Như Báo Thanh tra đã đưa tin, việc thu hồi bến xe thực hiện theo Quyết định 2009 ngày 16/9/2020 về việc thu hồi đất dự án Bến xe Đức Trọng. Lý do thu hồi, chủ đầu tư là Công ty TNHH Trường Sơn Xanh (Công ty Trường Sơn Xanh) sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước cho thuê.

Vì sao vi phạm của ông Huỳnh Ngọc Bé chưa được xử lý?

Trong vụ việc thu hồi đất, vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ 31 hộ dân, là các tiểu thương đang sinh sống, kinh doanh tại đây (trước đây ông Huỳnh Ngọc Bé đã ký hợp đồng hợp tác xây dựng trái pháp luật với 31 hộ dân) và đơn vị kế thừa sau này là Công ty Trường Sơn Xanh cũng là nạn nhân (vì ông Bé hợp đồng trái pháp luật trên). Việc xử lý này chưa đúng người, cần sự thấu tình, đạt lý trong cách ứng xử, giải quyết của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Thanh tra tỉnh nêu tại Kết luận 03 ngày 11/1/2019: Sau khi được Công ty Trường Sơn Xanh bàn giao dự án, Công ty Gia Thành do ông Huỳnh Ngọc Bé làm Giám đốc đã tổ chức huy động vốn góp đầu tư dự án thông qua việc ký hợp đồng hợp tác xây dựng với các hộ dân theo hình thức các hộ dân tự bỏ vốn xây công trình, Công ty Gia Thành thu tiền theo hình thức thu tiền thuê đất một lần. Điều này là trái luật.

Thanh tra tỉnh còn nêu, sai phạm về thuế đối với việc chuyển nhượng vốn góp tại dự án. Cụ thể, chuyển nhượng vốn năm 2013 từ 6 thành viên góp vốn ban đầu vào Công ty Trường Sơn Xanh gồm các ông, bà: Lê Văn Tú, Lê Thành Công, Lê Thành Dũng, Lê Quốc Minh, Lưu Văn Thám và Nguyễn Thị Tứ cho ông Huỳnh Mẫn và ông Huỳnh Ngọc Bé. Qua làm việc, phía công ty không cung cấp được các hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Chuyển nhượng vốn năm 2014 từ 2 thành viên góp vốn trên cho 2 thành viên mới, nhưng qua hồ sơ của Cục Thuế không thể hiện có hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân của các cá nhân chuyển nhượng vốn tại công ty…

Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, trong đó ông Lê Văn Tú, nguyên Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh, thời kỳ 2008 - 2013, chịu trách nhiệm về việc không thực hiện dự án, chuyển giao dự án trái luật, để Công ty Gia Thành tự quản lý, quyết định các vấn đề của dự án.

Kết luận thanh tra còn nêu cụ thể trách nhiệm với các tồn tại sai phạm tại dự án: “Ông Huỳnh Ngọc Bé, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn Xanh, thời kỳ 2013 - 2016 chịu trách nhiệm sai phạm xảy ra liên quan đến việc nhận chuyển giao dự án, ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng và thu tiền thuê đất đối với các hộ gia đình, cá nhân trái luật; không thực hiện đúng quy định pháp luật về thuế, trật tự xây dựng; chưa nghiêm túc thực hiện các quyết định của cơ quan có thẩm quyền và chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh”.

Kết luận của thanh tra tỉnh là vậy, nhưng hiện nay tỉnh lại ra quyết định thu hồi bến xe của Công ty Trường Sơn Xanh (đơn vị kế thừa ông Bé), trong khi ông Bé vẫn không bị xử lý theo như kết luận thanh tra?

Trả lời vấn đề trên, ông Phạm S cho rằng: “Ông Bé sai thì Công ty Trường Sơn Xanh và 31 hộ dân phải chịu trách nhiệm dân sự trước pháp luật. Còn huyện không biết việc đấy”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói và cho biết, bây giờ cứ biết Công ty Trường Sơn Xanh thôi, còn Công ty Trường Sơn Xanh là ai, thế nào thì mổ xẻ sau.

Vậy quyền lợi của doanh nghiệp và người dân sẽ được xử lý như thế nào? Ông S cho biết thêm, dù cho người dân bị thiệt thì việc giải quyết hậu quả thiệt hại của người dân sẽ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm, bởi vì thời điểm đó ông Bé tự ý ký với người dân, không thông qua cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông S cũng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Đức Trọng xem xét từng trường hợp cụ thể của các tiểu thương, để đảm xử lý bảo lợi ích hài hòa cho người dân.

Được biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thu hồi Bến xe Đức Trọng, trong quyết định này không đề cập trách nhiệm của ông Bé và tỉnh cũng chưa có một văn bản nào thể hiện ông Bé phải chịu trách nhiệm (như kết luận Thanh tra tỉnh). Như vậy, việc thu hồi bến xe này, nạn nhân của ông Bé (như trên đã nêu), lại bị chịu “trận”, trong khi ông Bé vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Thu hồi Bến xe huyện Đức Trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng

Kết luận thanh tra cũng nêu, xét thấy dự án được chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án và đưa bến xe vào vận hành từ năm 2010. Theo đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Trường Sơn Xanh tiếp tục thực hiện dự án nhưng phải khắc phục các tồn tại, sai phạm, nếu không khắc phục thì tỉnh thu hồi.

Đặt câu hỏi với ông Phạm S, việc quyết định thu hồi đất của tỉnh “vênh” với nội dung nêu tại Kết luận 03 của Thanh tra tỉnh, trong khi thực tế, doanh nghiệp cũng đã và đang tiếp tục khắc phục sai phạm?

Ông Phạm S cho biết, việc thu hồi bến xe này là thực thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, “mặc dù tỉnh đã trình lên Thủ tướng để doanh nghiệp khắc phục tất cả, nhưng Thủ tướng không đồng ý”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.

Được biết, ngay sau khi tỉnh có văn bản thu hồi đất dự án bến xe, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp bàn giao đất cũng như “sổ hồng”, nếu không giao nộp sẽ ra quyết định hủy sổ.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc thu hồi đất mà Sở TN&MT thực hiện chỉ dựa trên căn cứ hành vi sai phạm của doanh nghiệp, còn nguyên nhân khách quan hay chủ quan dẫn đến sai phạm lại không thuộc chức năng của Sở.

“Để xảy ra việc 1.300m2 được bán cho các hộ dân thì đã được ký kết chuyển nhượng được thực hiện rất lâu rồi, nhưng theo Sở TN&MT thì đó là do 2 bên tự ký với nhau chứ không được hợp pháp hoá”, ông Tường nói.

Trước câu hỏi tại thời điểm chủ đầu tư thực hiện việc bán đất cho người dân thì cơ quan chức năng không biết, nhưng sau đó Sở Xây dựng, Sở TN&MT biết rõ, nhưng tại sao vẫn không xử lý, ông Tường cho biết, khi Sở phát hiện thì xử lý 1.300m2 tự ý chuyển đổi qua mục đích thương mại. Sự việc kéo dài tới 10 năm mà vẫn không xử lý do chính quyền địa phương buông lỏng trách nhiệm thanh tra, giám sát.

Vấn đề nữa, sự chậm trễ trong quá trình xử lý do cơ quan chức năng, nhưng hậu quả thiệt hại lại do đổ lên đầu người dân và doanh nghiệp, lãnh đạo Sở TN&MT không trả lời vấn đề này.

Về quyền lợi của 31 hộ dân đã trả tiền một lần để thuê đất, ông Tường cho biết, khi Sở trao đổi với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thì quan điểm của tỉnh là người dân và doanh nghiệp tự giải quyết.

Như vậy có thể thấy, trách nhiệm xử lý hậu quả các sai phạm tại dự án bến xe sẽ dồn về Công ty Trường Sơn Xanh với các lãnh đạo thời kỳ sau 2014 và 31 hộ dân ký hợp đồng thuê đất. Trong khi đó, những người gây ra sai phạm và phải chịu trách nhiệm như Thanh tra tỉnh nêu trên gồm lãnh đạo Công ty Gia Thành, Công ty Trường Sơn Xanh thời kỳ trước 2014 lại không bị xử lý?

Về phía Công ty Trường Sơn Xanh cho biết, vì những vấn đề trên, nên công ty đã tiến hành khởi kiện Quyết định 2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi đất.

Nghiêm Lan