Ông Zuma, Tổng thống bị lật đổ bởi Đảng Quốc hội châu Phi (ANC) cầm quyền vào tháng 2/2018, bị yêu cầu trả lời thẩm vấn xung quanh các cáo buộc cho rằng, ông cho phép những người thân thiết với mình cướp bóc nguồn tài nguyên Nhà nước, làm thất thoát ngân sách một cách có hệ thống và gây ảnh hưởng tới việc chỉ định các vị trí quan trọng trong Chính phủ trong suốt 9 năm cầm quyền.
 
Trước các cáo buộc, ông Zuma liên tục phủ nhận những hành vi sai trái và cho rằng, có động cơ chính trị ở đây. Luật sư của ông trong một lá thư gửi cơ quan điều tra vào tháng trước nói rằng, tồn tại thành kiến đối với ông Zuma trong quá trình điều tra các cáo buộc.
 
Theo kế hoạch, cuộc thẩm vấn của Ủy ban Điều tra Quốc gia dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 15/7 đến ngày 19/7 và sẽ được truyền hình trực tiếp tới hàng triệu khán giả trên kênh Truyền hình Nam Phi.
 
Về pháp lý, cựu Tổng thống Zuma không bị bắt buộc phải xuất hiện ở phiên thẩm vấn này và ông cũng đã bác bỏ mọi cáo buộc. Đề nghị được xem trước các câu hỏi của ông Zuma cũng bị Ủy ban Điều tra bác bỏ, do cơ quan này muốn được nghe ý kiến từ phía chính ông sau khi bị các nhân chứng đưa ra các bằng chứng chống lại.
 
Theo Angelo Agrizzi, một trong các nhân chứng, ông Zuma hằng tháng đều nhận khoản hối lộ trị giá 2.200 USD từ một trong các nhà thầu để khỏi bị điều tra, trong khi đáng lẽ ra số tiền này phải thuộc về một quỹ từ thiện của ông. Agrizzi khẳng định, công ty của ông ta cũng tổ chức các bữa tiệc miễn phí để đổi lấy lợi ích từ những người thân cận với cựu Tổng thống Zuma.
 
Hồi tháng 3/2018, Trưởng Công tố nhà nước Nam Phi Shaun Abrahams cho biết sau quá trình xem xét đã có đủ cơ sở pháp lý để truy tố ông Zuma với 16 tội danh gian lận, làm ăn phi pháp và rửa tiền liên quan đến thỏa thuận mua vũ khí với châu Âu trị giá 30 tỷ rand (tương đương 2,5 tỷ USD) nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này năm 2004, giai đoạn mà ông Zuma còn làm Phó Tổng thống.
 
Ông Zuma là trường hợp hiếm hoi về một nhà lãnh đạo châu Phi được đưa vào tầm điều tra ngay sau khi mất quyền lực.
 
Cựu Tổng thống Zuma, 77 tuổi, cũng đã phải ra tòa nhiều lần trong năm qua để trả lời các cáo buộc tham nhũng liên quan đến thỏa thuận mua bán thiết bị quân sự cho lực lượng vũ trang từ những năm 1990.
 
Trong những tuần cuối cùng tại vị, dưới áp lực của các đối thủ trong Đảng ANC, ông Zuma đã mở cuộc điều tra tham nhũng, bao gồm điều tra cả người kế nhiệm của ông là đương kim Tổng thống Cyril Ramaphosa - người lo ngại những bê bối liên quan ông Zuma có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của Đảng ANC.
 
Trước đó, năm 2016, ông Zuma đã từ chối việc thành lập cuộc điều tra sau khi có báo cáo năm 2016 của Cơ quan Giám sát chống tham nhũng. Theo đó, cơ quan này kiến nghị Tổng thống điều tra các cáo buộc việc 3 anh em nhà Gupta (gia đình giàu có bậc nhất Nam Phi, có quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Zuma) gây ảnh hưởng đến các quyết định bổ nhiệm một số vị trí bộ trưởng và đã giành được các hợp đồng với nhà nước không đúng cách.
 
Gia đình Gupta, bạn bè kinh doanh của ông Zuma, đã phủ nhận các cáo buộc và rời khỏi Nam Phi vào khoảng thời gian mà ông Zuma bị lật đổ.
 
Tổng thống Ramaphosa (trước đó là Phó Tổng thống dưới quyền ông Zuma), đã thực hiện các thay đổi nhân sự một cách sâu rộng trong bộ máy Chính phủ và các công ty nhà nước, nhằm thực thi các nỗ lực kiềm chế tham nhũng và vực dậy nền kinh tế của Nam Phi vốn đang bị trì trệ.
 
Tuy nhiên, ông Ramaphosa hiện vẫn bị cản trở bởi những ảnh hưởng còn sót lại mà cựu Tổng thống Zuma cùng các đồng minh đã tạo ra đối với các cơ quan ra quyết định của ANC.
 
Cuộc điều tra đối với cựu Tổng thống Zuma do Phó Tổng Chưởng lý Nam Phi Raymond Zondo phụ trách. Phiên điều trần đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 8 năm ngoái và dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào năm tới.

Hoài Phương