Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngày 6/12: Ca mắc COVID-19 mới mang quốc tịch Lybia nhập cảnh vào Việt Nam

Phương Anh

Chủ nhật, 06/12/2020 - 21:42

(Thanh tra)- Bản tin 18 giờ ngày 6/12 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông tin Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 mới nhập cảnh và được cách ly ngay không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Việt Nam có 1.366 ca bệnh.

Cả nước hiện có 17.020 người đang được cách ly, theo dõi sức khỏe. Ảnh: BYT

Ca bệnh 1366 (BN1366) ghi nhận tại Hà Nội là nam giới, 54 tuổi, quốc tịch Lybia.

Ngày 19/11/2020, BN từ Qatar nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976, được cách ly tại Hà Nội ngay khi nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm ngày 5/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện BN được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Tính đến 18 giờ ngày 6/12, Việt Nam có tổng cộng 1.366 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 17.020.

Đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.220/1.366 BN COVID-19. Đặc biệt, đến nay, nước ta không còn trường hợp BN COVID-19 nào nặng.

Trong số các BN COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 5 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

Bộ Y tế vừa ban hành sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.

Nhằm hướng dẫn cán bộ y tế truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng và trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ việc ứng phó với các vụ dịch tại các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và các địa phương khác trong thời gian qua, Bộ Y tế xây dựng sổ tay này để phổ biến tới các cơ quan, địa phương thực hiện.

Theo Bộ Y tế, việc truy vết người tiếp xúc với ca bệnh là nhằm tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan. Do đó, công tác truy vết phải thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc.

Theo Sổ tay Hướng dẫn của Bộ Y tế, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2m với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.

Khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: Sốt, mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...

Nếu là người lành mang trùng (người không có bất cứ triệu chứng gì) thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 2m với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế. Mốc dịch tễ là địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực bảo đảm cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm