Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Theo ông Saut Situmorang, Phó Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (KPK): “Từ năm 2014 - 2018, tham nhũng được ví như một “núi băng” ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và KPK cũng như Chính phủ muốn phá vỡ “núi băng” đó. Vì vậy, KPK đã đưa ra các chiến lược phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ cấp cao nhất là Trung ương đến địa phương và rộng rãi trong toàn thể nhân dân, kể cả trong các trường học và đồng thời, có sự liên kết với cảnh sát”.

SPAK là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Chiến lược Quốc gia về Phòng ngừa và đẩy lùi tham nhũng của Indonesia, được thực hiện từ ngày 22/4/2014.

Phong trào này đặc biệt coi trọng vai trò của phụ nữ trong chống tham nhũng. Những phụ nữ tham gia bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và hành động chống tham nhũng của chính mình, của gia đình mình, và sau đó lan tỏa đến môi trường làm việc, xã hội.

Họ là những người nội trợ, các giáo viên, giảng viên, nữ doanh nhân, luật sư, thẩm phán, công tố viên, cán bộ tòa án, hội bảo vệ lợi ích gia đình, hội các bà vợ của công chức, công chức, các tổ chức phi Chính phủ (NGOs), hội thanh niên, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức người tàn tật, những chương trình của các nhà tài trợ, các thành viên hội đồng lập pháp khu vực, nhà báo, kiểm toán viên, các mục sư, nữ cảnh sát và nữ bác sỹ.

Phong trào bao gồm một chiến dịch PCTN toàn diện; những hoạt động nhằm xây dựng các giá trị và thái độ PCTN trong cả khu vực công và khu vực tư, trong đó có các cán bộ, công chức, các trường học và xã hội.

Theo KPK, phong trào SPAK gồm 2 mảng hoạt động chính: Một là, cung cấp kiến thức về PCTN cho các thành viên của phong trào thông qua các chương trình đào tạo; hai là, các thành viên của phong trào tuyên truyền kiến thức PCTN cho người dân. Khi người dân tham gia, họ sẽ khuyến khích các quan chức chính phủ nâng cao dịch vụ đối với người dân.

Để thay đổi nhận thức của người tham gia, SPAK sử dụng một số công cụ chia sẻ kiến thức như: Sách, tờ rơi, video, ghim cài áo, áo phông, sổ ghi chép và đặc biệt là 4 loại trò chơi cho các trẻ em, học sinh, sinh viên có tên: ARISAN, MAJO, PUT-PUT LK và SEMAI. Các trò chơi này bao gồm những câu hỏi về các giá trị đạo đức, các vấn đề liên quan đến tham nhũng sự liêm chính và công tác PCTN.

Hoạt động của SPAK tại khu vực Trung Nam Indonesia. Ảnh: SPAK

 

Chống tham nhũng từ những hành vi cụ thể

Bà Yuyuk Sndrianti Iskak (thành viên Ủy ban KPK) cho biết: Những vấn đề về chống tham nhũng của SPAK bắt đầu từ những hành vi rất cụ thể, nhỏ bé như: Dạy trẻ con tính trung thực thông qua việc không quay cóp bài, không lấy cái gì không phải là của mình; cha mẹ không lợi dụng việc tảo hôn của con cái để trục lợi thách cưới; người vợ làm rõ các khoản tiền ngoài lương chồng mang về nhà…

Sau 2 năm hoạt động, năm 2016, SPAK có 1.025 thành viên trải khắp 20 tỉnh, ở các vị trí công tác, xã hội khác nhau.

Hiện tại, phong trào SPAK đã có trên 1.700 thành viên nòng cốt, trong đó hội viên của tổ chức phụ nữ chiếm trên 16%. Các thành viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện, phát huy vai trò là tác nhân của sự thay đổi, góp phần xây dựng văn hóa chống tham nhũng trong gia đình và cộng đồng.

Họ được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết về tham nhũng và chống tham nhũng, kỹ năng điều hành, hiểu biết về công cụ của chương trình và nghiên cứu điển hình.

Quy trình của SPAK là thực hiện chiến lược gặp những người phụ nữ trong vòng 3 ngày để giới thiệu về chương trình. Sau đó, cứ 3 tháng 1 lần, các thành viên gặp nhau để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như trao đổi những khó khăn vấp phải trong quá trình hoạt động và cùng tìm ra giải pháp.

Kết quả, so với trước khi tham gia, hầu hết số phụ nữ tham gia SPAK đã cố gắng thay đổi hành vi của người khác theo hướng tích cực và nhiều người đã thực hiện thành công việc thay đổi này. Hầu hết các thành viên SPAK đã từ chối đưa và nhận hối lộ hay các chi phí không chính thức. Cụ thể: Có 95% người tham gia vào hội thảo PCTN; 97% người không tham gia tham nhũng từ những hành vi nhỏ nhất; 94% tham gia SPAK không có hành vi tham gia tham nhũng; 24% người bắt đầu có báo cáo hành vi tham nhũng. Số người tố cáo tham nhũng còn ít, theo KPK, là vì họ không có đủ thông tin hay bằng chứng hoặc sợ bị trả thù.

