Ngày 20/5, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đã diễn ra Hội nghị “Công bố công trình nghiên cứu và định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025” và “Triển khai công tác quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nêu lên trăn trở về công tác định giá các công trình nghiên cứu khoa học: “Rất khó khăn trong vấn đề xác định, định nghĩa về tài sản cũng chưa rõ ràng, mơ hồ. Trách nhiệm của sở là phải tham mưu để định giá. Hiện nay không một đơn vị nào dám đứng ra định giá”.

Định giá các thiết bị, sản phẩm khoa học là một lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm nếu xuất hiện các cá nhân có thẩm quyền muốn trục lợi riêng thay vì phục vụ lợi ích cho Nhà nước và nhân dân.

Ông Việt Dũng nhấn mạnh, phải xác định làm nghiên cứu khoa học là một nghề chứ không phải làm thêm để kiếm tiền. Đầu tư cho khoa học công nghệ là làm cho cộng đồng, cho xã hội.

Về vấn đề thẩm định giá, TS Chu Thị Thủy Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Phải thông cảm cho người làm tài chính, một nghịch lý đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu khoa học là nếu sản phẩm A xác định giá là 1 đồng mà triển khai ứng dụng trên thị trường là 1 đồng là mình an toàn nhưng nếu triển khai thực tế là 10 đồng thì người ta sẽ bảo mình thất thoát”.

TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học khẳng định: “Phải tôn trọng các tính chất đặc thù của khoa học công nghệ. Nếu chúng ta cứ xem đầu tư cho khoa học 1 đồng sẽ lấy lại được mấy thì thực sự rất khó để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển. Dĩ nhiên tất cả mọi thứ phải nằm trong quy định”.

Thúy Nhi