Thảo luận sáng nay 27/10 tại nghị trường QH, theo nhận định của nhiều ĐB, báo cáo của Chính phủ đã phân tích khá toàn diện bối cảnh kinh tế-xã hội năm 2019.

Bịt lỗ hổng, tránh thất thoát tài sản Nhà nước

ĐB lưu lý, trong bức tranh nền kinh tế Việt Nam vẫn có một số “vết nhám”.  

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện đề cập đến, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, chưa đảm bảo công bằng, nhiều rào cản, thủ tục. Năm 2018, mới thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch.

Ông Lưu Bình Nhưỡng còn chia sẻ lo lắng về phương thức giải quyết, xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương.

Theo ĐB, những dự án nào không vực dậy được thì phải kiên quyết cho phá sản, dự án nào còn có khả năng thì cần phải tập trung vực dậy.

Đặc biệt, ông cũng lo ngại, trong vấn đề cổ phần hóa có thể có sự “cài cắm nhân cốt vào doanh nghiệp để thôn tính, mà theo ông, điều này “có thể tạo ra những Vũ Nhôm” khác.

ĐB Nhưỡng đề nghị, cần sớm bịt các lỗ hổng trong cổ phần hóa, tránh thất thoát tài sản Nhà nước, tăng cường thanh ta kiểm toán.

"Nếu không tăng cường kiểm toán, thanh tra sẽ thất thoát rất nhiều và cần tăng cường tư pháp, bởi đây như bà đỡ của nền kinh tế - xã hội", ông Nhưỡng nói và nhấn mạnh, “nếu không vào cuộc thì đất nước này sẽ thất thoát nhiều tài sản”.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 12 dự án kém hiệu quả ngành Công thương đã được báo cáo QH. 12 dự án này đang được triển khai tích cực, toàn diện đồng bộ, theo lộ trình năm 2018 - 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện những tồn tại để kết thúc vào năm 2020.

Theo Bộ trưởng, có 3 quy tắc lớn phải đảm bảo: Các dự án này phải giải quyết trong khuôn khổ luật pháp, đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường, không có chuyện bơm thêm vốn, đảm bảo tính tự chủ và phù hợp hội nhập quốc tế.

Tư lệnh ngành Công thương cũng cho hay, đã có sự phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, đến nay tiến độ đã đảm bảo, đạt được kết quả tương đối.

Vấn đề tái cơ cấu, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ. Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế.

Việt Nam có thể thành “vịnh tránh bão” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, tiếp tục leo thang, theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, xâu chuỗi các sự kiện kinh tế - chính trị, ngoại giao - quân sự liên quan đến Mỹ - Trung cho thấy, cuộc chiến này “đã bộc lộ bản chất là 1 cuộc đối đầu chiến lược, không phải thuần túy thương mại”.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Việt Nam với vị thế đặc biệt. Cả Mỹ và Trung Quốc hiện là 2 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam, rồi vấn đề Biển Đông đầy phức tạp và nhạy cảm… nên sẽ chịu tác động rất lớn bởi cuộc chiến này, “dễ thấy ngay là chịu rủi ro cao về thương mại, về tiền tệ và về dòng vốn”.

Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng, Việt Nam cũng có thể có cơ hội nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế.

“Tức có thể trở thành “vịnh tránh bão” trong cuộc chiến này, thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực”, ĐB Hà Sỹ Đồng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, “đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm, đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam phải hóa giải được tình thế lưỡng nan, cũng như chớp được cơ hội, đồng thời tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro, mối nguy tiềm ẩn”.

Khai thác tốt cơ hội, hạn chế nguy cơ

Bày tỏ đồng tình, theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung "không đơn thuần là tranh chấp thương mại”, và sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Vì thế, chiến lược sắp tới đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là khai thác tốt cơ hội và hạn chế nguy cơ. Bộ trưởng Công Thương hứa, sẽ có báo cáo đầy đủ gửi tới QH vấn đề này.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) lưu ý, nền kinh tế của Việt Nam hiện có độ mở cao và rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài.

“Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiếp tục leo thang, liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%/năm cho 2 năm tới? Và liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam? Trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là các động lực chính của tăng trưởng", ông Lộc đặt vấn đề.

Ông Lộc cho rằng, việc xác định các mục tiêu khác như thu/chi ngân sách, nợ công... rất cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.

Hương Giang