Hoạt động của SPAK tại khu vực Đông Indonesia. Ảnh: SPAK

 

Mục tiêu mở rộng SPAK sang tất cả các nước ASEAN

Việc thực hiện SPAK tại Indonesia đã được các địa phương ủng hộ mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chống tham nhũng.

Theo KPK, bên cạnh 2 mục tiêu: Cung cấp kiến thức về các hành vi tham nhũng; phụ nữ thay đổi thái độ, niềm tin, nhận thức và hành vi PCTN theo hướng tích cực; mục tiêu thứ 3 của phong trào là hướng đến mở rộng sang tất cả các nước ASEAN, tập trung thay đổi 5 hành vi: Sử dụng các công cụ hay chương trình đào tạo SPAK, truyền thông điệp PCTN đến người khác; thảo luận về tham nhũng với những người khác mà không sử dụng các công cụ SPAK; tác động tích cực đến hành vi của người khác; từ chối tham gia các hành vi tham nhũng; và tố cáo tham nhũng.

Để đạt được mục tiêu mở rộng SPAK sang các nước ASEAN, KPK đã tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, như: Hội thảo từ ngày 22 - 24/11/2016 tại Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia, có sự tham gia của khoảng 35 đại biểu của 6 cơ quan thành viên Tổ chức các Cơ quan chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á (SEA-PAC) (gồm: Ủy ban Chống tham nhũng Brunei (ACB), Cơ quan Chống tham nhũng Campuchia (ACU), Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (KPK), Thanh tra Chính phủ Lào (LGIA), Ủy ban Chống tham nhũng Myanma (ACC), và Thanh tra Chính phủ Việt Nam (GIV)), Lãnh sự quán Australia tại Sulawesi, chính quyền Nam Sulawesi và đại diện những người tham gia phong trào SPAK.

Bên cạnh đó, trong quan hệ hợp tác song phương, KPK cũng tiến hành các chuyến thăm và làm việc với cơ quan chống tham nhũng các nước trong khu vực. Mới đây, ngày 24 - 25/9/2018, đoàn đại biểu KPK do ông Saut Situmorang, Phó Chủ tịch Ủy ban KPK làm Trưởng đoàn đã có buổi tọa đàm với Thanh tra Chính phủ Việt Nam, và làm việc với lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong đó có nội dung quan trọng là trình bày chuyên đề “Phụ nữ chống tham nhũng”.

Vợ của các quan chức đóng vai trò quan trọng

KPK cho biết, tỉnh Nam Sulawesi là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào SPAK, đã được KPK trao kỷ niệm chương của SPAK dành cho địa phương có thành tích trong PCTN.

Cảnh sát quận Panakukkang (thành phố Makassar) được coi là cơ quan cảnh sát quận kiểu mẫu, có phòng một cửa để nhận và giải quyết các vấn đề của người dân thuộc thẩm quyền của cơ quan này. Tất cả các yêu cầu, khiếu nại của người dân được giải quyết trong vòng 3 ngày. Phòng một cửa có lắp camera để giám sát hoạt động của cán bộ cảnh sát và có hệ thống trực tuyến để xử lý nhanh các vấn đề. Danh sách các loại lệ phí được niêm yết rõ ràng cho người dân. Cơ quan này tổ chức các trò chơi SPAK và các cuộc họp để cung cấp kiến thức PCTN cho cán bộ cảnh sát.

Chính quyền quận Gowa (thành phố Makassar) đã thực hiện chính sách miễn học phí cho các trường từ cấp tiểu học đến trung học. Các trường không trực tiếp thu mà chính quyền quận thu các loại phí giáo dục, từ đó hạn chế hiện tượng tham nhũng trong trường học. Quận cũng thường xuyên tổ chức những cuộc họp về các giá trị đạo đức, tôn giáo, không tham nhũng cho học sinh, các công chức và vợ của các quan chức ở quận…

Đặc biệt, vợ của các quan chức đóng vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở các thành viên gia đình, đồng thời nêu gương cho những người khác về việc thực hiện các hành vi đạo đức, không tham nhũng.

Ở chính quyền quận, các trò chơi PCTN của SPAK cũng được tổ chức. Ngoài các trò chơi này, một số trường học là thành viên SPAK còn xây dựng mô hình căng tin liêm chính, trong đó các học sinh tự lựa chọn và trả tiền cho thức ăn họ cần mà không có người quản lý căng tin. Mô hình này nhằm nâng cao tính liêm chính, sự trung thực của học sinh.

Chính quyền thành phố Surabaya thực hiện mô hình thành phố điện tử minh bạch. Thành phố này có số điện thoại khẩn cấp để người dân gọi khi có nhu cầu trợ giúp về các dịch vụ công. Bệnh nhân lấy số thứ tự đăng ký khám bệnh, trong đó hẹn giờ cụ thể, do đó giảm được thời gian chờ đợi và loại bỏ cơ hội tham nhũng… Bên cạnh đó, phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện sinh sống và làm việc. Thành phố cũng phối hợp với KPK thực hiện các chương trình liêm chính, chống tham nhũng.


Hoài Phương