Dự Luật về Hội chuẩn bị thông qua lại xin rút

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2017 đối với 11 dự án luật.

Thay đổi phạm vi sửa đổi từ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động thành Bộ luật Lao động (sửa đổi) do số lượng điều luật và nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung là rất lớn và lùi thời hạn trình từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 tới đây sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Dự án Luật là Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cũng xin lùi thời gian trình từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4.

Chính phủ còn đề nghị bổ sung vào chương trình năm nay 6 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó, có Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Riêng Dự án Luật về Hội, thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và ý kiến của các hội, các nhà khoa học, cơ quan tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, theo Chính phủ, đây là dự án phức tạp, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, chưa đề xuất đưa Dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018.

Vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ cần có sự giải thích, làm rõ lý do.

Đưa hay rút dự án luật phải có căn cứ

"Chúng ta làm luật phải rất thận trọng, cân nhắc nhiều yếu tố, việc đưa vào hay rút dự án luật, pháp lệnh ra khỏi Chương trình đều phải có những căn cứ xác đáng, bởi đây là những quy định của Hiến pháp", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp, các ý kiến cũng đồng ý, nếu việc chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng thì cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị. Tuy nhiên, phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan trình dự án, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan có liên quan.

Đối với Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, nhưng được đưa ra khỏi Chương trình theo đề xuất của Chính phủ đề chờ chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng dự án.

Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, Dự án Luật này đã được chỉnh lý hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Ủy ban Tư pháp cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ. Do đó, nhiều ý kiến nhất trí bổ sung Dự án Luật này vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.

“Thà ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà không làm được"

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, công tác xây dựng pháp luật vẫn tồn tại những khiếm khuyết chưa được khắc phục triệt để như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn "ôm đồm" khi đưa và quá nhiều dự thảo luật; không đảm bảo tính ổn định…

Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ngay từ khâu lập chương trình cho tới các bước tiếp theo như thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến...

“Xây dựng luật thà ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà không làm được", ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh và nêu rõ, không phân công quá 3 dự án cho một cơ quan soạn thảo hoặc một cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng của các dự thảo luật. Những dự án luật nào cần thiết nhưng chưa bảm đảm đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ cũng để lại không đưa vào Chương trình.

Thảo Nguyên