Quà đất liền ấm lòng lính đảo

Sau hơn 2 ngày đêm hải trình “ngụp lặn” trong sóng gió, sáng 12/1, bốn con tàu 561, 571, KN490, KN491 của Vùng 4 Hải quân và Chi đội Kiểm ngư số 4 đã đến Trường Sa và bắt đầu chuyển hàng quà xuân của đất liền cho cán bộ chiến sĩ.

Có mặt tại cầu cảng Trường Sa lớn đón chuyến tàu chở đầy ắp mùa Xuân từ đất liền có hàng trăm cán bộ chiến sĩ và ngư dân trên đảo. Những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm thắm tình đồng đội như truyền hơi ấm đất liền tới đảo xa. Không khí mùa Xuân tràn ngập trong trái tim của những người lính đảo.

leftcenterrightdel
Bộ đội Hải quân Vùng 4 chuyển quà Tết của nhân dân gửi tặng ra Trường Sa. Ảnh: Đức Thu 

Lần đầu tiên đón Tết cùng cán bộ chiến sĩ ở đảo Trường Sa lớn trên cương vị là người chỉ huy cao nhất của đảo, trong tim Trung tá Trần Văn Quyển chen lẫn niềm vui là hồi hộp, thổn thức. Khi nhận được điện báo từ đất liền chuyến tàu chở quà Xuân ra Trường Sa, có đêm anh không ngủ. Trong lòng người “lính già” vừa vui mừng đón nhận được quà Xuân của đất liền gửi tặng, vừa lo chuyến tàu hải trình cập cảng chuyển quà vào đảo an toàn hay không.

“Mấy ngày qua cán bộ chiến sĩ Trường Sa thấp thỏm chờ đợi. Vượt lên trên những phần quà của nhân dân cả nước gửi tặng bộ đội Trường Sa là nghĩa cử, sự quan tâm, đùm bọc, tình cảm, hơi ấm đất liền. Những phần quà ấy sẽ giúp cán bộ chiến sĩ chúng tôi thêm vững vàng tay súng canh trời giữ biển đảo yên bình cho nhân dân cả nước đón Tết bình yên” - Trung tá Quyển, chia sẻ.

Tết Tân Sửu 2021, ngoài quà Tết của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đón quân còn nhận hàng chục tấn hàng, quà của nhân dân cả nước gửi tặng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong, Trưởng ban Quân nhu, Phòng Hậu cần Lữ đoàn 146 Vùng 4, mỗi đảo nổi như Trường Sa lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca sẽ nhận được 6-8 con lợn, mỗi con từ 90-100 kg; đảo chìm 1-2 con (tùy theo số lượng cán bộ chiến sĩ -PV).

Những mặt hàng quà Tết như gạo nếp, đỗ xanh, thịt bò, gà, giò lụa, giò bò, miến dong, măng khô, bánh kẹo mỗi đảo được bảo đảm đầy đủ theo qui định. “Mặc dù trong điều kiện cả nước đang phòng chống dịch covid-19 gặp nhiều khó khăn, song cán bộ chiến sĩ Trường Sa vẫn nhận được quà Xuân của nhân dân cả nước. Đây là tình cảm đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của nhân dân đối với bộ đội đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc mỗi khi Xuân về Tết đến. Tình cảm của đất liền nguồn cổ vũ động viên cán bộ chiến sĩ Trường Sa thêm vững tay lái, chắc tay súng canh chủ quyền biển đảo”, Thiếu tá Phong, nói.

Tâm sự lính trẻ lần đầu đón Tết xa quê

Trên bốn chuyến tàu  561, 571, KN490 và KN491 của Vùng 4 Hải quân và Chi đội Kiểm ngư số 4 hải trình ra Trường Sa mùa Xuân 2021, có hơn 100 cán bộ chiến sĩ ra đảo thay trực cho đồng đội khác về bờ. Có sĩ quan đeo hàm trung tá, thiếu tá, đại úy thêm một lần nữa xuống tàu ra đảo đón Tết giữa đại dương; nhưng cũng có nhiều chiến sĩ trẻ lần đầu tiên đón Tết xa đất liền. Mỗi người ra đi từ một miền quê khác nhau, một điều kiện, hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng đều có chung một bản lĩnh là ra Trường Sa để cống hiến phục vụ Tổ quốc và sao xuyến tâm tư khi Tết đến Xuân về.

Chia tay đồng đội và người thân trước khi xuống tàu ra Trường Sa lớn để “thỏa chí đời trai trẻ”, trong lồng ngực của Thiếu tá Hoàng Văn Mãn (Lữ đoàn 146) xốn xang xúc động. Dẫu vẫn hiểu sẽ gặp nhiều khó khăn, gian khổ, sóng to gió lớn khi con tàu lướt sóng ra khơi, nhưng chàng sĩ quan trẻ không coi đó là trở ngại, ngược lại đó là niềm tự hào và lý tưởng được cống hiến cho biển đảo quê hương.

“Đây là chuyến biển đầu tiên của tôi. Cảm xúc rất khó tả lúc bước chân xuống tàu khi mùa Xuân đang về. Ra đảo chắc chắn sẽ nhớ đất liền lắm, nhưng tôi cảm thấy tự hào vì được đi Trường Sa. Là sĩ quan trẻ, được cống hiến sức lực cho đơn vị, Tổ quốc là kiêu hãnh rồi. Tôi sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Thiếu tá Mãn tự hào nói.

Được biên chế ra đảo Nam Yết làm nhiệm vụ khi xuân về Tết đến, Trung sỹ Võ Hoàng Phúc coi chuyến đi biển này là “cuộc thử sức” của đời lính trẻ. Phúc bảo: “Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Là người lính thì dù nhận nhiệm vụ gì cũng cố gắng hoàn thành. Càng ở nơi khó khăn gian khổ, càng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Với em chuyến đi này như một “cuộc thử sức” của đời lính. Chăc chắn em sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

leftcenterrightdel
Giờ tạm biệt đất liền. Ảnh: Mai Thắng 

Đồng hành ra “quần đảo bão tố” khi Xuân Tân sửu đang tràn về, Hạ sĩ Võ Văn Quốc ra đi từ Lữ đoàn 146 hải quân được biên chế ra đảo Sinh Tồn. Bỡ ngỡ và tự hào, là tâm  thế của cậu lính “tò te” 19 tuổi đời tròn một năm tuổi quân này: “Chuyến đi này đầy ắp cảm xúc. Em chưa biết đảo Sinh Tồn như thế nào, nhưng chắc chắn một điều là em sẽ phấn đấu rèn luyện thật tốt để hoàn thành mọi nhiệm vụ”- Quốc chia sẻ.

Còn chàng Thượng úy Nguyễn Đắc Đức ra đảo Tốc Tan C làm nhiệm vụ, niềm vui cũng tràn ắp trong tim: “Đây cũng là lần đầu tiên tôi sẽ đón Tết trên đảo, cảm xúc rất khó tả. Là một sỹ quan trẻ, bản thân tôi và các đồng đội luôn kiên định lập trường, tư tưởng vững vàng, bản lĩnh ý chí, quyết tâm cao để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Trường Sa”.

Cảm xúc mùa xuân hòa cùng biển đảo

Chỉ huy bốn con tàu ra Trường Sa là bốn sĩ quan trẻ. Họ được coi là “tư lệnh” có nhiệm vụ đặc biệt chở mùa Xuân từ đất liền ra đảo và chuyển quà Tết đến tận tay cán bộ chiến sĩ ở 33 điểm đóng quân.

Lần đầu tiên chở gần 100 cán bộ chiến sĩ, phóng viên báo chí và quà Tết ra Trường Sa, Thiếu tá Lê Văn Chung, Thuyền trưởng tàu 490 chen lẫn niềm vui là những băn khoăn lo lắng: “Sóng to gió lớn là những bất lợi nhất khi tàu hải trình đi Trường Sa. Nhưng dù khó khăn gian khổ, sóng gió mức nào, hàng quà Tết sẽ được chuyển đến tận tay cán bộ chiến sĩ. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ đặc biệt. Chuyến tàu lần này là chở niềm tin của nhân dân cả nước đến Trường Sa. Say sóng là điều không tránh khỏi đối với cán bộ chiến sĩ phóng viên lần đầu đi biển. Nhưng đó cũng chính là “cảm xúc”, sự cảm nhận của mỗi người hòa cùng biển cả của mùa xuân mới đang đến gần” - Thiếu tá Chung giãi bày.

leftcenterrightdel

Chuyển quà Tết xuống xuồng chuyển tải đem vào đảo Sinh Tồn. Ảnh: Mai Thắng

Thiếu tá Chung cho biết thêm, ngay sau khi tàu rời cảng Cam Ranh đã gặp sóng to gió lớn. Những con sóng lừng lững ập vào mạn tàu, nhiều người say sóng “ói lên ói xuống”. Do sóng to, gió lớn nên việc chuyển quà Tết vào đảo gặp nhiều khó khăn. Hàng quà Tết được bốc từ khoang tàu chuyển xuống xuống chuyển tải rồi chuyển vào đảo chìm. Các đảo có cầu cảng lớn như Trường Sa lớn, tàu sẽ cập mạn. Mỗi điểm đảo chuyển hàng quà Tết, tàu sẽ dừng đủ thời gian để các phóng viên báo chí tác nghiệp và đón Tết sớm với cán bộ chiến sĩ. Dự kiến toàn chuyến hải trình khoảng 10-15 ngày.

Mùa Xuân đã về trong tim những người lính đảo. Ở giữa ngàn khơi bão tố ấy, các anh đang vững vàng tay súng, trực canh quan sát, nêu cao cảnh giác với những con tàu “không mời mà đến”. Niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi biển đảo Trường Sa yên bình tuyệt đối, và nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đón Tết Tân Sửu yên bình.

“Đây là chuyến biển đầu tiên của tôi. Cảm xúc rất khó tả lúc bước chân xuống tàu khi mùa Xuân đang về. Ra đảo chắc chắn sẽ nhớ đất liền lắm, nhưng tôi cảm thấy tự hào vì được đi Trường Sa. Là sĩ quan trẻ, được cống hiến sức lực cho đơn vị, Tổ quốc là kiêu hãnh rồi. Tôi sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Thiếu tá Mãn, tự hào. 
Mai Thắng