trục lợi…

Một vấn đề nữa, cần có hoạt động giám sát để tìm ra mặt được, chưa được, những nguyên nhân, hạn chế để có giải pháp phù hợp; giúp Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và cả đội ngũ phóng viên ngày càng chuyên nghiệp hơn, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm pháp luật có thể xảy ra nhằm bảo đảm cho nền báo chí thực sự minh bạch, vì mục đích tối thượng là bảo vệ Nhà nước, bảo vệ lợi ích nhân dân.

Hương Giang