Đây không chỉ là dịp để bày tỏ mong ước một năm mới bình an, may mắn mà còn là cơ hội để thả mình vào không gian an yên và thanh tịnh nhằm khơi dậy những hứng khởi mới, tạo tiền đề cho những thành công mới.

Đến với các di tích văn hóa tâm linh, du khách sẽ được trải nghiệm, thấu hiểu các giá trị cốt lõi về văn hóa nhận thức, văn hóa ứng xử và văn hóa tổ chức của cộng đồng địa phương. Hơn nữa, các công trình này thường được xây dựng tại những nơi có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, làm tăng những trải nghiệm thú vị khi tiếp cận với các không gian văn hóa tâm linh.

Trấn Quốc - Điểm dừng chân gợi nhắc nhiều giá trị về tâm linh, lịch sử lẫn kiến trúc

Ở giữa lòng Hà Nội cổ, có một ngôi chùa đẹp bậc nhất thế giới vẫn bình yên, vẹn nguyên dáng hình thuở xưa, để ai lạc bước đều khắc khoải những xuyến xao. Đó chính là ngôi chùa Trấn Quốc, điểm dừng chân gợi nhắc nhiều giá trị về tâm linh, lịch sử lẫn kiến trúc. Đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Thủ đô Hà Nội.

Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội khi có lịch sử lên đến 1.500 năm. Ngôi chùa tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ nằm về phía Đông Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và cả sự nên thơ, nhã nhặn của vườn cây xanh tươi cùng hồ nước mênh mang đầy thơ tình. Chính vì thế, không quá khó hiểu khi Trấn Quốc lại được trang Thrillist uy tín bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, điểm dừng chân không chỉ dành riêng các tín đồ Phật giáo mà cả khách du lịch thập phương.

Vào thời Lý - Trần, chùa Trấn Quốc đã từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Đến bây giờ, nơi đây vẫn là điểm đến của rất đông du khách, nhất là người Hà Nội, bởi không gian trầm mặc an nhiên làm người ta như buông bỏ hết mọi sân si khi đi qua cánh cửa đưa chân đến thiền môn.

Về Đền Mẫu Âu Cơ - Tưởng nhớ về tổ tiên nguồn cội

“Uống nước nhớ nguồn/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống bao đời nay của dân tộc Việt Nam ta. Vậy nên những ngày đầu Xuân là dịp để những người con khắp nơi tề tựu trở về thăm quê hương, tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội. Và đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc ở vùng đất địa linh nhân kiệt Phú Thọ chính là một trong những nơi được nhiều người đến thăm trong tour du lịch du Xuân miền Bắc của mình.

 
Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ là một công trình di tích lịch sử văn hóa quốc gia, biểu tượng của tinh thần đoàn kết con Lạc cháu Hồng của dân tộc. “Mồng bảy trong tiết tháng Giêng/Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời”, dù vậy không đợi đến ngày mùng 7 khai hội, bắt đầu từ mùng 1 Tết Nguyên đán đã có rất đông du khách hành hương về đền Mẫu viếng mẹ Âu Cơ.

Du xuân miền Bắc đến đền Mẫu Âu Cơ còn là dịp để bạn cùng nhau ôn lại câu truyện huyền thoại nòi giống rồng tiên Lạc Long Quân - Âu Cơ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Vậy nên, khi những cơn mưa Xuân vẫn đang còn, khi lá cây đang đâm trồi nảy lộc, hãy thực hiện chuyến du lịch cùng bạn bè và gia đình về với đất Tổ và đến viếng mẹ Âu Cơ.

Chùa Hương - Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam

Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm là lễ khai hội Chùa Hương và lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội.

 

Không giống bất kỳ nơi nào, chùa Hương là một tập hợp nhiều đền, chùa, hang động gắn liền với núi rừng và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó. Nó trở lên lung linh sinh động và nhiều màu sắc, chính điều đó đã tạo lên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo Phật. Giờ đây chùa Hương không chỉ còn là giá trị một vùng miền, mà là di tích quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.

