Ngôi làng của những “con giống bột”
Những ngày cuối năm đang dần trôi, đi đâu cũng thấy không khí Tết len lỏi qua từng căn nhà, khu phố. Đến với làng Xuân La vào thời điểm này, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân nơi đây đang thổi hồn Tết vào trong những hình thù dung dị, gần gũi.
Tại làng nghề truyền thống nặn tò he nổi tiếng và duy nhất ở Việt Nam, dường như nét văn hoá độc đáo đã ngấm vào đất, vào nước, vào máu mỗi người dân nơi đây. Từ những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1, đều mang trong mình niềm say mê, hứng khởi với những “con giống bột”.
Bằng khối óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân đã thổi hồn vào những thúng bột nếp ngũ sắc vô tri vô giác, biến chúng thành những con tò he có hồn cốt với đủ hình thù phong phú, truyền thống, từ các nhân vật cổ tích, những con cá chép cong mình vượt vũ môn, chú trâu thong dong gặm cỏ hay hình tượng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, đến các hình thù đặc biệt hơn, mang đậm dấu ấn cá nhân hơn. Những món đồ chơi dân gian ấy không chỉ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ, mà còn có sức hấp dẫn rất riêng với du khách quốc tế.
Giữa những biến thiên của thời cuộc và sự “nhập khẩu” ào ạt các loại đồ chơi hiện đại, đã có lúc các “con giống bột” trở nên lép vế trước những cô búp bê xinh đẹp, váy áo lộng lẫy, ấn công tắc là hát múa cả ngày; hay những cỗ xe đồ chơi đủ màu sắc, kiểu dáng có thể điều khiển từ xa, có thể bay lên không trung hoặc chạy khắp xóm theo ý thích các bé.
Không đành lòng “khoanh tay đứng nhìn” khi nghề truyền thống của cha ông đang dần mai một, những nghệ nhân tâm huyết với nghề, cùng với sự góp sức của chính quyền địa phương đã tìm mọi cách để khôi phục văn hoá dân gian tò he. Năm 2009, Câu lạc bộ (CLB) Làng nghề truyền thống tò he Xuân La được thành lập nhằm mục đích bảo tồn và phát triển làng nghề. Đây cũng được coi là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự trở lại của tò he trong cuộc đua tìm lại chỗ đứng trong thị trường đồ chơi Việt.
Vào Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, với ước nguyện đóng góp những sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa cũng như lan toả nét đẹp văn hoá tò he đến đại chúng, những người thợ Xuân La đã mang đến ba sản phẩm tò he kỉ lục bao gồm một con rồng thời Lý dài 3km nặng 300kg, một con rùa dài 1,3m nặng 250kg và một mâm ngũ quả đường kính 1m nặng 25kg. Các sản phẩm cũng đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng Cúp Kỷ lục về làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất tại Việt Nam.
Nghệ nhân miệt mài gìn giữ tinh tuý của nghề
Làng nghề tò he Xuân La là cái nôi sản sinh và hội tụ những nghệ nhân tò he hàng đầu đất nước. Trong số đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành (44 tuổi) là một trong số ít những thợ nặn gạo cội luôn đau đáu nỗi niềm lưu giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình.
Trong không khí Tết Nguyên đán đang đến gần, tại căn nhà nhỏ của mình, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thành tất bật ngày đêm chuẩn bị cho những đơn hàng theo yêu cầu của khách. Anh chia sẻ, vào mỗi dịp lễ, Tết, những sản phẩm tò he sặc sỡ, ngộ nghĩnh của làng Xuân La thực sự trở thành một món quà tinh thần khơi gợi những cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống, ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Thành đã có cơ hội tiếp xúc và bén duyên với những con giống bột. Thừa hưởng sự khéo léo từ ông và cha mình, cùng với năng khiếu trời ban, đến năm 15 tuổi, chàng trai trẻ đã tự mình kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ việc nặn tò he. Đến khi trở thành sinh viên đại học, sau những buổi sáng lên giảng đường, chiều chiều, trên chiếc xe đạp cũ, anh rong ruổi khắp các con phố Hà Nội, mang tò he đến với mọi người. Tốt nghiệp đại học, anh quyết định về làng, tiếp tục con đường gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống của quê hương mình.
Vào năm 2015, anh đã được Nhà nước công nhận Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhờ những đóng góp của mình với nghề truyền thống của quê hương.
Trong năm 2022, một niềm vui lớn lại đến với nghệ nhân Nguyễn Văn Thành khi anh vinh dự có tên trong danh sách Nghệ nhân Nhân dân.
Nhìn lại chặng đường một thập kỷ giữ chức vụ Chủ tịch CLB Làng nghề truyền thống tò he Xuân La, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của anh Thành trong việc bảo tồn và phát triển nét văn hoá dân gian. Trong quá trình hoạt động, CLB Tò he Xuân La đã tổ chức 4 hội thi nặn tò he mang tầm cỡ thành phố, thu hút được sự quan tâm lớn của các ban, ngành, giới truyền thông và đông đảo công chúng. Đặc biệt, CLB đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho nhiều nghệ nhân, trở thành cộng đồng lớn mạnh và uy tín của nghề.
Đưa nét văn hoá dân gian tò he vào trong học đường
Anh Thành tâm sự: “Tò he là một bộ môn giúp người nặn rèn luyện được nhiều tính tốt như kiên trì, nhẫn nại, tỉ mỉ, nuôi dưỡng thêm trí tưởng tượng phong phú và bồi đắp thêm đôi bàn tay khéo léo”. Từ đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đã loé lên ý tưởng đưa bộ môn tò he vào giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, đại học trên địa bàn Hà Nội.
Đi tiên phong là đi trước mọi người, là đi vào một con đường chưa được khai thông mở lối, ắt phải gặp nhiều khó khăn, thử thách. Bằng lòng nhiệt huyết với nghề và một tinh thần không bỏ cuộc, anh Thành đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều trường học và đông đảo học sinh. Chơi, học nặn tò he đã rèn cho các em sự tập trung, quan sát, tìm tòi, đánh giá các khía cạnh của một vật thể, đối tượng; đồng thời bồi dưỡng tình yêu của trẻ với trò chơi dân gian độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, anh đang là giáo viên phụ trách bộ môn tò he tại Trung tâm Phát triển giáo dục và nghệ thuật STS Việt Nam, chịu trách nhiệm “truyền lửa” cho các thế hệ học trò thuộc Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Việt Nam, các sinh viên nước ngoài tại Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trăn trở tìm hướng đi mới cho tò he
Nặng lòng với nghề tò he truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành luôn trăn trở nỗi niềm khôi phục vị thế của tò he trong bản đồ văn hoá Việt, và xa hơn là hiện thực hoá khát vọng xuất khẩu tò he ra thị trường quốc tế.
Hiểu rõ hạn chế của sản phẩm là thời hạn sử dụng và bảo quản tò he rất ngắn (7 đến 15 ngày), đây cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến tò he khó “xuất khẩu”, nhiều năm qua anh Thành và các nghệ nhân tại làng tò he Xuân La đã không ngừng thử nghiệm, tìm kiếm những chất liệu mới thay cho bột gạo nếp. Và khát vọng mang tò he ra thế giới của anh cùng đồng nghiệp đã từng bước thành hình khi họ tìm được nguồn nguyên liệu có thể bảo quản tò he trong thời hạn vài năm.
Với Nguyễn Văn Thành, những việc anh đã, đang và sẽ làm không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm của một nghệ nhân trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông.