Ứng dụng AI để gia tăng hiệu ứng và tăng hiệu quả

Cùng với AI, ứng dụng công nghệ Big date, IoT... báo chí - truyền thông hiện đại xuất hiện nhiều diện mạo mới, như báo chí - truyền thông đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động... từ đó tạo nội dung thông tin chuyên sâu, với hình thức thể hiện bắt mắt mà còn được truyền phát trên website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng.

Trong bối cảnh cách mạng 4.0, đội ngũ hùng hậu những cơ quan báo chí, những nhân lực làm báo này không thể đứng ngoài dòng chảy. Bởi những yếu tố như AI, IoT, big data đang tác động trực tiếp và ngày càng rõ nét ở nhiều chiều cạnh, mang đến cả cơ hội và thách thức cho báo chí.

Trong môi trường này, mọi loại hình báo chí phải số hóa nội dung và ứng dụng công nghệ AI vào làm báo vừa là để các báo hòa nhập xu thế truyền thông 4.0, vừa nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tăng năng lực tiếp cận nguồn tin, đa dạng hóa kênh truyền để gia tăng hiệu ứng và tăng hiệu quả.

Kết quả từ các nghiện cứu và ứng dụng cho thấy, điểm mạnh nhất của ứng dụng AI là đã có làm tốt những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại, là khả năng tóm tắt bài viết dài chỉ trong tích tắc, do đó tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các nhà báo, AI có thể cung cấp các bài viết hay nhờ tạo ra nội dung từ dữ liệu khổng lồ trên internet.

Ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1755 phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Ở Việt Nam, lần đầu tiên, lĩnh vực báo chí có một chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đó là Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023.

Điểm mạnh của AI trong các tòa soạn đang đang dần thay thế biên tập viên, người hiệu đính, người chỉnh sửa ảnh ở một số công đoạn; nhưng AI chưa thể thay thế được đội ngũ này trong các tòa soạn, bởi một nhược điểm của các bài viết do AI tạo ra là chưa hẳn đảm bảo tính xác thực thông tin trong báo chí.

Nhiều tòa soạn truyền thống rất do dự, hoặc tỏ ra lo ngại khi sử dụng các công cụ AI trong quá trình xuất bản, vì vậy, việc ứng dụng AI trong các khâu nào trong công tác xuất bản cũng cần được nghiên cữu một cách kĩ lưỡng.

Tại Báo Nhân Dân, Chiến lược Chuyển đổi số, đã tập trung vào các giải pháp gồm: Đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí-công nghệ”; cơ cấu hoạt động như một cơ quan sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện; Sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, nội dung thống nhất, cách thể hiện linh hoạt; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, phát huy đổi mới sáng tạo; ứng dụng AI và báo chí tự động... Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại đã mang lại hiệu quả công việc tốt hơn cho Báo Nhân dân.

Phát triển AI ở Việt Nam cần lấy con người làm trung tâm

Phải nói rằng, sự phát triển công nghệ AI trong những năm gần đây càng trở nên quan trọng không chỉ đối với nền báo chí - truyền thông, mà còn được nói đến trong các lĩnh vực như: Y tế, tài chính, giáo dục, và quản lý thảm họa, cung cấp giải pháp cho các vấn đề phức tạp mà con người phải đối mặt.

Tuy nhiên, vấn đề an toàn, quyền riêng tư và ảnh hưởng tiềm ẩn đến thị trường lao động khiến cơ quan quản lý và nhà lập pháp phải cân nhắc kỹ lưỡng cách tiếp cận mới.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Quyết định 1290 về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm. Một trong những mục tiêu của hướng dẫn này là hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực cho con người và cộng đồng.

Hướng dẫn này chỉ mới dừng lại ở phiên bản 1.0; các nguyên tắc, hướng dẫn sẽ tiếp tục được cập nhật để phù hợp với thực tiễn, theo Bộ KH&CN.

Theo xu thế chung trên thế giới, các hệ thống AI được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người, xã hội và nền kinh tế Việt Nam thông qua việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn mà con người, cộng đồng đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, song song với quá trình đó, cần nghiên cứu, có biện pháp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, sử dụng AI; và cân đối các yếu tố kinh tế, đạo đức và pháp lý liên quan.

Trên tinh thần đó, việc nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI ở Việt Nam cần hướng đến một xã hội lấy con người làm trung tâm, mọi người được hưởng những lợi ích từ cuộc sống cũng như từ các hệ thống AI; đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa lợi ích và rủi ro của các hệ thống AI, phát huy lợi ích của AI thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo và giảm thiểu nguy cơ xâm phạm quyền hoặc lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân từ các hệ thống AI...

Từ những hướng dẫn về các nguyên tắc về nghiên cứu và phát triển AI mà Bộ KH&CN đưa ra, đối với lĩnh vực truyền thông - báo chí cũng cần nhận thức được những mặt lợi ích cũng như hạn chế của AI, để công nghệ AI cho dù không thể thay thế được các phóng viên, biên tập viên thực sự, nhưng vẫn thật sự trở thành công nghệ hữu ích phục vụ cho các hoạt động của báo chí - truyền thông ngay trong hôm nay và tương lai.

Thanh Thanh