Trải qua 68 năm, ngành Thanh tra Việt Nam đã không ngừng phát triển về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Năm 2010, ngành Thanh tra đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Ðảng, Nhà nước.

Truyền thống vẻ vang 


Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), các tổ chức Thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện các chính sách, giảm tô, giảm tức, huy động sức dân phục vụ kháng chiến, thanh tra công tác quản lý tài chính, quản lý ngân sách ở các cơ quan, đơn vị quân đội, đã phát hiện ngăn ngừa các lệch lạc trong quản lý, xử lý nhiều vụ tham ô, lãng phí, củng cố mối quan hệ quân dân, góp phần động viên nhân dân ra sức sản xuất, huy động sức người, sức của phục vụ cho tiền tuyến. 

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975) công tác thanh tra đã bám sát các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và huy động sức người, sức của chi viện cho miền Nam để đẩy mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc (tháng 4/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự và chỉ đạo công tác thanh tra, trong đó Bác đã nhấn mạnh: Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới. Bác đã yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải quan tâm giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, của Bác, ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức thanh tra nhanh chóng được thành lập gắn liền với quản lý của các cấp chính quyền. Nhiệm vụ của ngành Thanh tra lúc bấy giờ là tập trung chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần thắng lợi trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước của thời kỳ mới. 

Trong giai đoạn đổi mới (từ năm 1986 trở đi), cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: Pháp lệnh thanh tra, Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh chống tham nhũng (sau đó các pháp lệnh này được nâng lên thành luật) đã tạo điều kiện để đưa tổ chức và hoạt động thanh tra trở thành nền nếp. Ngành Thanh tra đã bám sát quá trình chuyển đổi, đổi mới về kinh tế và từng bước đổi mới về chính trị để đổi mới về tổ chức, hoạt động thanh tra. Giai đoạn này, toàn ngành đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra lớn và thanh tra chuyên đề, đồng thời, tăng cường thanh tra trách nhiệm quản lý hành chính, công vụ của các cấp chính quyền. Hoạt động thanh tra có tác dụng, hiệu quả tích cực góp phần thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời các yêu cầu bức xúc của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện để đất nước phát triển nhanh, vững chắc. 


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình tặng hoa chúc mừng Thanh tra Bộ Y tế tại Lễ kỷ niệm

Từ năm 2006 đến 2010, thực hiện Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ X của Ðảng, cả nước đẩy mạnh công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, ngành Thanh tra đã có sự phát triển quan trọng về tổ chức và hoạt động. Bộ máy thanh tra các cấp đã được tổ chức lại theo hướng quản lý tập trung vào địa bàn, lĩnh vực, hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực phát triển khá nhanh, hình thành một mạng lưới thanh tra tương đối toàn diện, đồng bộ. Mỗi năm, ngành Thanh tra đã tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý đất đai, khoáng sản, dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp - đô thị, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, thực hiện các chính sách xã hội, giáo dục, y tế, trật tự xã hội... Kết quả  hoạt động thanh tra đã phát hiện kịp thời nhiều nhân tố tích cực, phát hiện và xử lý hàng trăm tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, giải quyết được hàng trăm nghìn vụ việc bức xúc của công dân, giải oan và minh oan cho nhiều người. Hoạt động thanh tra đã được Ðảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, vị thế của ngành Thanh tra ngày càng được khẳng định. 

Vai trò mới trong tình hình mới 

Ðiểm nổi bật của công tác thanh tra từ năm 2011 - 2013 là ngành Thanh tra quan tâm đến đổi mới công tác thanh tra, đã chuyển từ thanh tra vụ việc sang thanh tra có chương trình mục tiêu; từ tập trung vào thanh tra kinh tế - xã hội sang thanh tra trách nhiệm hành chính công vụ; từ thanh tra theo cấp hành chính sang thanh tra chuyên đề, chuyên ngành, phối hợp thống nhất giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành; gắn công tác thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo, với công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài rà soát Kế hoạch số 1130/KH - TTCP với kết quả đã khôi phục quyền lợi và hỗ trợ cho công dân hơn 1.389 tỷ đồng, hơn 34 ha đất sản xuất. Trên cơ sở này, ngày 19/9/2013, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP để tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Trong đó, đối với 528 vụ việc đã kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch số 1130/KH - TTCP, Tổng Thanh tra yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nếu thấy quá trình giải quyết trước đó có sai sót, thì mạnh dạn sửa sai và ban hành quyết định giải quyết lại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức thực hiện quyết định ngay, không để kéo dài.

Bên cạnh đổi mới công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế cho hoạt động thanh tra, với nhiều Luật, Nghị định, Quy chế, Quy trình nghiệp vụ được xây dựng, ban hành, đã tạo điều kiện để công tác thanh tra chuyển dần theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp. Ði liền với xây dựng thể chế, công tác tổ chức, cán bộ cũng được quan tâm đúng mức, nhất là việc xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy thanh tra, chú trọng quy hoạch, đào tạo cán bộ, chuẩn hóa cán bộ, đã tạo những chuyển biến lớn về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ toàn ngành. Nhờ đó mà hiệu quả hoạt động thanh tra tăng lên, tác dụng thanh tra ngày càng rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về các mặt. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan Thanh tra đã tăng cường tham mưu cho thủ trưởng đơn vị kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, cấp thực hiện các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng trên các mặt: Kê khai tài sản, thu nhập của CBCC; cải cách hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính; đôn đốc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Quá trình 68 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành của ngành Thanh tra dù với tên gọi nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của ngành là: Trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm, hết sức, hết lòng vì nhiệm vụ. Tuy đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý điều hành của Nhà nước và quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, ngành Thanh tra sẽ vượt qua mọi khó khăn để tiến lên phía trước, sẽ giữ vững và không ngừng nêu cao truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra. Với niềm tin thắng lợi, tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, của Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân, ngành Thanh tra quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, biến quyết tâm thành hành động, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới, xứng đáng với lời dạy của Bác: Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới, là công cụ thiết yếu của quản lý nhà nước, là phương tiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; hoạt động thanh tra góp phần thiết lập, giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và trong xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 68 năm Ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam, sáng 19/11/2013, tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, thay mặt lãnh đạo ngành, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã tham dự Lễ kỷ niệm do Thanh tra Bộ Y tế tổ chức. Ghi nhận những kết quả công tác của Thanh tra Bộ Y tế đã đạt được trong thời gian qua, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cùng nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Bác sỹ, Anh hùng Lao động Đoàn Thúy Ba và nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm đã chia sẻ một số nội dung công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân gắn với công tác của Thanh tra Y tế trên địa bàn 19 tỉnh, thành phía Nam. 

Theo kế hoạch, ngày 22/11/2013, ngành Thanh tra Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 68 năm Ngày thành lập, cũng như trao tặng nhiều Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng 577 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thanh tra cho cán bộ, công chức. Trong đó, tại phía Nam, Lễ gặp mặt kỷ niệm 68 năm ngày thành lập được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Cục III, Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Đại diện Văn phòng Thanh tra Chính phủ, Đại diện Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra. Sau khi ôn lại truyền thống 68 năm của ngành Thanh tra Việt Nam, đọc Thư chúc mừng của Tổng Thanh tra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã trao Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước tặng cho đồng chí Đặng Kim Thanh, Phó Tổng Biên tập, kiêm Trưởng Cơ quan đại diện Báo Thanh tra tại phía Nam và đồng chí Hồ Tĩnh Tâm, cán sự Cơ quan đại diện Báo Thanh tra tại phía Nam; trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Nghiêm Sỹ Minh, Phó Cục trưởng Cục III, Vũ Huy Tác, Phó Cục trưởng Cục III.

Ngọc Giang