Tăng tốc chuyển đổi thuê bao 2G sang thuê bao 4G

Về việc chuyển đổi thuê bao 2G only sang thuê bao 4G, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện các nhà mạng di động vẫn đang hết sức nỗ lực để chuyển đổi thuê bao 2G only. Tính đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G only. So với tháng 7/2024, số thuê bao 2G only giảm hơn 5,3 triệu thuê bao. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động để thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G theo Thông tư số 03, Thông tư 04 về quy hoạch các băng tần số.

"Hiện nay, trong giai đoạn "nước rút" các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G only còn lại trên mạng như sau: Hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G phím bấm. Các nhà mạng đều đã chuẩn bị máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (100% kinh phí) cho các thuê bao 2G only của mình", ông Nhã thông tin.

Bên cạnh việc truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà mạng đẩy mạnh thực hiện truyền thông trực tiếp tới khách hàng, đồng thời tăng tần suất truyền thông, thông qua các hình thức: Gọi điện, nhắn tin SMS, thông báo nhà chờ cuộc gọi, phát IVR kèm cuộc gọi, Call Bot về các chương trình hỗ trợ chuyển đổi của doanh nghiệp và hướng dẫn khách hàng đổi máy. Các nhà mạng thực hiện truyền thông thông qua hệ thống truyền thông cơ sở (loa truyền thanh xã, phường) để cung cấp thông tin đến từng khách hàng. 

Để triển khai hiệu quả đến người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số doanh nghiệp di động còn thực hiện chiến dịch chuyển đổi tại tất cả các xã, phường, huy động toàn bộ lực lượng nhân viên tại tỉnh, thành phố tiếp xúc với khách hàng 2G đến từng nhà của thuê bao.

Tương lai nào cho công nghệ 6G tại Việt Nam?

Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT) đã từng bước làm chủ được công nghệ vô tuyến, theo chu kỳ của công nghệ là 10 năm thì dự kiến 6G sẽ thương mại hóa vào năm 2030; hiện tại các nước đang nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, các điều kiện triển khai và ứng dụng 6G.

Việt Nam với mong muốn tham gia ngay từ đầu của giai đoạn này đã thành lập Ban Chỉ đạo Thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 6G), bao gồm: Công nghệ, tài nguyên, ứng dụng, thiết bị…

Tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-23 diễn ra tại UAE vào tháng 11/2023, đoàn Việt Nam đã đề xuất và được hội nghị thông qua việc Việt Nam quy hoạch hai băng tần 600MHz và 6GHz cho IMT (5G/6G) và hiện đang nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi bổ dung tại Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cụ thể việc quy hoạch băng tần trên 6GHz cho IMT/6G dựa trên hiện trạng trong nước, kết quả nghiên cứu của khu vực và dự kiến sẽ đề xuất tại hội nghị WRC-27 (dự kiến diễn ra vào năm 2027). Bộ Thông tin và Truyền thông có thể xem xét việc cấp phép băng tần cho công nghệ 6G vào năm 2028 trước khi thương mại hóa 6G.

Việt Nam hiện đang triển khai nghiên cứu một số công nghệ tiềm năng cho phát triển 6G như Cloud-based, Software-based và Open RAN… Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Nhóm Tiêu chuẩn 6G và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn công nghệ 6G, xem xét việc cử nhân sự/đơn vị tham gia các tổ chức quốc tế về chuẩn hóa và nghiên cứu 6G như ITU, 3GPP, O-RAN…

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xem xét giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo thiết bị 6G cho một số đơn vị có tiềm năng như Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và dự kiến triển khai thử nghiệm vào năm 2028.

Hoàng Nam