Tại điểm cầu cấp tỉnh, ông Hồ Lê Ngọc - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quán triệt các nội dung: Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo quy định, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của tỉnh ủy, thành ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương…

Để cụ thể hóa các nội dung trên, ngày 30/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1150/QĐ-TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gồm 15 thành viên); Quy chế làm việc số 01-QC/BCĐ ngày 7/7/2022 của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

leftcenterrightdel
Điểm cầu hội nghị tại huyện Tương Dương. Ảnh: VM 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương đã quán triệt chuyên đề “Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; công tác tham mưu chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án”.

Đây là hội nghị hết sức quan trọng, thông qua đó sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, của các tổ chức chính trị xã hội, của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, bổ sung, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án. Cập nhật kiến thức mới, nâng cao tri thức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc.

Xuân Thống