Yên Tử - Một cõi phù vân, tâm linh huyền bí

Là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam, Yên Tử đã có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những điểm hành hương lớn nhất của Việt Nam, thường được khai hội từ ngày 10 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Yên Tử là địa danh nổi tiếng tại Việt Nam qua câu ca dao quen thuộc “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”.

 

Xuân đến, lòng người lại phơi phới cùng nhau đi trẩy hội, một lòng hành hương về Yên Tử - vùng đất phù vân, tâm linh huyền bí. Khách du Xuân sẽ có dịp chiêm ngưỡng thiên nhiên đất trời giao hòa, tận hưởng bầu không khí trong lành, quên hết những âu lo phiền muộn của cuộc sống đời thường, thả lòng mình phiêu bồng nơi cửa Phật.

Chùa Yên Tử ở Quảng Ninh được xem là “kinh đô” của Phật giáo ở nước ta. Đây chính là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và phát triển phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Vào dịp Tết Nguyên đán, dòng người hành hương lên Yên Tử đông nườm nượp.

Đền Thác Bờ - Điểm du dịch tâm linh hùng vĩ

Kết hợp giữa sự huyền bí của con sông Đà cùng núi non hùng vĩ, Đền Thác Bờ Thung Nai, Hòa Bình cũng là 1 địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người tìm đến.

Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng vẫn rất uy nghi và nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây có địa thế phong thủy hài hòa và hùng vĩ, sau lưng là núi, trước mặt là sông nước hữu tình, thuyền bè qua lại.

 

Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng Giêng hàng năm và kéo dài tới hết tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ, khiến tàu thuyền đậu kín các bến cảng.

Đến Thung Nai, du khách vừa được hòa mình giữa vùng nước mênh mông vừa được được khám phá những nét văn hóa đặc trưng của người Mường, cảm nhận thiên nhiên trong lành, tươi đẹp, hòa mình cùng cuộc sống đơn sơ nhưng yên ả, thanh bình nơi đây. Cách Hà Nội 110km và 15 phút đi thuyền, đền Thác Bờ là điểm du lịch tâm linh lý tưởng và hấp dẫn với du khách trong dịp lễ tháng chạp và đầu năm.

Xuất hành đầu Xuân về chơi chợ “mua may bán rủi”

Chợ Viềng thuộc thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh, trước đây chợ còn có tên là chợ chơi du Xuân. Bao quanh là cả một quần thể di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - Thần chủ Ðạo Mẫu Việt Nam, nên cùng với việc đi chơi chợ là hoạt động lễ Mẫu để Người ban cho sức khoẻ và tài lộc. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp có đúng một phiên, một phiên chợ kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 Tết.

 

Qua bao thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật của mọi vùng miền và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu Xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”.

Ðến chợ Viềng vào Xuân, mục đích chính là để cầu mong phát tài phát lộc. Ðó chính là lợi ích tinh thần, chỉ cần tham dự chợ là đã được xem là có may mắn trong cả năm. Phải chăng cũng chính vì mang ý nghĩa tâm linh ấy nên hầu như mọi hoạt động trong chợ đều diễn ra theo kiểu “nói sao, mua vậy”.

Ngôi chùa lớn nhất thế giới - Tam Chúc

Trong thời gian gần đây, Hà Nam càng trở nên hấp dẫn nhờ vào khu du lịch chùa Tam Chúc – ngôi chùa lớn nhất thế giới. Chùa Tam Chúc nằm trong khu du lịch Tam Chúc và có vị trí rất đặc biệt, phía sau chùa là núi Thất Tinh, phía trước là hồ Lục Nhạc. Trong hồ có 6 hòn đảo nhỏ theo tương truyền chính là 6 chiếc chuông mà ông trời đã ban cho nơi đây.

 

Có thể xem chùa Tam Chúc như là một cầu nối giữa chùa Hương với chùa Bái Đính, Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Quần thể chùa Tam Chúc toạ lạc trên diện tích 5.100ha, với nhiều báu vật nổi tiếng như 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa, 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn… được ví như tiên cảnh trần gian và vịnh Hạ Long trên cạn.  

Hải Phong