Kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư tại Bộ VHTTDL cho thấy, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh tại các thiết chế thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa với nhiều hình thức phong phú đa dạng thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt các câu lạc bộ, hội thi, hội diễn…

Hoạt động thông tin, tuyên truyền kết hợp truyền thông vận động, tổ chức các sự kiện văn hóa, lồng ghép tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các hoạt động; tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc - Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4); Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4); Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5); Tuần lễ Học tập suốt đời; Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương.

Cùng với sự đổi mới cách thức tổ chức tuyên truyền truyền thống, phát huy thế mạnh của khoa học công nghệ, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, với các hình thức chuyển đổi số như: tương tác online, giao lưu trực tuyến, tận dụng hiệu quả ưu thế các nền tảng mạng xã hội (Youtube, facebook, zalo…) để đưa các thông điệp tuyên truyền đến gần hơn với công chúng, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ trong thời đại số tạo được tính lan tỏa và sự tương tác đa chiều.

Các thư viện đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, phát huy nguồn lực thông tin tư liệu hiện có, làm mới các dịch vụ truyền thống, mở rộng các dịch vụ mới. Các hoạt động khuyến đọc và phục vụ học tập suốt đời của thư viện đã góp phần nâng cao, đổi mới chất lượng giáo dục, hỗ trợ quá trình tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên.

Nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc và phục vụ học tập suốt đời trong thư viện trường học đã được sáng tạo và nhân rộng ở nhiều nơi như: Thư viện thân thiện, thư viện xanh, tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh...

Tại các cơ sở giáo dục đại học, các hoạt động khuyến đọc đã được quan tâm phát triển, công tác thư viện được xác định là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ đạt chuẩn của các trường.

Tại hệ thống bảo tàng, công tác tổ chức và thực hiện giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng đang dần trở thành một trong những hoạt động mang tính chủ lực để thu hút khách tham quan, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên.

Điểm nổi bật là tại các trung tâm văn hóa đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo đa dạng về loại hình, cách thức thể hiện, phương thức tổ chức.

Cụ thể, các trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã đã được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy trong công tác duy trì, tổ chức biểu diễn văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động thường xuyên, từng bước mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí, nâng cao thể lực, sức khỏe, phát triển thể chất của người dân.

Các nhà văn hóa - khu thể thao thôn có nội dung hoạt động đa dạng phong phú, gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng, là nơi sinh hoạt chính trị - xã hội.

Đã có một số mô hình, cách làm hay trong tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của ngành VHTTDL. Cụ thể, trong hệ thống thư viện đã có mô hình Không gian chia sẻ S.hub tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, mô hình xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức”; trong hệ thống bảo tàng có mô hình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trong những năm qua, Bộ VHTTDL luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Văn hóa nói chung và cán bộ làm công tác thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa nói riêng.

Bên cạnh các chương trình tập huấn trong nước, hằng năm căn cứ chương trình hợp tác với các nước, Bộ VHTTDL phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cử người làm công tác thư viện, bảo tàng tham dự các lớp tập huấn, các cuộc họp thường niên, hội nghị, hội thảo… ngắn ngày tại các nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cần được khắc phục, như: Nhận thức của lãnh đạo một số địa phương/Bộ, ngành và người dân về vai trò của các thiết chế văn hóa đối với xã hội và đối với việc xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy học tập suốt đời còn hạn chế.

Hoạt động đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa tại các địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức nhất là các thiết chế ở cấp huyện và cấp xã; kinh phí triển khai các hoạt động học tập chưa được bố trí riêng, độc lập, phải lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ chính trị khác của địa phương;….

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đề nghị, Bộ VHTTDL cần phối hợp với các lực lượng trong xã hội để làm văn hóa, làm khuyến học tốt hơn.

Đặc biệt, cần chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức đoàn thể thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các đảng viên về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, để mỗi đảng viên trở thành công dân hiếu học, mỗi gia đình đảng viên trở thành gia đình hiếu học.

 

Thái Hải