Theo phán quyết, ngoài việc bị tước quyền lợi chính trị trong vòng 4 năm, tỷ phú ngành bảo hiểm này còn bị tịch thu tài sản trị giá 10,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,6 tỷ USD). 

Ngày 23/2 vừa qua, Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) thông báo tiếp quản Anbang, coi đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của các công ty tư nhân lớn vốn đang chìm trong nợ nần, đồng thời cảnh báo nguy cơ đe dọa hệ thống tài chính của nước này. 

5 tuần sau khi CIRC tiếp quản Anbang, ngày 28/3, Tòa án Thượng Hải đã mở phiên tòa xét xử Ngô Tiểu Huy với cáo buộc gian dối trong việc gọi vốn và chiếm đoạt vốn mưu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho tập đoàn lên tới 65,25 tỷ nhân dân tệ (tương đương 10,4 tỷ USD). 

Các cáo trạng xác định tỷ phú họ Ngô đã bòn rút nhiều tiền của tập đoàn chuyển cho các công ty con do ông ta kiểm soát để đầu tư ra nước ngoài, trả nợ hoặc chi tiêu cá nhân. 

Cuối tháng 1/2017, Anbang đã mở bán các sản phẩm bảo hiểm với mục đích đầu tư vượt quá số tiền được phép gọi vốn là 723,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 115 tỷ USD). 

Ngoài ra, cáo trạng cũng chỉ ra rằng, ông Ngô Tiểu Huy bị cáo buộc lợi dụng vị trí lãnh đạo cao nhất của mình để tiếp cận nguồn vốn của tập đoàn một cách bất hợp pháp. 

Ra đời năm 2004, ban đầu Anbang là một công ty hoạt động trong các ngành ô tô, bất động sản và bảo hiểm tai nạn. Đến năm 2010, Anbang mới bắt đầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ. Cho đến nay, tập đoàn mở rộng hoạt động sang cả mảng ngân hàng, quản lý tài sản và cho thuê tài chính. Anbang thu hút được nhiều sự chú ý vì thường xuyên đưa ra những lời chào mua hấp dẫn. Sau thương vụ thâu tóm Waldorf Astoria với mức giá cao kỷ lục, năm 2016, Anbang lại đồng ý mua Strategic Hotels & Resorts - tập đoàn sở hữu 16 khách sạn hạng sang ở Mỹ - với giá 6,5 tỷ USD. Anbang có hơn 3.000 văn phòng đại diện ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là nhiều chi nhánh, khách sạn lớn ở Mỹ và châu Âu.

PV