+ Là chủ nhiệm đề tài khoa học của Hà Nội về “các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại khu vực Hồ Gươm”, theo chị cần giải pháp đột phá nào?

- Theo tôi, cần 2 chiến lược lớn.

Chiến lược thứ nhất phải chuyển đổi và tăng cường chức năng du lịch văn hóa - lịch sử cho khu vực, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn nhằm tái hiện không gian tâm linh huyền thoại đặc sắc của Hồ Gươm. Tạo hình ảnh mới, mang tính đột phá cho Hồ Gươm: Vừa cổ xưa huyền thoại vừa giao lưu gắn kết văn hóa dân tộc và hiện đại.

Chiến lược thứ hai, phải giải tỏa áp lực giao thông xung quanh bờ hồ và phụ cận để tạo được không gian lắng đọng, suy ngẫm. Cần thiết lập mạng đường đi bộ, tổ chức giao thông lễ hội và mua sắm thương mại, phát triển giao thông công cộng, khu vực đỗ xe ngầm, tàu điện ngầm, cùng với đó, cải tạo các yếu tố hạ tầng phụ trợ khác như: Tượng trang trí, ánh sáng, vỉa hè, biển báo, ghế ngồi, nhà vệ sinh…

+ Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của Hồ Gươm, theo chị, cần có cách làm mới nào về du lịch Hồ Gươm?

- Theo tôi, cần xây dựng tour du lịch “tâm linh huyền thoại” là sự kết nối 4 tour du lịch chủ đề: “Con đường vua Lý”, “con đường vua Lê”, “con đường Đông Kinh Nghĩa Thục” và “con đường Rồng bay”.

Tour “con đường vua Lý” bắt đầu từ công viên - tượng đài Lý Thái Tổ qua tháp Hòa Phong, kết thúc ở đồng hồ hoa Thụy Sĩ. Các hoạt động du lịch cần xây dựng kịch bản theo chủ đề tôn vinh và nhớ ơn vị vua đã khai sinh ra đất Thăng Long - Hà Nội. Bao gồm: Các hoạt động lễ hội; sinh hoạt cộng đồng; văn hóa - nghệ thuật.

Đối với tour “con đường vua Lê”, bắt đầu từ đồng hồ hoa Thụy Sĩ, qua tuyến phố Hàng Khay, đến Hapro Bốn mùa với điểm chốt là đền thờ vua Lê Thái Tổ. Các hoạt động trên tour cần xây dựng kịch bản theo chủ đề tái hiện truyền thuyết trả gươm của vua Lê và giúp người dân cũng như du khách hiểu sâu các khía cạnh giá trị của truyền thuyết. Yêu cầu kiến tạo các không gian trên tuyến đường Hàng Khay, Lê Thái Tổ để tái hiện lịch sử rõ nét hơn.

Hành trình “con đường Đông Kinh Nghĩa Thục” nối tiếp từ đền thờ vua Lê đến nhà hàng Thủy tạ, điểm chốt là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Các hoạt động du lịch trên tuyến nhằm tôn vinh giá trị lịch sử của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với vai trò của các nhân sĩ yêu nước trong việc khai sáng con đường đi của dân tộc.

Cuối cùng, “con đường Rồng bay” nối tiếp Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với cụm di tích Tháp bút - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu với điểm chốt cuối cùng là vườn hoa Lý Thái Tổ. Hành trình này nhằm tái hiện hình ảnh Thăng Long - “Rồng bay” trong nhãn quan của vua Lý Thái Tổ - người có công khai sinh ra Hà Nội qua “Chiếu dời đô”. Các hoạt động du lịch trên tuyến này cần giúp cho du khách cảm nhận được khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam, văn hóa coi trọng chữ nghĩa, truyền thống lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn.

Rất nhiều cảnh quan, xung quanh khu vực Hồ Gươm có tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh: HO

+ Để 4 tour du lịch này được triển khai một cách đồng bộ hơn, điều kiện cần là gì?

- Cần các chương trình, giải pháp để hiện thực hóa không gian tâm linh, huyền thoại” để tạo dựng được một “không gian tâm linh huyền thoại” thực sự, giúp cho du khách có thể trải nghiệm được các giá trị của quá khứ một cách hoàn hảo nhất cần phải tiến hành đồng bộ các chương trình và kế hoạch dài hạn bao gồm các chương trình: Bảo tồn các yếu tố cấu thành nên giá trị cốt lõi của Hồ Gươm; cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan quanh hồ; giao thông và hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ... Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ như: Thiết kế ánh sáng ban đêm, tượng trang trí, thiết kế đèn đường, thiết kế cây xanh vườn hoa, gạch lát đường, ghế ngồi, biển báo, thùng rác... cũng cần được đề xuất để tạo ra một không gian “tâm linh, huyền thoại” thực sự cho du khách trải nghiệm các giá trị đáng tự hào của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cần nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch không gian Hồ Gươm với việc hoạch định các vùng không gian được coi là quí báu, mang ý nghĩa văn hóa tinh thần sâu sắc để đề xuất các chính sách đô thị hợp lý.

Cần phải nhấn mạnh, đó là các vùng lõi giá trị, không thể để biến dạng trong quá trình phát triển Thủ đô. Trong các vùng không gian đó, cần phải xác định những khu vực phải gìn giữ và tôn vinh giá trị của quá khứ với các họat động dịch vụ, thương mại được coi là phù hợp, hài hòa với không gian truyền thống.

+ Xin cảm ơn chị!

Hữu Oanh