Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Khám sàng lọc, phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Phương Anh

Thứ bảy, 19/06/2021 - 21:19

(Thanh tra)- Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19. Hướng dẫn này áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc 4 tại chỗ. Ảnh: BYT

Theo đó, việc khám sàng lọc nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng gồm người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin.

Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng, phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg; nhịp thở trên 25 lần/phút cũng thuộc đối tượng cần thận trọng tiêm chủng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm: Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù…; trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao; hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Vắc xin COVID-19 cũng chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế lưu ý, trước tiêm chủng, nhân viên y tế phải thực hiện bước khám sàng lọc hỏi về tình trạng sức khỏe hiện tại; tiền sử tiêm vắc xin phòng COVID-19; tiền sử dị ứng; tiền sử tiêm vắc xin khác trong 14 ngày qua; tiền sử mắc COV1D-19; tiền sử suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đang dùng thuốc corticoid, ức chế miễn dịch, xạ trị; tiền sử bệnh nền như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường, các bệnh thần kinh mạn tính, các bệnh tim mạch mạn tính...; rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Tiếp theo, nhân viên y tế phải đánh giá lâm sàng, phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống: Đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch, đếm nhịp thở hoặc SpO2 (nếu có) với những người có bệnh nền; quan sát toàn trạng... Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm để hỏi lại về tiền sử sức khỏe.

Kết luận sau khám sàng lọc, những người đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được chỉ định tiêm chủng ngay; trì hoãn tiêm chủng với những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn; chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện với những trường hợp có yếu tố thận trọng tiêm chủng, phát hiện sau khi thăm khám. Nhân viên y tế không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.

Đối tượng tiêm chủng sau khi được thăm khám, nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm cách mũi thứ nhất sau 8-12 tuần. Hai mũi tiêm vắc xin COVID-19 yêu cầu phải thuộc một loại, tức nếu mũi thứ nhất, người tiêm sử dụng vắc xin AstraZeneca thì mũi thứ hai cũng phải tiếp tục tiêm vắc xin này.

Tại buổi tập huấn an toàn tiêm chủng trên toàn quốc ngày 19/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người.

Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành Y tế phải nỗ lực từng khâu từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Do đó, các cán bộ y tế phải thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn, quan tâm đến công tác xử trí, cấp cứu, đảm bảo tiêm mũi nào, an toàn mũi tiêm ấy.

Theo đại diện Bộ Y tế, để đạt được miễn dịch cộng đồng, phải tiêm trên 75% dân số, 100 triệu dân tại Việt Nam phải thực hiện 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn.

Với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với số lượng lớn vắc xin phải hoàn thành trong năm 2021, thời gian không nhiều, trên diện rộng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng tại địa phương trên nguyên tắc 4 tại chỗ; phải thành lập ban an toàn tiêm chủng cấp tỉnh với 7 nhiệm vụ, và tổ chức đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ kịp thời các điểm tiêm chủng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm