Theo ông Sarath Jayamanne: "Công cụ hiệu quả nhất để kiểm soát hối lộ và tham nhũng ở đất nước chúng ta là đưa một cách công khai về các vụ việc, bản án. Thêm vào đó, phải tạo một môi trường trong cơ quan nhà nước, mà ở đó hối lộ để được cung cấp các dịch vụ công và hợp pháp từ các công chức là không cần thiết.
 
Trên tất cả, chúng ta phải nhấn mạnh hơn để tạo một nền văn hóa, ở đó mỗi người có suy nghĩ rằng, hối lộ, tham nhũng là một tội ác, một căn bệnh và tệ nạn xã hội đi ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh và dân chủ của một quốc gia. Họ phải nhận ra rằng đó là một sự kỳ thị xã hội và làm tổn hại đến phẩm giá của người đưa cũng như người nhận hối lộ".
 
Những tác động của tham nhũng
 
Tổng Giám đốc CIABOC lấy Bhutan, một quốc gia nhỏ cùng ở khu vực Nam Á, làm ví dụ so sánh. Theo Báo cáo tham nhũng của Bhutan năm 2018, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp Bhutan đứng thứ 25/180 quốc gia với tổng điểm 68.
 
Còn Sri Lanka xếp thứ 89/180 với điểm số 38. Như vậy, so với Bhutan, Sri Lanka chắc chắn chưa thể hài lòng với kết quả của chương trình kế hoạch chống tham nhũng.
 
Trước các vụ bê bối tham nhũng được công bố rộng rãi, phần lớn công chúng hiện nay đã nhận thức đầy đủ những tác động bất lợi của tham nhũng đối với các lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh tế. Đó là: Xói mòn niềm tin của người dân vào các thể chế chính trị, méo mó việc phân bổ nguồn lực, lạm phát chi tiêu cho mua sắm công và làm suy yếu sự cạnh tranh trên thị trường. Đây đều là những vấn đề nghiêm trọng.
 
Ở góc độ kinh tế, tham nhũng tạo ra một tác động tàn phá đối với đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, với các thể chế chính trị, hành chính yếu kém, tham nhũng ở Sri Lanka đang dần bắt đầu mang tính hệ thống. Sự hỗ trợ của cộng đồng cho các cải cách kinh tế vĩ mô thiết yếu đang bị đe dọa khi các quan chức tham nhũng bỏ qua các quy tắc của pháp luật để lên tiếng ủng hộ các giao dịch "đặc biệt".
 
Cần tạo một nền văn hóa liêm chính
 
Theo Tổng Giám đốc CIABOC, khi một người dân bình thường tiếp cận các số liệu thống kê, đọc và xem các trang tin tức hàng ngày về tham nhũng, không ngạc nhiên khi họ sẽ nghi vấn: Liệu chúng ta có đang thua trong cuộc chiến chống tham nhũng hay không?
 
Ngày nay, chống tham nhũng là không dễ dàng. Nó trở thành một hiện tượng xâm nhập vào mọi ngóc ngách của xã hội. Tại Sri Lanka, có nhiều nỗ lực của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ để chống tham nhũng, nhưng kết quả không đáp ứng dược kỳ vọng của công chúng.
 
Các luật cũng đã được nghiên cứu và đưa ra. Tuy nhiên, một mình luật pháp không thể thay đổi được hành vi của công dân. Cần thúc đẩy sự thay đổi trong tư tưởng con người. Về thực chất, cần tạo một nền văn hóa liêm chính, Tổng Giám đốc CIABOC nhấn mạnh.
 
Giáo dục là then chốt
 
Cũng theo ông Sarath Jayamanne, một nền văn hóa liêm chính chỉ có thể được xây dựng, bồi dưỡng và phát triển thông qua giáo dục toàn diện thế hệ trẻ. Điều này cần phải thực hiện từ độ tuổi nhỏ, cấp tiểu học. Và, cơ quan giáo dục có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa liêm chính.
 
Và, không chỉ giới hạn ở những người trẻ tuổi. Các quan chức cấp cao, lãnh đạo chính trị và mọi cá nhân, tập thể đều cần được giáo dục. Đây là bước đầu tiên để thiết lập và củng cố văn hóa liêm chính. Kết quả cuối cùng phải là một dịch vụ công chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn thực hiện chuyên nghiệp, tôn trọng mọi người và trên hết, tôn trọng quy tắc công bằng, trung thực và liêm chính.
 
Văn hóa tham nhũng
 
Một sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị phân tích: "Hầu hết người Sri Lanka tin rằng tham nhũng đã trở thành một phần trong văn hóa, và nếu không có sự thay đổi lớn về văn hóa, sẽ không bao giờ có thể chống tham nhũng".
 
Nhưng ở một khía cạnh khác, mọi người thường lên án tham nhũng và hậu quả của nó là hủy hoại đạo đức xã hội, nhưng chính bản thân họ cũng tham gia vào các hành vi hối lộ. Đơn cử, cùng 1 người, buổi sáng có thể lên án gay gắt tham nhũng, nhưng chiều hôm đó, để có được một dịch vụ rất cần thiết, họ phải hối lộ, và sau đó, vào buổi tối, họ phàn nàn rằng, không thể làm gì được vì tham nhũng đã trở thành một phần của văn hóa trong cuộc sống của họ!
 
Chính sách
 
Theo ông Sarath Jayamanne, tham nhũng gia tăng trong tình trạng trách nhiệm giải trình giảm. Khi hiểu được lý thuyết cơ bản này, các nước phát triển đã tạo ra được nhiều chính sách và thể chế để giảm thiểu tham nhũng, như: Hệ thống đánh giá chất lượng để đánh giá các đại diện chính trị và các cán bộ công quyền, mua sắm cạnh tranh, kiểm toán độc lập... Trong đó, cần có các tổ chức độc lập về chính trị để thực thi các chính sách về: Ủy ban bầu cử, Ủy ban dịch vụ công, Hệ thống giám sát tư pháp - lập pháp, Hội đồng mua sắm, Kiểm toán nội bộ và bên ngoài, Công tố, Cảnh sát... Chính phủ điện tử và tự động hóa cũng là biện pháp để làm giảm sự tùy tiện và tăng trách nhiệm giải trình…

Hoài Phương