Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đan Quế
Thứ ba, 01/04/2025 - 17:22
(Thanh tra) - Báo cáo số 346 ngày 14/3/2025 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng chỉ ra, việc thẩm định, phê duyệt một số loại giấy phép về môi trường còn tồn tại, vi phạm; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát.
Bộ TN&MT phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của Khu công nghiệp Tằng Loỏng chậm 22 tháng... Ảnh: PV
Trong giai đoạn 2017-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&M) đã thẩm định và cấp 21 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; 1.581 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 42 đề án bảo vệ môi trường chi tiết; 333 giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; một số giấy phép xử lý chất thải nguy hại, vận chuyển xuyên biên giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Căn cứ báo cáo của Tổng cục Môi trường và kiểm tra 14 chủ đầu tư tại 3 tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Lào Cai thấy việc thẩm định, phê duyệt, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường còn có tồn tại, vi phạm.
Cụ thể, Bộ TN&MT (Tổng cục Môi trường) thẩm định, phê duyệt giấy phép về môi trường còn nhiều giấy phép thời gian trả kết quả còn chậm so với quy định; một số đơn vị được kiểm tra, xác minh có hiện tượng, dấu hiệu hoạt động chính thức trước khi được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng không được Bộ TN&MT kiểm tra, thanh tra xử lý kịp thời.
Tổng cục Môi trường là cơ quan ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả các hình phạt bổ sung) nhưng lại chưa có cơ chế giám sát việc thực hiện các hình phạt bổ sung, dẫn đến không tạo được sự nghiêm minh của pháp luật.
Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường một số dự án còn vi phạm như: Dự án DAP 2-Vinachem xác định, Gyps thải là chất thải nguy hại nhưng lại xử lý như chất thải thông thường là không đúng quy định; xác định khối lượng chất thải đầu ra không chính xác tại Dự án Nhà máy Thép Việt Trung; cấp giấy xác nhận nước thải cột B QCVN cho Dự án Xi măng Tam Điệp và Vissai Ninh Bình trong khi giấy phép xả thải xác định là cột A QCVN; việc cho phép thu hút các ngành công nghiệp nặng vào Khu công nghiệp, đô thị- dịch vụ của Vsip Bắc Ninh và Sunfar Bắc Ninh là không phù hợp với ngành nghề thu hút ban đầu; chậm đề xuất biện pháp xử lý khi UBND tỉnh Bắc Ninh chậm đưa Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê vào sử dụng; chậm đề xuất giải pháp khi nhà đầu tư 2 Dự án DAP 2-Vinachem và Nhà máy Axit Photphoric 100.000 tấn năm thì cả 2 nhà đầu tư đều chưa được Bộ Công Thương phê duyệt đề án xử lý chất thải rắn trong thời hạn quy định; khối lượng Gyps trên các bãi thải đều lớn hơn khối lượng được phép lưu giữ theo quy định tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TN&MT phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết của Khu công nghiệp Tằng Loỏng tại Quyết định số 1975/QĐ-BTNMT ngày 30/7/2019 nhưng chưa kiểm tra, xử lý theo quy định đối với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai khi hệ thống thu gom nước mặt của khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 2.000 m3/ngày, đêm hoàn thành chậm 22 tháng so với thời hạn theo quy định tại Quyết định phê duyệt sổ 1975/QĐ-BTNMT, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu công nghiệp.
Bộ TN&MT có Quyết định số 1254/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2013 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Phong Khê công suất 10.000 m3/ngày, đêm là dự án để xử lý ô nhiễm của làng nghề Phong Khê (1 trong 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng phải được xử lý triệt để trước năm 2015 theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ) được đầu tư từ năm 2012 (Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 7/6/2012 của UBND tỉnh Bắc Ninh), nhưng đến nay chưa hoàn thành, chậm so với thời gian quy định tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng nhưng chưa được Bộ TN&MT kiểm tra, kiến nghị xử lý theo quy định.
Bộ TN&MT với chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm soát môi trường. Tuy nhiên qua kiểm tra nhận thấy, Bộ TN&MT chậm báo cáo công tác bảo vệ môi trường trước Quốc hội trong thời hạn được quy định; chưa có biện pháp tổ chức, thực hiện đảm bảo các địa phương tuân thủ theo quy định, khi các bộ, ngành, địa phương báo cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo mẫu về nội dung và biểu mẫu theo quy định tại Thông tư 19 của Bộ TN&MT và báo cáo không đúng thời gian theo quy định tại Thông tư 19 của Bộ TN&MT.
Bộ TN&MT chưa đề xuất được phương án khắc phục cũng như không hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đối với 3 dự án thành phần trong chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 được nêu tại Quyết định số 807/QĐ-TTg ngày 3/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; còn 63/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để được nêu tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; còn 48/240 khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để được nêu tại Quyết định sổ 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; chưa xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được nêu tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường trên cả nước vẫn còn phức tạp, nghiêm trọng; nhiều vấn đề môi trường lớn chưa được kiểm soát như các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường còn nằm xen lẫn khu dân cư nhưng chậm được di dời; nước thải đô thị, nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề hầu hết chưa được xử lý mà xả thải trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước mặt; hạ tầng thu gom xử lý nước thải tập trung còn nhiều bất cập; rác thải sinh hoạt ở đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom và xử lý... Hầu hết các mục tiêu cụ thể về môi trường đến năm 2020 trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia chưa hoàn thành.
Tổng cục Môi trường là cơ quan ban hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa có cơ chế theo dõi, quản lý, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hình thức xử phạt bổ sung là chưa đảm bảo đầy đủ các quy định trong xử phạt vi phạm hành chính.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Krông Nô (Đắk Nông) là một huyện thuần nông với thổ nhưỡng màu mỡ và điều kiện tự nhiên ưu đãi, đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Nô đã nỗ lực không ngừng, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, khẳng định vị thế phát triển của địa phương.
(Thanh tra) - Chiều 14/4, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp để triển khai một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Văn Thanh
T. Minh
Văn Thanh
Văn Thanh
Hương Giang
Văn Thanh
Thuỳ Linh
Việt Tùng
Quang Dân
PV
Thanh Nhung
Ngọc Diễm
Hà Anh
Bùi Bình
PV