Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

'Chiến lược then chốt' trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19

Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Chủ nhật, 04/10/2020 - 09:22

Trong hành trình phòng, chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã kiên định thực hiện nguyên tắc chiến lược: “Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả.”

Các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được công bố khỏi bệnh và xuất viện. (Nguồn: TTXVN phát)

Ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19 tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc và gần đây nhất tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương…, Việt Nam đã kiên định thực hiện nguyên tắc chiến lược: “Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả.”

Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo “chiến lược then chốt” tại từng địa phương góp phần thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên cả nước trong thời gian qua.

Áp dụng đồng bộ

Trước diễn biến dịch COVID-19 tại Trung Quốc vào đầu tháng 1/2020, Đà Nẵng đã bám sát chỉ đạo về công tác giám sát, rà soát trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam trên địa bàn thành phố; chủ động xây dựng quy trình phát hiện, xử lý trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; xây dựng ứng phó với dịch COVID-19 theo “3 tình huống,” “4 cấp độ”; sẵn sàng các nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ.”

Trải qua đợt đầu chống dịch với 6 trường hợp mắc COVID-19, đến ngày 23/7, Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, bước vào giai đoạn phòng chống dịch đợt 2, chính thức trở thành tâm dịch của cả nước với 389 người mắc, trong đó có 31 người tử vong.

Đánh giá 2 giai đoạn phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết với kinh nghiệm, sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong đợt chống dịch lần 1, ngay sau khi ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, Đà Nẵng đã huy động các cấp, ngành, khẩn trương đánh giá nguy cơ và đề ra biện pháp kịp thời kiểm soát dịch bệnh.

Ngay sau đó, từ ngày 26-27/7, Đà Nẵng quyết định cách ly toàn Bệnh viện Đà Nẵng, sau đó, cách ly 3 bệnh viện và khu vực dân cư lân cận xung quanh.

Ngày 28/7, Đà Nẵng nhanh chóng áp dụng biện pháp cách ly xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhằm hạn chế tốc độ lây lan trong cộng đồng.

Với sự hỗ trợ từ Trung ương, chuyên gia của Bộ Y tế, các địa phương; Đà Nẵng huy động sự chung sức của toàn hệ thống chính trị, triển khai biện pháp ứng phó quyết liệt, mạnh mẽ phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh sự chủ động đánh giá, phân tích kịp thời yếu tố có nguy cơ, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết Đà Nẵng áp dụng mạnh mẽ biện pháp cấp bách như giãn cách xã hội; nâng cao năng lực và tốc độ xét nghiệm; xét nghiệm bằng phương pháp gộp… Các biện pháp đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh và dập dịch kịp thời.

Trong thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, Đà Nẵng khẩn trương “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng; vận chuyển bệnh nhân đến cách ly y tế tại các cơ sở cách ly trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm sẵn sàng đáp ứng với các tình huống, diễn biến của dịch bệnh; phát hiện các ca bệnh qua mô hình hoạt động hiệu quả của “Tổ công tác COVID-19”…

Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng áp dụng triệt để nguyên tắc phòng, chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để, dập dịch.”

Do đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Y tế; lãnh đạo địa phương, đến nay, thành phố Đà Nẵng trải qua 36 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Tương tự Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “an toàn, an tâm và an sinh xã hội” trên cơ sở triển khai chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép”: Ngăn chặn, xử lý dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh với 77 trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi bệnh; trải qua 61 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ lây lan, đặc biệt giám sát chặt chẽ người đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành phố khác. Đối với người nhập cảnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp với Công an cửa khẩu thực hiện nghiêm kiểm dịch y tế biên giới tại các cửa khẩu, sân bay.

Ngoài ra, địa phương mở rộng giám sát thân nhiệt, khai báo y tế cho hành khách tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn.

Trong giai đoạn thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (1/4-22/4), Thành phố tổ chức 62 chốt kiểm dịch liên ngành phòng chống COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố, bến tàu, bến xe, nhà ga, nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào để giám sát hành khách đến từ các tỉnh thành bằng đường bộ.

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, các giải pháp phòng, chống dịch với phương châm “5 tại chỗ”: “Tăng cường truyền thông vận động; giám sát phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng dập dịch triệt để; tổ chức điều trị hiệu quả” đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

“Thần tốc, triệt để”

Chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, Phó Giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định chiến lược đúng đắn, xuyên suốt, nhất quán trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19: “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả.”

“Đây là chiến lược quan trọng, có vai trò then chốt, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh,” Phó Giáo sư Trần Như Dương cho biết.

 Xét nghiệm COVID-19 cho những đối tượng có nguy cơ. (Nguồn: TTXVN/Vietnam+)

Việc truy vết nhanh chóng, kịp thời người tiếp xúc với bệnh nhân - ca F1 là yếu tố then chốt, quyết định trên nguyên tắc “thần tốc và triệt để.”

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải thích: “Các khâu chống dịch COVID-19 phải thần tốc, phải chạy nhanh hơn sự lây lan vì thời gian ủ bệnh của virus gây bệnh rất ngắn, có thể chỉ từ 1-2 ngày hoặc 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh. Nếu chậm trễ, nguy cơ F1 có thể trở thành F0, lây lan ra cộng đồng khiến hậu quả khôn lường. Phải triệt để nhằm truy vết kỹ càng, hạn chế bỏ sót ca F1. Bỏ sót F1 là chỉ số xấu trong chống dịch.” Đây cũng là kinh nghiệm được áp dụng triệt để, hiệu quả tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Trần Như Dương cho biết phải xác định các “mốc dịch tễ” trước khi truy vết người bệnh nhân đã tiếp xúc. Các mốc thường là địa điểm, sự kiện bệnh nhân đã tham dự, từ 3 ngày trước khi khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.

Ví dụ, các mốc dịch tễ hay gặp tại thực địa như đám cưới, đám ma, chợ, quán ăn, lễ hội, bệnh viện, cơ quan, công sở...

Một bệnh nhân thường đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động nên có các mốc dịch tễ ở nhiều địa điểm khác nhau.

Xác định được các mốc dịch tễ sẽ truy ra các F1, do đó, nếu bỏ quên bất cứ dấu mốc dịch tễ, có nghĩa nhiều ca F1 bị bỏ sót.

Trong đợt chống dịch tại Đà Nẵng vừa qua, Phó Giáo sư Trần Như Dương cho biết nhiều bệnh nhân có mốc dịch tễ đa dạng ở Đà Nẵng; Thành phố Hồ Chí Minh; Quảng Ngãi; Quảng Nam... Do đó, các lực lượng lập tức liên hệ với các địa phương nêu trên, đồng loạt ra quân truy vết F1. Cách làm đã giúp việc truy vết đảm bảo “thần tốc và triệt để,” đảm bảo tốc độ của việc chống dịch.

Cùng với đó, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cần tận dụng “khoảng thời gian vàng” ngay từ khi phát hiện ca nhiễm để lấy mẫu, cách ly trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; phát hiện sớm nhất nguồn nghi ngờ lây nhiễm, kịp thời cách ly, làm suy giảm tốc độ lây truyền của dịch bệnh. Việc thực hiện cách ly triệt để nhằm cô lập nguồn lây nhiễm là một trong những biện pháp giúp Việt Nam chống dịch thành công.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ: “Khi truy vết, các ca F1 phải nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không cho tự cách ly tại nhà. Bởi vì, việc cách ly tại nhà không triệt để và rất khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 lơ là, thiếu ý thức, vi phạm quy định, đi ra ngoài, nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, sẽ tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch.”

Tại Đà Nẵng, trong số 11.621 trường hợp F1, lực lượng chức năng đã phát hiện 121 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nhờ đó, các nguồn lây trong cộng đồng đã bị cô lập và cách ly kịp thời, góp phần quan trọng cho việc dập dịch thành công.

Về chiến lược “khoanh vùng dập dịch,” Phó Giáo sư Trần Như Dương cho biết khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát phải tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế, dập dịch ở bên trong, không để dịch lây lan sang các vùng khác, địa phương khác.

Tùy theo tình hình thực tế, quy mô vùng cách ly được xác định hợp lý, đảm bảo yêu cầu chuyên môn, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế, an sinh-xã hội của địa phương. Thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày và có thể kéo dài hơn. Chiến lược này cũng đã được thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả tại các địa phương trong đợt chống dịch vừa qua.

Một trong những kinh nghiệm góp phần thành công trong chống dịch tại thực địa không thể không nhắc tới việc huy động sức mạnh của cộng đồng. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc,” cuộc chiến được xác định của toàn dân, trong đó tiêu biểu với mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng,” trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa. Điển hình, Đà Nẵng có 2.200 tổ; Quảng Nam 5.500 tổ; Quảng Ngãi 2.300 tổ; Quảng Trị 4.434 tổ...

Các tổ có nhiệm vụ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình; là cầu nối công tác phòng, chống dịch của chính quyền, ngành Y tế và nhân dân.

“Các Tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng là sự sáng tạo, độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến mà ít nơi nào trên thế giới làm được. Đây là minh chứng sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, huy động toàn dân tham gia phòng chống dịch,” Phó Giáo sư Trần Như Dương khẳng định.

Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tế, sự chỉ đạo của Bộ Y tế, cuốn “Sổ tay hướng dẫn truy vết người tiếp xúc với ca bệnh COVID-19” do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dự thảo đang trong quá trình thẩm định, ban hành đến các địa phương trong thời gian sớm nhất.

Đây sẽ là những kinh nghiệm thực tế, thiết thực, hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

(Thanh tra) - Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Phương Anh

21:31 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm