8 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Kết luận nêu rõ, sau hơn 2 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã đạt được kết quả nhất định.
Trong đó, bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình được kiện toàn, thành lập kịp thời, đảm bảo về thành phần, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, hoạt động ổn định, phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, nhất là ở địa bàn khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm. Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các chương trình, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Tính đến ngày 31/10/2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 đã giải ngân là 417.757 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 272.231 triệu đồng, đạt 42,82% kế hoạch giao; vốn sự nghiệp là 145.526 triệu đồng, đạt 24,2% kế hoạch giao. Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình và các nguồn vốn khác toàn tỉnh đã có 08/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm.
Tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhóm giải pháp
Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện một số nội dung.
Giao UBND tỉnh chỉ đạo: Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng DTTS&MN; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, nhất là các vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn để đồng bào có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất từng bước nâng cao đời sống phối hợp với các cơ quan thường trực của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể nội dung liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở cho người dân trên địa bàn.
Yêu cầu đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông. Tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào DTTS&MN để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Nghiên cứu, tìm hiểu, học tập phát triển một số mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cây dược liệu, trồng cây bản địa, trồng các loại rau, củ, quả sạch, rau rừng đặc sản riêng của địa phương với quy mô lớn để cung cấp cho khách du lịch, thị trường các vùng lân cận. Tiếp tục nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích thành lập và phát triển các hợp tác xã, mô hình khởi nghiệp tại vùng đồng bào DTTS&MN.
Rà soát thực trạng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng gắn với hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn. Tiếp tục triển khai Đề án cứng hóa giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tập trung đầu tư cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các xã, đường liên xã, liên xóm, các tuyến đường nội đồng, đường đến các khu sản xuất, ưu tiên cho các tuyến đường kết nối với các khu vực có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư trước.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã vùng DTTS; thúc đẩy triển khai đầu tư cải tạo lưới điện, đảm bảo cung ứng điện một cách tốt nhất với chất lượng phục vụ ngày càng cao đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân; đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ tại các xã vùng DTTS nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; đầu tư hạ tầng phục vụ dạy và học; đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm y tế vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các DTTS trong tỉnh gắn với phát triển du lịch.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy khẩn trương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đánh giá cụ thể các công việc đã thực hiện, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Tỉnh ủy
Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tối đa sự tham gia, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân địa phương, tạo sự đồng thuận trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025; để kịp thời tháo gỡ các nội dung còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được giao kế hoạch năm 2022, 2023 và các năm tiếp theo. Tiếp tục đề xuất Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương đối với các nội dung chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hoặc còn bất cập để có cơ sở tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình cấp cơ sở và bộ máy giúp việc. Thực hiện phân công, phân nhiệm và công tác phối hợp phải rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Rà soát các chương trình, dự án thành phần thuộc Chương trình để điều chỉnh đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các huyện, thành phố; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư đấu thầu, để thi công các công trình, dự án đảm bảo tiến độ và kịp thời giải ngân vốn được giao, trước mắt phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao của Chương trình năm 2023 (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023); không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Tập trung huy động mọi nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, lồng ghép các Chương trình, dự án trên địa bàn để phát huy hiệu quả tổng hợp, đồng bộ từ các nguồn vốn; đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của từng chương trình, dự án. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách, theo hướng mở rộng đối tượng vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào; đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách để hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trong việc giám sát, phản biện quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đặc biệt là sự tham gia của người dân để hỗ trợ cho việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh./.