Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mở rộng chi trả bảo hiểm y tế cho các dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật

Thứ ba, 27/08/2019 - 06:31

(Thanh tra)- Hiện vẫn còn trên 3 triệu người khuyết tật phải tự mua bảo hiểm y tế (BHYT) và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với người khuyết tật, nhưng lại chưa được BHYT chi trả.

Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo điều tra quốc gia người khuyết tật mới đây, hiện Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật. Trong đó, tỷ lệ khuyết tật vận động 29,41% (1.823.420 người), khuyết tật nghe-nói 9,32% (577.840 người), khuyết tật nhìn 13,84%(858.080 người), khuyết tật thần kinh-tâm thần 16,83% (1.043.460 người), khuyết tật trí tuệ 6,52% (404.024 người) và khuyết tật khác 24,08% (1.492.960 người). Khoảng 82% người khuyết tật sống ở nông thôn; 56% người khuyết tật là nữ và trên 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động.

Thực tế cho thấy, người khuyết tật đang đối mặt với nhiều khó khăn về điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe. Số hộ gia đình có người khuyết tật chiếm 55% trong 2 nhóm thu nhập thấp nhất của cả nước. Theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều năm 2016, hộ gia đình có người khuyết tật sẽ có nguy cơ nghèo cao gấp hơn 2 lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật (19,4% so với 8,9%). Hầu hết người khuyết tật đã bị ốm, bệnh, chấn thương hoặc có sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm điều tra (91,5%), cao hơn gần 20% so với người không khuyết tật.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm qua, hoạt động chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật được Bộ Y tế quan tâm, với nhiều cải thiện rõ rệt trên phạm vi toàn quốc.

Mạng lưới chăm sóc y tế về phục hồi chức năng đã được củng cố với 1 bệnh viện phục hồi chức năng thuộc Bộ Y tế, một trung tâm phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, 39/63 tỉnh có bệnh viện phục hồi chức năng, 100% các bệnh viện đa khoa Trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng. Các khoa, tổ phục hồi chức năng ở các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện ngày càng được củng cố. Các bộ, ngành khác có 4 bệnh viện, 16 trung tâm phục hồi chức năng. Hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng được ứng dụng phục vụ người bệnh và người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

Sự hỗ trợ về tài chính trong chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật thuộc diện chính sách được thực hiện thông qua chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ BHYT. Hiện có hơn 3 triệu người khuyết tật trong số 6,2 triệu người khuyết tật đã được cấp thẻ BHYT miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng (năm 2011: 33 bệnh và 47 kỹ thuật phục hồi chức năng; năm 2016: 252 kỹ thuật (tất cả các dịch vụ phục hồi chức năng Bộ Y tế ban hành đều đựơc chi trả BHYT)).

Tuy nhiên, thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cũng như trong trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người khuyết tật. Đó là vẫn còn trên 3 triệu người khuyết tật phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám, chữa bệnh. Đặc biệt, các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với người khuyết tật nhưng lại chưa được BHYT chi trả.

Theo các chuyên gia về phục hồi chức năng, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, nhiều người khuyết tật gặp khó khăn trong đi bộ. Nếu được sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Do đó, nếu đáp ứng được việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật có thể giúp họ tạo ra sự khác biệt lớn về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội.

Trong khi đó, hiện nay, tỷ lệ người khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Trong tương lai không xa, tỷ lệ người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số với tốc độ nhanh. Vì vậy, việc chi trả từ nguồn BHYT cho các dụng cụ trợ giúp (dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ thay thế, các loại vật tư y tế hỗ trợ di chuyển) đối với người khuyết tật rất cần được quan tâm xem xét.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm