Để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, cứu nạn trên biển sau cơn bão số 3, ngày 11/9, được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã trực tiếp khảo sát, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tại khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long bằng máy bay trực thăng.

Tại buổi khảo sát, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, các lực lượng tăng cường phối hợp, bố trí thêm nhân lực, phương tiện, mở rộng phạm vi tìm kiếm với quan điểm tiếp cận nhanh nhất các nạn nhân còn mắc kẹt.

Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long có nhiều đảo, bão về, tàu thuyền gặp nạn, các đảo, núi đá sẽ là nơi tránh trú tạm thời.

Bão số 3 đã qua được 5 ngày, trong những người gặp nạn rất có thể sẽ có người bị thương. Do vậy, cơ hội sống sót của những người gặp nạn sẽ kéo ngắn theo thời gian tìm kiếm. Vì thế, nhanh giây nào, phút nào là gia tăng thêm cơ hội sống sót giây đó, phút đó.

Để không bỏ sót, đặc biệt khu vực vùng biển rộng lớn, ông Cao Tường Huy yêu cầu, công tác tìm kiếm cần thực hiện bài bản, kỹ lưỡng, có kế hoạch và bản đồ khoanh vùng khu vực cụ thể đảm bảo không bỏ sót bất cứ vị trí nào; quyết tâm đưa toàn bộ người dân bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ.

leftcenterrightdel
 Công tác tìm kiếm từ trên cao được thực hiện bài bản, kỹ lưỡng. Ảnh: TTTT

“Nhân dân, đặc biệt ngư dân và các đội tàu hoạt động trên biển phối hợp, mở rộng phạm vi tìm kiếm, hỗ trợ người gặp nạn về bờ nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất”, ông Cao Tường Huy đề nghị.

Ngày thứ 5 cơn bão số 3 đi qua, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang rất tích cực, tập trung khắc phục hậu quả sau bão.

Theo thống kê, đến hết ngày 10/9, bão số 3 đã khiến 2.237 hộ dân bị ngập lụt, 70.587 nhà bị tốc mái, 98 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt, trên 2.402 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Tỉnh Quảng Ninh đã mất điện trên diện rộng, kéo theo mất nước do mất điện, thông tin liên lạc gián đoạn… Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, công tác khắc phục sau bão tại tỉnh được triển khai thực hiện rất nhanh; lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến các khu vực thiệt hại để chỉ đạo khắc phục.

Đến nay, các khu vực thiệt hại đã từng bước dần ổn định, hoạt động sản xuất được khôi phục, Nhân dân đã đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.

Để công tác khắc phục sau bão nhanh nhất, với tinh thần khẩn trương, Quảng Ninh đã huy động tổng số gần 9.000 người và hàng trăm phương tiện hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân dân khắc phục bão. Trong đó, đã tìm kiếm và cứu hộ thành công 482 người bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ.

Để động viên ngành Than khôi phục hoạt động sản xuất, tối 11/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã kiểm tra tình hình cung cấp điện cho hoạt động sản xuất than tại Công ty Than Hòn Gai - TKV.

Theo báo cáo từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đến 20h ngày 11/9 đã có 15/17 đơn vị ngành Than có điện lưới phục vụ cho công tác sản xuất. Trong đêm nay, tiếp tục mỏ Núi Béo sẽ được cấp điện và ngày mai 12/9 mỏ Hà Lầm là mỏ cuối cùng của ngành Than được cấp điện lưới. Như vậy, trong ngày mai toàn bộ các mỏ của ngành Than sẽ được cấp điện trở khởi động sản xuất như bình thường.

Kiểm tra tái khởi động sản xuất sau khi có điện tại Công ty Than Hòn Gai, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ khó khăn với ngành Than. Đồng thời nhấn mạnh, tỉnh đang rất nỗ lực khắc phục sau bão; trong đó, bên cạnh việc ưu tiên đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân thì việc sớm khởi động lại các hoạt động sản xuất là nhiệm trụ trọng tâm, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng để góp phần ổn định cho các hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh…

“Tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành cùng ngành Than. Đồng thời, mong muốn ngành Than sẽ chia sẻ khó khăn với tỉnh sau những thiệt hại từ cơn bão số 3, có những chính sách phù hợp để hỗ trợ Nhân dân, trong đó có Nhân dân là người của ngành Than”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.

Trọng Tài