Báu vật trời cho

Vịnh Hạ Long gồm vùng biển TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và một phần huyện đảo Vân Đồn với diện tích 1.553 km2 gồm 1.969 đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa đặt tên.
Vùng di sản được thế giới công nhận rộng 434 km2 gồm 775 đảo. Đó là một tam giác có 3 đỉnh: Đảo Đầu Gỗ (phía Tây), đảo Cống Tây (phía Đông) và hồ Ba Hầm (phía Nam). Vùng di sản có nhiều đảo đá, hang động độc đáo và tuyệt đẹp có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là nơi cư trú của người Việt cổ, có hệ sinh thái điển hình với hàng nghìn động, thực vật. Nhiều hang động gắn liền với các truyền thuyết thần kỳ như: Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt, Trinh Nữ...

500 năm trước, lần đầu khi ra đất Vân Đồn, thi hào Nguyễn Trãi đã phóng tác bài: “Lộ nhập Vân Đồn” với áng thơ nổi tiếng: “Kỳ quan đất dựng giữa trời cao”.

Mới đây, Hạ Long lọt vào top 6 điểm đáng khám phá trên toàn thế giới (theo bầu chọn của trang website du lịch youramazing places) và 1 trong 12 địa danh có đường bờ biển tuyệt vời nhất thế giới (theo bầu chọn của website du lịch whenonearth).

Vịnh Hạ Long xứng đáng là báu vật của Việt Nam.

Đã có tì vết

Có nhiều khách du lịch quốc tế ví von: Vịnh Hạ Long như một nàng tiên cá ngủ quên trên biển, Việt Nam cần phải đánh thức để thấy được vẻ đẹp hoàn hảo hơn.

Quả không sai. Từ khi được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Hạ Long đã trở thành khu vực phát triển năng động nhờ tiềm năng và lợi thế biển đảo. Trước năm 1994, Hạ Long có khoảng 50 tàu du lịch chở khách tham quan Vịnh, hiện nay đã có trên 500 tàu với quy mô tàu lớn hơn, đẹp hơn, an toàn hơn, chở được nhiều khách hơn và đi ra biển xa hơn.

Điều đáng nói, nguồn lợi từ hải sản biển là rất lớn, cho nên trong vòng 20 năm qua, đã có hàng nghìn bè cá, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản để phục vụ hệ thống nhà hàng, khách sạn trong bờ và ngoài khơi. Sự phát triển thiếu quy hoạch do nuôi trồng thủy sản tự phát đã gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường vịnh do xử lý chất thải .

Tuy nhiên, hoạt động khai thác than ở Quảng Ninh phát triển với tốc độ chóng mặt, nhịp độ các tàu bè ra vào cảng ăn than cùng với hệ thống nước thải từ các khu mỏ than, cảng than thải chảy ra biển đã vấy bẩn một phần nguồn nước vốn trong xanh của Vịnh.

Tiếp đến, sự ô nhiễm dầu thải, nước thải của cảng Cái Lân làm loang lổ những vùng rộng lớn trên mặt biển.

Núi Bài thơ là một danh thắng gắn liền với vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long nhưng việc xây dựng trái phép của người dân làm hỏng “chất thơ” của núi.

Ngay cả trong dịch vụ đón đưa khách ra thăm Vịnh đã xảy ra nhiều trường hợp chìm tàu chết nhiều người.

Trên đây là những sai lầm, yếu kém đã tạo nên những vết xước trên viên ngọc quý.

Làm thế nào để bảo vệ bền vững Vịnh Hạ Long? Đó là câu hỏi lớn đối với tỉnh Quảng Ninh. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Ban hành cụ thể hơn các quy chế, quy định về tham quan vùng Vịnh, giảm thiểu hoạt động khai thác than và vận chuyển than, hướng tiêu thụ một nguồn lớn than nội địa bằng việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện, tăng cường đầu tư để có thêm nhiều khách tham quan Vịnh bằng trực thăng. Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng, bảo tồn giá trị sinh học là yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển di sản.
 
Nhiệm vụ hàng đầu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long là, tập trung làm tốt công tác bảo tồn; khai thác tiềm năng lợi thế du lịch luôn đảm bảo được tốt nhất giá trị nguyên bản của Vịnh. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước Việt Nam và Công ước Quốc tế về bảo tồn di sản. Các công trình xây dựng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khai thác đầu tư không phá vỡ cảnh quan.

Cùng đó nên trao thêm quyền, trách nhiệm cho Ban Quản lý Vịnh trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý các sai phạm nhằm đưa hoạt động du lịch sớm vào một quy chuẩn.

Thế Lữ