Quyền Chủ tịch Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính (EFCC) - cơ quan chống tham nhũng của Nigeria, ông Ibrahim Magu ngày 9/5 đã lên tiếng chỉ trích bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) dựa trên CPI mới nhất. 

Trả lời phỏng vấn báo chí tại trụ sở EFCC, ông Magu nói: “Có rất nhiều vấn đề chính trị trong các chỉ số này. Tôi không tin nó đúng”.

Trong khi tỏ ra nghi ngờ về kết quả bảng xếp hạng, người đứng đầu EFCC khẳng định không vì thế mà nản chí với cuộc chiến chống tham nhũng của mình. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chống tham nhũng, nó (bảng xếp hạng - PV) không quan trọng”, ông Magu nói, đồng thời cho rằng, Nigeria đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống lại tệ nạn này.

Ông Magu lập luận: “Bạn đang sống tại đất nước này, thành thật mà nói, bạn có cho rằng tình hình của Nigeria vẫn giống như 12 năm trước không? Nên tôi không tin vào chỉ số minh bạch này. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang làm mọi thứ có thể để cải thiện thứ hạng của mình vào năm tới".

CPI mới nhất được công bố bởi TI đầu năm nay cho thấy, tham nhũng ở Nigeria đã trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn năm 2016 - 2017.

Theo báo cáo của TI, Nigeria xếp thứ 148 trên tổng số 180 quốc gia, cho thấy sự giảm nhẹ trong nhận thức về tham nhũng ở khối quản trị công tại nước này so với năm 2016 - khi Nigeria xếp thứ 136.

Không chỉ lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng mà ngay cả Tổng thống Nigeria cũng tỏ ra không đồng ý với báo cáo của TI, mô tả việc xếp thứ hạng này giống như là điều “hư cấu”.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Yemi Osinbajo lại tỏ ra hoan nghênh con số này, cho rằng đây không phải là một trở ngại mà là một chất xúc tác để Nigeria làm tốt hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng. 

Sự nghi ngờ của các quan chức Nigeria đã làm dấy lên cuộc tranh luận với các ý kiến trái chiều. Ông Adetokunbo Mumuni, Giám đốc Điều hành Chương trình Quyền và Trách nhiệm Kinh tế - Xã hội cho rằng, thay vì đổ lỗi cho bảng xếp hạng của TI là mang tính chính trị, Chính phủ nên tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng.

“Chúng ta hãy nói giống như những người Nigeria rằng, thứ hạng của TI là biểu thị của cách mà chúng ta đang trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng ông Magu và Tổng thống Buhari nên lưu tâm đánh giá kết quả của TI là nghiêm trọng. Theo đó, họ nói chúng ta làm chưa tốt, chúng ta cần thay đổi và làm tốt”, ông Mumuni nói.

CPI ra đời vào năm 1995, là một trong những thước đo quốc tế được coi trọng nhất về tình hình tham nhũng. Đây là một chỉ số tổng hợp được sử dụng để đo lường nhận thức về tham nhũng trong khu vực công ở các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.

CPI được tính toán bởi Ban Thư ký TI ở Đức và được công bố tại Nigeria bởi Trung tâm Vận động lập pháp xã hội dân sự (CISLAC).

Ông Auwal Musa Rafsanjani, Giám đốc Điều hành CISLAC cho biết, mục tiêu của bảng xếp hạng CPI đang bị các quan chức Chính phủ Nigeria hiểu lầm.

“Điều quan trọng là để chúng ta đánh giá đúng và nhận ra vấn đề tham nhũng ở Nigeria. Tốt hơn, chúng ta hãy dừng lại việc phủ nhận và trung thực với chính mình", ông Rafsanjani nói.

Cũng theo ông Rafsanjani, trọng tâm của CPI là giúp các nước cải thiện hệ thống quản lý của họ. "Chúng tôi biết rằng họ thiếu khả năng chống tham nhũng. Chúng tôi cũng biết rằng, có những sai sót trong việc thực hiện chính sách giúp chống tham nhũng. Bởi vậy, dù tình hình có ra sao, tại sao không đón nhận kết quả và hành động theo hướng giải quyết những sai sót đó mà mọi người đều biết rằng chúng ta có? Nên, tôi không đồng tình việc gạt bỏ thông tin tốt (bởi lãnh đạo EFCC), bởi vì, theo lý tưởng, Chính phủ, đặc biệt là những người phụ trách chống tham nhũng, nên đón nhận để có sự trao đổi các mối quan tâm chung khi trong nước còn tồn tại vấn nạn tham nhũng", ông Rafsanjani nói.

Hoài Phương