Theo thống kê của Bộ TT&TT, doanh thu toàn ngành trong tháng 11 ước đạt 358.291 tỷ đồng, tương đương với tháng trước, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 11/2023 ước đạt 3.360.217 tỷ đồng.

Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 8.311 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 11/2023 ước đạt 87.170 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bưu chính, tháng 11/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng 10/2023 và tăng 20% so với tháng 11/2022; sản lượng bưu gửi ước đạt 250 triệu bưu gửi, tăng 9% so với tháng 10/2023 và tăng 30% so với tháng 11/2022. Sản lượng bưu chính KT1 tháng 11/2023 (tính đến 21/11/2023): 67.060 bưu gửi, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022 (66.483 bưu gửi). Trong đó, sản lượng đạt 22.598 bưu gửi, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 (20.942 bưu gửi).

Trong lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 11/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 79,1 %, tăng 7,8% so với cùng kỳ 11/2022; số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,4 triệu thuê bao, tăng 6% so với cùng kỳ tháng 11/2022; số thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với 85,3 thuê bao/100 dân), tăng 2,4 % so với cùng kỳ tháng 11/2022. Tốc độ truy nhập Internet (theo speedtest) tốc độ băng rộng cố định của Việt Nam (tháng 10/2023) đạt 104,08 Mbps, xếp thứ 41/181 quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái; tốc độ băng rộng di động đạt 44,92 Mbps xếp thứ 57/181 quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, tính đến ngày 20/11/2023, đã có 63/63 địa phương trên cả nước thành lập 76.905 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với 356.914 thành viên tham gia tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố, trong đó 53/63 địa phương hoàn thành 100% đến cấp xã. Việc triển khai nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà đã được khai trương từ đầu tháng 5/2022, tính đến 15/11/2023 đã có 22.307.978 (20/10/2023 đã có 18,405 triệu) lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc cơ quan điện tử 2.0, kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số và ban hành kế hoạch/đề án về chuyển đổi số. Có 5/22 bộ, ngành; 63/63 địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị về chuyển đổi số.

Trong công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, tháng 11/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 246 bài viết vi phạm; gỡ bỏ 06 tài khoản giả mạo và 66 group vi phạm với số lượng thành viên lên đến hơn 200 nghìn người; gỡ 17 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép (tỷ lệ 90%). Google đã gỡ 262 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 96%); gỡ 03 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước chứa hơn 11.366 video. TikTok đã chặn gỡ 12 nội dung vi phạm (tỷ lệ 92%), xóa 10 tài khoản có nội dung vi phạm.
Hoàng Nam