Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khẩn trương, tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa, lụt

Xuân Thống

Thứ bảy, 01/10/2022 - 22:29

(Thanh tra) - Ảnh hưởng cơn bão số 4 và tình trạng mưa, lũ, sạt lở đất trong các ngày từ 28 đến 30/9 xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An khá nặng nề. Tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Mưa lũ kéo dài khiến nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An bị ngập sâu. Ảnh: An Hưng

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 28/9 đến ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 500mm, có nơi cao hơn như: Thanh Chương: 512mm, Quỳnh Lưu: 605mm.

Mưa lớn trên diện rộng ở nhiều địa phương đã gây ngập lụt, sạt lở đất và thiệt hại rất lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân, làm một số người chết và mất tích, một số công trình đê điều, hồ đập thủy lợi đã xảy ra sự cố, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở.

Các lực lượng triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ". Ảnh: PV

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến chiều 1/10, thời tiết đã ấm lên, không còn diễn ra mưa lũ nhưng tác động của nhiều ngày mưa kéo dài, kèm với việc xả lũ của các công ty thủy điện, mực nước sông đang lên đã khiến nước rút chậm, nhiều xã, thị còn bị nước ngập sâu. Công tác khắc phục hậu quả của người dân và lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, khó dự báo, để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện số 25 yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị, các công ty thuỷ lợi, thuỷ điện và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thời gian tới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Ngoài ra tập trung chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có thiệt hại về người, gia đình chính sách, hộ khó khăn. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ có nhà bị đổ, trôi, hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt, bảo đảm không để người dân bị đói, rét, khát. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới; nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau mưa lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm viếng, hỗ trợ gia đình có 2 vợ, chồng bị lũ cuốn trôi tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Trọng Hoàn

Cán bộ y tế đến vùng ngập lụt hướng dẫn các địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ. Ảnh: Trung Thành

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp và khôi phục sản xuất ngay sau thiên tai; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.

Sở Công thương chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm vận hành khoa học, an toàn, đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo, hỗ trợ địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các trục giao thông chính.

Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, hạn chế thiệt hại, bảo đảm cho học sinh có thể đi học trở lại ngay sau mưa lũ.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận, phân phát 200 thùng hàng cứu trợ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp vùng lũ. Ảnh: Lương Hồng

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn chủ động bố trí phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

(Thanh tra) - Là thông điệp mà Bộ Xây dựng gửi đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương trên cả nước trước thềm năm mới 2025 nhằm thực hiện thắng lợi Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Trần Quý

12:47 15/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm