Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND tỉnh An Giang lập hồ sơ khoa học Khu di tích theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Nền văn hóa cổ Óc Eo được phát hiện lần đầu qua các di chỉ ở núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng Nam Bộ, niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 7.

Nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret qua nghiên cứu không ảnh đã xác định được dấu vết của thành phố cổ Óc Eo. Qua khai quật khảo cổ, ông Louis Malleret cũng đã xác định được vòng thành cổ và nhận định, đây là một đô thị cổ, hay còn gọi là thị cảng Óc Eo. Tên gọi Óc Eo được ông Louis Malleret đặt theo tên địa điểm gò Óc Eo ở huyện Thoại Sơn (An Giang), khi di tích này được phát hiện và công bố năm 1942.

Ngoài phân bố trên địa bàn huyện Thoại Sơn, di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo còn được phát hiện trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và một số huyện, thị trong tỉnh.

Các di vật, di chỉ của nền văn hóa Óc Eo được khai quật hết sức phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu. Nhiều loại hình của nền văn hóa Óc Eo như tôn giáo, cư trú, kiến trúc, mộ táng, đặc biệt là các di tích kênh đào cổ, đường nước cổ, lung cổ… đã dần thấy được rõ nét hơn về diện mạo của nền văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, di tích kiến trúc trong văn hóa Óc Eo gồm di tích cư trú, kiến trúc đền tháp và mộ táng. Vật liệu xây dựng gồm gỗ, gạch, đá: dấu tích các cọc nhà sàn và một số cấu kiện trang trí hoa văn, phế tích hay nền móng đền tháp thờ hoặc đền tháp-mộ táng. Gỗ và đá là nguyên vật liệu cư dân bản địa quen dùng từ thời tiền sử còn gạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật cuả Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Vật liệu đá có kích thước rất lớn, tham gia vào các công trình là bộ phận của kiến trúc chứ không chỉ là các chi tiết trang trí, được lắp ghép - kết nối bằng kỹ thuật chốt mộng. Hầu hết phế tích cho biết đây là đền tháp theo kiểu Ấn Độ có bình đồ hình vuông, nền móng dày đến hơn 1m xây bằng gạch, đất sét và đá sỏi để có thể chịu lực cuả công trình đồ sộ bên trên. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được loại hình mộ táng mà trước đây các học giả Pháp chưa biết đến. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng cuả Bàlamôn hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tuỳ táng khác.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó, di tích Óc Eo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích quốc gia với 3 cụm di tích gồm Di tích kiến trúc nghệ thuật Hai bia đá và tượng Phật bốn tay được xếp hạng năm 1988, cùng hai di tích khảo cổ Nam Linh Sơn tự và Gò Cây Thị được xếp hạng năm 2002.

Kể từ sau năm 1975, hàng loạt chương trình nghiên cứu được giới khảo cổ học Việt Nam triển khai liên quan đến văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần đem lại những nhận thức mới, ngày càng đầy đủ hơn về đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân cổ từng khai phá vùng đất này trong quá khứ. Vai trò của văn hóa Óc Eo được giới nghiên cứu đánh giá rất quan trọng trong việc hình thành các quốc gia cổ đại vào những thế kỷ đầu Công nguyên trên vùng đất Nam Bộ.

Gần đây, trong giai đoạn từ cuối thập niên 1990 cho đến năm 2011, nhiều chương trình nghiên cứu từ kinh phí địa phương, hợp tác quốc tế được tiến hành tại Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê. Kết quả bước đầu đã dần tái hiện diện mạo cơ bản của đô thị cổ với các kiến trúc tôn giáo và di tích cư trú, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát huy giá trị di sản văn hóa. Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào tháng 9/2012.