Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu

Phương Anh

Thứ hai, 26/12/2022 - 18:02

(Thanh tra)- Đây là một trong những thách thức mới đặt ra đối với ngành Dân số được chia sẻ tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2022 và hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2022, triển khai nhiêm vụ năm 2023.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại hội nghị

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, trong thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Các thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dân số có thể kể đến như: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%. Theo báo cáo phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, các kết quả công tác dân số đạt được trong thời gia qua đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân…

“Có được những kết quả này trước hết nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam... cùng với sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của những người làm công tác dân số, y tế trong cả nước, có công sức của hàng trăm nghìn cộng tác viên, tuyên truyền viên tại các thôn xóm, bản làng; sự hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách dân số của mỗi cộng đồng và từng người dân”, Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Song công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số là rất lớn, đó là: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. HDI chưa cao, chậm được cải thiện. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện nhiều những còn cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với việc “già hóa dân số”. Chất lượng dân số còn thấp. Phân bố dân số, quản lý di cư vẫn còn nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới...

Trong khi đó tổ chức bộ máy của ngành Dân số nước ta liên tục biến động. Chỉ trong 15 năm (2008-2022), đã có tới 3 lần thay đổi tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Điều này đã tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm, tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trong cả nước (hiện có gần 160 nghìn người).

Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ dân số còn thấp, nhất là đội ngũ cán bộ dân số cơ sở - những người đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng - thì đến nay nhiều người trong số họ đã nghỉ việc. Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Đảng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan là: “Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình”.

"Sự thay đổi tổ chức bộ máy này, nguyên nhân chủ quan này có nguy cơ dẫn đến khả năng không thực hiện thành công các mục tiêu chỉ tiêu dân số mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao", Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số; trân trọng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, chia sẻ và đồng hành cùng ngành Dân số trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Lâm Đồng còn nhiều khó khăn

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Lâm Đồng còn nhiều khó khăn

(Thanh tra) - Đánh giá chung việc thực hiện môi trường không khói thuốc trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết công tác này còn gặp khó khăn do việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến, các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở cũng như không có thẩm quyền xử phạt…

Phương Anh

20:59 22/11/2024
Tăng cường thanh tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Tăng cường thanh tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm

(Thanh tra) -Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn có cơ hội trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Phương Anh

20:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm