Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Công tác nhân sự được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng"

Thứ ba, 05/01/2021 - 06:37

(Thanh tra) - Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, “công tác nhân sự đã được chuẩn bị một cách bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, làm từng bước, từng việc, từng khâu, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm”.

Tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Công tác nhân sự là quan trọng nhất

+ Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021. Thông thường, nội dung nào được xem là quan trọng bậc nhất trong Đại hội Đảng toàn quốc, thưa ông?

- Trong các kỳ Đại hội thường có nhiều nội dung, nhưng có hai vấn đề quan trọng nhất là văn kiện và công tác nhân sự. Chính vì tính chất quan trọng của hai nội dung này mà trực tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự.

Tại sao văn kiện là vấn đề cực kỳ quan trọng? Vì Đại hội sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm tới mà còn định hướng cho 10 năm, thậm chí xác định tầm nhìn 25 năm tới, tức đến năm 2045. Đất nước ta đi như thế nào, tiến lên bằng cách nào… là vấn đề rất quan trọng của Đại hội.

Đường lối đã có, nhưng quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ. Bất kỳ Đảng cầm quyền nào, thứ nhất phải hoạch định được đường lối đúng; thứ hai phải có tổ chức bộ máy phù hợp, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thứ ba, phải có đội ngũ cán bộ tương xứng để đưa nghị quyết Đại hội vào thực tiễn.

Suy cho cùng, cán bộ là khâu quyết định trước hết. Vì cán bộ là người làm ra đường lối, thiết lập nên tổ chức bộ máy, định vị ra cơ chế vận hành của tổ chức bộ máy. Cán bộ cũng là người lãnh đạo chỉ đạo, đồng thời trực tiếp tổ chức thực hiện để đưa đường lối vào thực tiễn cuộc sống.

Đường lối có tổ chức thực hiện tốt hay không phụ thuộc chính vào cán bộ. Nếu có cán bộ tốt, thậm chí đường lối chưa cụ thể, chưa toàn diện, chúng ta có thể bổ sung vào.

Ngược lại, đường lối có đúng đến mấy, tổ chức bộ máy có khoa học, phù hợp đến mấy mà đội ngũ cán bộ không đáp ứng yêu cầu thì thậm chí còn làm hỏng cả đường lối. Chính vì thế, công tác nhân sự của Đại hội là vấn đề cực kỳ quan trọng.

+ Vậy theo ông, công tác nhân sự đã được chuẩn bị như thế nào?

- Nói đến nhân sự Đại hội XIII tức là nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đây chính là nhân tố quyết định.

Vì thế, công tác nhân sự lần này được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung cao độ. Có thể nói, công tác nhân sự đã được chuẩn bị một cách bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, làm từng bước, từng việc, từng khâu, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.

Về việc này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phải vì cái chung, vì cái lớn, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, không được phép vì những động cơ cá nhân, cục bộ địa phương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhiều lần nhắc rằng, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, có tín nhiệm trong Đảng, nhân dân.

Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cũng là ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân.

Tôi tin rằng, với những gì Trung ương đã làm, đang làm và sẽ làm, chắc chắn Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII sẽ thực sự là một tập thể trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất và tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước bước vào giai đoạn mới, phát triển ngày càng nhanh hơn, bền vững hơn.

Cơ cấu 3 độ tuổi để có cán bộ các thế hệ kế tiếp nhau

+ Trong công tác chuẩn bị nhân sự, vì sao phải đưa ra cơ cấu ba độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên), thưa ông?

- Cơ cấu ba độ tuổi không phải Đại hội XIII này Trung ương mới quy định. Các kỳ Đại hội trước, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều nhấn mạnh cơ cấu ba độ tuổi.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: H.T

Quy định ba độ tuổi chính là để có cán bộ các thế hệ kế tiếp nhau. Ba thế hệ cán bộ này cách nhau khoảng 10 năm để kế thừa, tiếp tục chuyển tiếp, để làm sao công tác cán bộ không bị hụt hẫng, đứt quãng. Mỗi thế hệ đều có một thế mạnh riêng. Thế hệ đi trước có kinh nghiệm, sự va đập, từng trải. Còn thế hệ trẻ thì sung sức hơn, được đào tạo bài bản hơn. Cho nên, cơ cấu 3 độ tuổi để các thế hệ bổ sung cho nhau, tạo thành một tập thể mạnh.

+ Cũng liên quan đến công tác cán bộ, có thể thấy chưa bao giờ chúng ta lại ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và được quan tâm nhiều như trong nhiệm kỳ này?

- Đúng như thế! Chưa có nhiệm kỳ Đại hội nào mà từ Trung ương đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp lại chăm lo, quan tâm đến công tác cán bộ như vậy.

Trước hết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung cao độ cho việc hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Đó là các quy định, quy chế, quy trình để chúng ta thực hiện theo tinh thần đó.

Điển hình, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Bộ Chính trị đã quy định rất rõ, không chỉ định tính mà cả định lượng, đánh giá cán bộ về phẩm chất chính trị thế nào, năng lực công tác thế nào, ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức, tuổi tác, sức khỏe thế nào… tất cả đều rất cụ thể.

Đây cũng là nhiệm kỳ chúng ta đổi mới rất mạnh mẽ về đánh giá cán bộ. Đó là, đánh giá cán bộ phải liên tục, xuyên suốt, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, đánh giá phải đa chiều, có so sánh, công khai; đánh giá người đứng đầu phải gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả địa phương, cơ quan, đơn vị.

Với cách làm như vậy, quy định, quy chế chặt chẽ như vậy, tôi tin chắc rằng, công tác cán bộ của chúng ta sẽ tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

+ Còn vấn đề văn kiện, trong các dự thảo chuẩn bị trình ra Đại hội XIII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có điểm gì mới không, thưa ông?

- Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII ngay trong Dự thảo Báo cáo chính trị, cũng như trong Dự thảo Báo cáo xây dựng Đảng đều xác định.

Chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Thứ 2, tiếp tục kiện toàn, đổi mới bộ máy tổ chức, hệ thống chính trị làm sao thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ 3, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Chúng ta đã có những kinh nghiệm nhất định trong mấy nhiệm kỳ vừa qua, với những nhiệm vụ tới đây thì tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

+ Xin cảm ơn ông!

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: “Truy vấn” Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư về “gia hạn” các dự án chậm tiến độ

Thanh Hoá: “Truy vấn” Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư về “gia hạn” các dự án chậm tiến độ

(Thanh tra) - Chiều nay 13/12, nhiều đại biểu đã chất vấn tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá tại kỳ họp HĐND thứ 24, khóa XVIII liên quan đến việc gia hạn các dự án chậm tiến độ, có dự án gia hạn đến lần thứ 8 vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc, hoài nghị, dị nghị trong nhân dân.

Văn Thanh

20:01 13/12/2024
Nam Định: Kiên quyết xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Nam Định: Kiên quyết xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực tỉnh Nam Định (Ban Chỉ đạo) để đánh giá tình hình, kết quả công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực tháng 11; thảo luận, cho ý kiến và nắm tình hình, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Trung Hà

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm