Sáng ngày 15/7, tại Phiên họp thứ 35, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. 

Thu hẹp diện bị tạm hoãn xuất cảnh, tránh lạm dụng

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho hay, có nhiều ý kiến khác nhau về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. 

Đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng, là nội dung quan trọng của Dự thảo Luật. 

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Uỷ ban này đã tiến hành rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật cho rõ ràng hơn, thống nhất trong hệ thống pháp luật, có viện dẫn mà không sao chép; quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân… 

“Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, ông Việt nói.

“Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án” cũng được đề nghị bổ sung vào trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Đối với khoản 6, Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị kết hợp giữa 2 phương án mà Chính phủ trình và bổ sung quy định cụ thể hơn như sau: “Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh”.

Đồng thời, đề nghị lược bỏ quy định “người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” vì quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết. 

Người bị tạm hoãn xuất cảnh cần ra nước ngoài chữa bệnh giải quyết thế nào?

Cũng theo ông Việt, không nên tạm hoãn xuất cảnh với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) mà chưa đóng BHXH, công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt.

“BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho chính họ, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt cần phát huy ý thức tự giác chấp hành, không nên ép buộc và tước quyền công dân khi không chấp hành”, ông Việt cho biết quan điểm của Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh.

Còn trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, nghĩa vụ quân sự đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại khoản 1 của Điều này. 

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an

Riêng trường hợp có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật nghiệp vụ, theo Uỷ ban Quốc phòng An ninh nên giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, diện đối tượng tạm hoãn xuất nhập cảnh “hơi quá rộng, chưa cụ thể” nên rất khó cho các cơ quan thực hiện. 

“Có trường hợp nằm trong diện tạm hoãn xuất cảnh nhưng mắc bệnh hiểm nghèo, cần khẩn trương ra nước ngoài chữa bệnh như ung thư, cấp cứu... thì giải quyết thế nào?”, Thượng tướng băn khoăn và nhấn mạnh, đây là vấn đề khó, động chạm đến quyền con người, quyền công dân nên cần phải rà soát kỹ.

Thứ trưởng Bộ Công an nói thêm, phạm vi bị tạm hoãn nhập cảnh, xuất cần phải quy định hết sức chặt chẽ. “Trừ trường hợp có quyết định của cơ quan tố tụng còn lại nhiều nội dung khác từ thuế, hành chính, dân sự rất phức tạp”, ông Lê Quý Vương nêu quan điểm. 

Điều 36. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh (Dự thảo Luật)

1. Bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Người chấp hành án hình sự, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

3. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án, trọng tài thương mại đang có hiệu lực pháp luật, trừ các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật thi hành án dân sự.

4. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác hoặc để bảo đảm thi hành án.

5. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

6. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

7. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh.

8. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Hương Giang