"Chảy máu" ngân sách

Để giải quyết nhu cầu gửi, đỗ xe cho người dân, năm 2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND về quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP, trong đó có quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông giữ xe.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Trần Hữu Bảo, căn cứ các quy định của TP, Sở GTVT đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường thuộc TP quản lý; UBND quận, huyện, thị xã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường do UBND quận, huyện, thị xã quản lý.

Đơn vị tổ chức cấp phép sẽ thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép; mức thu phí theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội và nộp 100% số phí thu được vào ngân sách Nhà nước.

Tổ chức, cá nhân được cấp phép tổ chức thực hiện việc trông giữ xe và thu giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND của UBND TP.

Theo ông Bảo, TP Hà Nội không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách TP để tổ chức công tác trông giữ xe và thu phí; ngược lại, ngân sách TP còn thu được một khoản phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe hàng năm.

Là đơn vị được cấp phép trông giữ xe, bà Nguyễn Thị Thúy Hương - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chia sẻ, trên địa bàn Hà Nội có lượng xe rất lớn, tất cả diện tích công ty được cấp phép đều được sử dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, bà Hương cho biết, nhiều đơn vị trông xe tự phát và thu phí không đúng quy định, việc này dẫn đến "chảy máu" ngân sách của TP.

Dạo quanh một vòng nội đô, đâu đâu cũng có thể bắt gặp tình trạng ô tô đỗ tùy tiện dưới vỉa hè, lòng đường. Có thể kể đến các tuyến phố như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Quán Sứ… hay xung quanh khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ trên đường vành đai 3… hàng ngày, có rất nhiều xe ô tô dừng, đỗ dưới lòng đường, gây cản trở, mất an toàn giao thông.

Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàn Kiếm Đặng Tiến Nam cho biết, quận có trên 300 điểm trông giữ xe được cấp phép, còn lại đều là các điểm trông, giữ xe tự phát của các cá nhân chiếm diện tích lòng đường, vỉa hè, ngõ phố… để trông giữ xe trái phép.

Mức phí trông giữ được thỏa thuận giữa người gửi và người trông xe. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, riêng lực lượng Thanh tra GTVT quận Hoàn Kiếm đã phạt 72 trường hợp trông giữ xe vi phạm với tổng số tiền phạt 200 triệu đồng.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Vi phạm tương tự cũng xảy ra xung quanh khu vực Bến xe Giáp Bát. Tình trạng các điểm trông giữ xe máy tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè “mọc lên” thu phí cao gấp nhiều lần so với quy định của UBND TP Hà Nội không còn xa lạ với người dân.

Theo quy định của UBND TP Hà Nội, mức phí trông giữ xe máy ban ngày (từ 6 - 18 giờ hàng ngày) là 5.000 đồng/xe còn ban đêm là 8.000 đồng/xe (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau); cả ngày đêm là 12.000 đồng/xe. Tại khu vực này, các điểm trông giữ xe tự phát ngang nhiên “chặt chém” tới 10.000 - 20.000 đồng/lượt xe/ngày đêm.

Đại diện UBND phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được các trường hợp trông giữ xe vi phạm tại khu vực này và nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng khó xử lý dứt điểm.

Chia sẻ về việc này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện nay, sở đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích hơn 31.700m2 trên 134 tuyến đường, phố.

Năm 2021, Sở GTVT Hà Nội đã thu phí và nộp ngân sách TP trên 46 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách TP trên 20 tỉ đồng. Ngoài ra, các quận, huyện cũng cấp phép trông giữ phương tiện và thu phí nộp ngân sách theo quy định.

Để tránh thất thoát nguồn thu, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, sở đã giao Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch hàng năm, chủ trì, phối hợp với Công an TP, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động trông giữ xe trên địa bàn TP.

Cũng theo ông Trần Hữu Bảo, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi thu sai giá dịch vụ trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND của UBND TP đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép, để tránh thất thoát nguồn thu.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền và theo các quy định hiện hành.

Cùng với các biện pháp trên, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng có tổng diện khoảng 104ha. Giai đoạn từ nay đến năm  2025, TP Hà Nội sẽ xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô với tổng mức đầu tư khoảng 29.872 tỷ đồng.

Nếu kế hoạch trên trở thành hiện thực, đặc biệt khi các bãi xe công cộng ngầm ở khu vực nội đô được đưa vào khai thác, sẽ cải thiện đáng kể tình trạng các bãi trông giữ xe “mọc” tự phát và thu phí trái quy định như hiện nay.

Hải Hà