Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lễ Tu Su: Nét văn hóa độc đáo của người Mông Mù Cang Chải

Bùi Bình

Thứ hai, 12/08/2024 - 21:36

(Thanh tra) - Tu Su, hay Dù Tầu là nghi lễ truyền thống của nhiều dòng họ người Mông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đây là nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng dòng họ, cầu bình an cho một năm mưa thuận gió hòa.

Chủ lễ làm lễ Tu Su trong nhà. Ảnh: A Lù

Lễ Tu Su thường được các dòng họ tổ chức vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9 Âm lịch hàng năm, là phong tục được truyền lại từ bao đời nay, nghi lễ có ý nghĩa xua đuổi cái xấu, cái gở, tránh sự đổ máu, để người người, nhà nhà trong dòng họ được thuận lợi trong làm ăn cũng như an toàn khi sử dụng các công cụ lao động…

Theo tích kể lại, ngày xưa, khi người Mông khai hoang ruộng nương, vườn tược, hoặc phụ nữ sau sinh thường xuất hiện tình trạng xuất huyết, vì vậy, người dân đã tổ chức lễ Tu Su để xua bà Su Tờ, Su San đi, tức là những cái xấu liên quan đến máu và lửa đi về nơi tận cùng của trời đất, từ đó người Mông không còn gặp cản trở của những cái xấu, cái gở, bị thương và yên tâm làm ăn phát triển tại các vùng đất.

Anh Sùng Tồng Chư, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Tu Su là phong tục truyền thống được các thế hệ cha ông để lại từ nhiều đời nay nên chúng tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho con cháu và cứ đến tháng 7 Âm lịch hàng năm (có thể là ngày 17 hoặc 27 trong tháng) dòng họ nhà tôi dù ở xã nào hay bản nào lại chuẩn bị các điều kiện để làm lễ Tu Su với mong muốn con cháu thuận hòa, dòng tộc đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, làm ăn phát đạt, bình an trên mọi nẻo đường, không bệnh tật, không ốm đau…”.

Cũng giống như các dòng họ khác trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, để tổ chức lễ Tu Su, dòng họ Sùng bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang phải đăng ký và chuẩn bị thực phẩm cùng 1 số vật dụng dùng trong lễ chính. Cứ 3 năm 1 lần cả họ phải mời thầy cúng làm lễ, trong lễ cũng phải có đầy đủ chủ nhà của các hộ và có sự đóng góp như gà hoặc tiền.

Ông Sùng A Pảng, bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang cho biết, đối với người Mông thì mỗi năm chỉ làm một lần lễ Tu Su, vào ngày lễ chính, mỗi hộ trong dòng họ phải chuẩn bị 3 cây lâu, 3 cuộn chỉ màu cùng các mảnh vải được xé từ quần hoặc áo của các thành viên trong gia đình buộc lại vào 3 cây lâu.

Các chủ hộ trong dòng họ buộc chung bó lâu vào cây đơn châu chấu. Ảnh: A Lù

Khi đến dự lễ, các chủ hộ đều mang theo cây lâu tượng trưng cho những điều không may mắn của gia đình, để buộc chung với cả họ thành bó và được buộc vào cây đơn châu chấu mà người Mông gọi là "cây Giàng".

Bước vào làm lễ trong gia đình, chủ lễ sẽ ngồi gian giữa nhà, trên vai vác cây đơn châu chấu đã được buộc bó lâu của cả họ và tay cầm sàng, trong sàng là các hạt ngô có màu đỏ, màu trắng lẫn lộn.

Chủ lễ vừa đọc thần chú, tay vừa đảo hạt ngô, nội dung câu thần chú chủ yếu là thách thức bà Su xuất hiện để đuổi bà Su đi mãi theo phương mặt trời lặn. Để bà Su không làm phiền đến cuộc sống của gia chủ, để gia chủ luôn gặp may mắn, ngô, gạo đầy nhà và không ai bị bệnh tật, cái xấu, cái gở theo bà Su đi.

Sau khi phần lễ trong nhà kết thúc mọi người trong dòng họ sẽ đi theo chủ lễ ra đàn sau nhà cùng đứng thành nhóm. Thầy bắt đầu đọc thần chú mắng chửi bà Su, cùng với đó, là kéo cuộn chỉ đã được nối do các hộ trong dòng họ mang đến, mỗi sợi có màu sắc khác nhau tượng trưng cho đàn ông, phụ nữ, con cháu trong dòng họ.

Chủ lễ vác cây đơn châu chấu đi quanh  các thành viên trong họ. Ảnh: A Lù

Cuộn chỉ được quấn quanh nhóm người có ý nghĩa bảo vệ họ khỏi những điều không may mắn và sự gắn kết giữa cộng đồng, dòng họ. Vừa đi quanh nhóm người, thầy chủ lễ vừa đọc thần chú và tùy vào từng dòng họ mà có thể đi từ 3 vòng, 6 vòng, 9 vòng quanh nhóm người, lúc này câu thần chú nhắn đuổi bà Su mang theo những cái xấu, cái gở, bệnh tật của cả họ đi về hướng mặt trời lặn.

Xong các vòng, chủ lễ sẽ dùng dao chặt đứt bó lâu được buộc vào cây đơn châu chấu, với ý nghĩa những điều không hay, cái xấu, cái gở trong thời gian qua đã được loại bỏ, sẽ bắt đầu với những điều tốt lành, đồng thời lúc này người dùng nỏ sẽ bắn mũi tên có treo vải đỏ theo hướng mặt trời lặn để thể hiện sự thành công của buổi lễ.

Ông Giàng Xấu Mùa, bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang cho biết, cây nỏ là thứ không thể thiếu trong lễ Tu Su bởi người Mông coi cây nỏ là vật dụng giúp xua đuổi đi cái xấu, cái ác, tà ma… việc bắn mũi tên có treo vải đỏ thể hiện rằng mọi cái không may mắn đều theo mũi tên bay về phía mặt trời lặn và người bắn mũi tên phải là người khác họ.

Nghi thức bắn mũi tên có treo vải đỏ theo hướng mặt trời lặn. Ảnh: A Lù

Phần kết thúc, chủ lễ sẽ đặt con dao phát cùng cây đơn châu chấu được buộc bó lâu vừa bị cắt xuống đất, lưỡi dao hướng lên trời, người cầm nỏ đứng đối diện với chủ lễ và giơ cây nỏ lên, rồi lần lượt từng người trong dòng họ bước qua để vào nhà.

Khi mọi người đi hết cũng là lúc bình minh đang lên, cả họ sẽ cử từ 2 - 3 người mang cây đơn châu chấu được buộc bó lâu và hũ đất làm cúng từ tối hôm trước đi giấu và bắt buộc phải giấu phía mặt trời lặn.

Sau đó, cả họ dùng bữa cơm đoàn viên, lúc này những câu chuyện của ngày hôm qua và những gì không may mắn đã xảy ra đều không được ai nhắc đến. Họ tự hiểu ngầm với nhau rằng đó là chuyện của quá khứ và những điều không tốt đẹp đã được mang đi theo ánh mặt trời lặn. Mọi người ngồi quây quần bên nhau cùng nói về tương lai với những dự định để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Anh Sùng A Ninh, bản Cung 11, xã Mồ Dề cho biết, lễ Tu Su của dân tộc Mông là nghi lễ có tính tâm linh mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng, tộc người, đây là nhu cầu tâm linh của người dân trong một dòng họ trước vòng quay tuần hoàn của thiên nhiên, là niềm tin sâu đậm của con người trước những bí ẩn của thiên nhiên với mong muốn được giải hạn và cầu sự may mắn cho từng cá nhân trong gia đình, dòng họ.

Buổi lễ là dịp tập trung, củng cố mối quan hệ cộng đồng trong dòng họ, là thông điệp chung gửi tới tổ tiên, thần linh cầu mong sự may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho gia đình, dòng họ sức khỏe dồi dào để lao động, tăng gia sản xuất và tăng cường sự đoàn kết của mỗi cá nhân, gia đình trong dòng họ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đón đọc ấn phẩm đặc biệt Thanh tra Xuân Ất Tỵ 2025

Đón đọc ấn phẩm đặc biệt Thanh tra Xuân Ất Tỵ 2025

(Thanh tra) - Đón chào năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt nền tảng vững chắc để đất nước bứt phá, ấn phẩm Thanh tra Xuân Ất Tỵ gồm 80 trang nội dung, đánh dấu chặng đường 80 năm vẻ vang của ngành Thanh tra Việt Nam, với những bài viết tập trung vào các vấn đề quan trọng, khẳng định Việt Nam đủ thế và lực bước vào kỷ nguyên mới.

TKBT

13:23 15/01/2025
Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'

Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'

Tác giả Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8, có tựa đề: 'Bóng Tình' với một sự cảm nhận về nhân tình thế thái, mối giao hòa cảm xúc giữa con người với con người, con người với cỏ cây hoa lá, con người với trời đất bao la mênh mông của vũ trụ...

Theo Minh Trang/PLVN

12:57 14/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm