Cán bộ kiểm toán phải làm được 2 chữ "Đức Phớc"

Theo Chủ tịch nước, thời gian qua, KTNN đã chú trọng hơn vào hoàn thiện thể chế, góp phần tích cực vào đấu tranh chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. “Nghệ thì tinh, tâm thì sáng, công minh, chính trực. Cứ làm được 2 chữ "Đức Phớc" như tên của Tổng KTNN là được”, Chủ tịch nước giải thích thêm ý nghĩa của 2 từ Đức, Phớc, trong đó từ Phớc có nghĩa là thước đo, là chuẩn mực.

Dẫn chứng kết quả nổi bật của KTNN từ 2012 đến nay góp phần tăng thu, giảm chi, riêng năm 2016 xử lý tài chính trên 38.000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định “đây là những con số biết nói, thể hiện đóng góp của KTNN”.

Về nhiệm vụ thời gian tới, theo Chủ tịch nước, KTNN cần sớm đưa Luật KTNN 2015 đi vào cuộc sống, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính.

“Nếu quy trình làm rườm rà, gây phiên hà cho DN, vô hình chung sẽ gây khó khăn cho DN. Nên cố gắng tận dụng tiến bộ CNTT vào hoạt động kiểm toán để đạt kết quả cao hơn”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, KTNN chủ động kiến nghị cơ quan thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm. Vụ việc nào có dấu hiệu phạm tội chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý theo quy định pháp luật. 

“KTNN cần đi sâu kiểm toán những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, tham mưu cho các cơ quan thẩm quyền chống tham nhũng”, Chủ tịch nước lưu ý, việc sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đó có vốn ODA vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

KTNN phải tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng, phối hợp đề xuất cơ chế quản lý, thẩm định các dự án vay vốn nước ngoài; chủ động đánh giá “vay làm gì, ai đứng vay, sau này ai đứng trả, nguồn tiền đâu trả, bao giờ trả”. Từ đó có cảnh báo sớm cho các cơ quan Nhà nước, nhất là về nợ công, tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, phải sử dụng vốn hiệu quả, quản lý được, không để thất thoát, lãng phí vì vay thì phải có trả. Nếu vay rồi dùng không hiệu quả thì đời con cháu sẽ phải trả.

Chủ tịch nước còn yêu cầu KTNN đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán; xây dựng văn hoá ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên…

Quy định sơ hở 1 tí là làm mất tiền của Nhà nước

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thu ngân sách Trung ương khó khăn, báo cáo kết luận KTNN đóng góp quan trọng vào ngân sách khi đã tăng thu - giảm chi sai. Đồng thời đề nghị, khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động của KTNN, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành. 

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu thực tế kế hoạch kiểm toán của KTNN không nêu địa chỉ cụ thể đơn vị kiểm toán, nên sau khi có nội dung chi tiết các bộ lại phải điều chỉnh kế hoạch của mình. 

Về vấn đề này, theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, việc trùng lắp kế hoạch chủ yếu với thanh tra các bộ, ngành, còn giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN thì rất ít. 

Người đứng đầu KTNN cho rằng, nhiều thanh tra bộ, ngành đang làm việc quá sức của mình với khối lượng công việc quá lớn dẫn đến hiệu quả không cao. Cho nên, tới đây, KTNN sẽ tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các bộ, ngành để tránh tình trạng chồng chéo. 

Hơn nữa, nhiều nghị định, thông tư rất sơ hở để tiền lọt qua tay tư nhân dễ dàng. "Nhiều nghị định, thông tư nhìn thì thấy không liên quan gì nhưng sở hở 1 tí là làm mất tiền của Nhà nước rất nhiều. Ví dụ Nghị định về bảo hiểm nhân thọ, khi doanh nghiệp (DN) Nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa vẫn bỏ tiền ồ ạt mua bảo hiểm. Thực tế có tổng công ty bỏ ra 268 tỷ mua bảo hiểm”, ông Phớc dẫn chứng.

Kiến nghị giảm thu phí hoàn vốn BOT hơn 107 năm

Theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, năm 2016, KTNN đã kiểm toán 276 cuộc, kiến nghị xử lý tài chính hơn 38.000 tỷ đồng, tăng thu hơn 11.000 tỷ đồng, giảm chi hơn 16.000 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm qua và tăng 2 lần so với năm 2015.

Đáng chú ý, qua kiểm toán 27 dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu là 107,4 năm. Nhờ vậy, đã giảm khó khăn cho người đi lại và chi phí DN. Trong đó, dự án giảm thời gian thu phí nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày.

KTNN cũng đã kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng chấm dứt việc thu phí đối với dự án tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam giảm thời gian thu phí hơn 3 năm so với dự kiến ban đầu.

Ngoài ra, còn thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị DN cổ phần hóa, KTNN xác định giá trị vốn Nhà nước tại 7 DN đã làm tăng giá trị vốn Nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng.

KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.

Thảo Nguyên