Thiếu nữ xây dựng 6 hầm vũ khí bí mật

Năm 1965, khi chiến tranh miền Nam đang ngày càng trở nên ác liệt, lãnh đạo biệt động Sài Gòn - Gia Định lệnh các cơ sở, địa phương bố trí thêm người. Đơn vị biệt động 90C cử người về tận huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để tuyển quân. Năm ấy, cô gái Nguyễn Thị Mai (SN 1943, quê Quảng Nam) được tuyển chọn vì đủ các tiêu chí. Khi ấy, Mai đang làm giao liên cho huyện đội Đại Lộc. 

Trước lời kêu gọi thiêng liêng của tổ chức, người nữ chiến sỹ ấy đã tức tốc lên đường. Chẳng kịp chuẩn bị đồ dùng cá nhân, Mai chỉ ghé qua nhà vài phút để từ biệt mẹ già. Khi đi, mẹ cô nhắn nhủ “Lần này vào Sài Gòn, má con mình ít có dịp gặp lại, nghe má dặn đây. Có bị lộ, bị bắt, thì dù thế nào đi nữa cũng phải chịu đựng, không được phản lại tổ chức, phản lại đồng đội nghe con”. Lời dặn của mẹ, cô ghi khắc và coi là kim chỉ nam trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của mình.  

Lênh đênh gần chục ngày trên biển, con tàu đưa Mai vào đến Sài Gòn. Bữa cơm đầu tiên của cô giao liên quanh năm chân đất là cơm trắng, cải chua và mắm cái. Trước giờ Mai chỉ biết khoai lang, khoai mì, hột mít luộc… Lần đầu tiên trong đời Mai có một bữa ăn ngon đến thế. Hôm sau, có người mang đến đôi dép để Mai... tập dùng.

Đêm đến, đèn đường Sài Gòn sáng trưng. Mai khờ đến độ phải thắc mắc: Không biết đèn thắp bằng dầu gì mà sáng quá? Cùng ngày, các cô chú bảo Mai chuẩn bị đồ đạc, sẽ có người đến chở đi nhận công tác. Chở Mai đi trên chiếc xe gắn máy là một người đàn ông, dáng gầy và vui tính. Xuất phát từ xóm lao động nghèo chợ Vườn Chuối qua chợ Bình Thới. Đến nơi, Mai xuống xe mới phát hiện chiếc dép vừa được mang đã rời khỏi chân lúc nào chẳng biết. Mai được huấn luyện tại Bình Thới trước khi nhận công tác. 

Sau khóa huấn luyện, cô được cử về công tác tại đơn vị biệt động 90C với nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn. Ngày khi được giao nhiệm vụ, Mai bắt tay xây dựng cơ sở bí mật và liên lạc với nhiều cơ sở hoạt động cách mạng ở Hóc Môn, Củ Chi, Đức Hòa... 

Mỗi sáng sớm, Mai lên chợ Củ Chi để gặp "người áo đỏ", theo lời dặn của chỉ huy, chỉ cần: “có người mặc áo màu đỏ, đưa gì thì mang về cái đó”. Ban đầu, bản thân Mai chỉ biết làm theo lệnh, không biết người đưa đồ cho mình là ai, trong đó có thứ gì. Những lần sau đó, khi đã thạo việc, người trong đơn vị mới bật mí đó là tài liệu mật của biệt động Sài Gòn - Gia Định, mất nó có nghĩa là mất tất cả. Từng chuyến xe rau, bên dưới là vũ khí được chuyển từ Hóc Môn, Củ Chi về nội thành nhờ sự khéo léo của cô. 

Đầu năm 1965, chiếc xe lam ì ạch chở đầy khách và những giỏ hàng từ chợ Phước Thịnh (Củ Chi) chạy đến cầu Xáng, thì tốp cảnh sát trong trạm lao ra đứng chắn ngang đường, chặn chiếc xe lam lại. Tất cả hành khách bị dồn xuống đường, trong đó có Mai. 

Một nữ kiểm soát giơ cây ba trắc chỉ thẳng vào Mai yêu cầu đến chốt kiểm soát. Tại đây, Mai bị kiểm tra cả người, trước nguy cơ tập đơn tuyên truyền cất giấu trong người bị phát hiện, Mai đã quyết định hành động, lấy chúng ra đưa vào miệng nhai hòng nuốt xuống bụng. Mấy tên cảnh sát lao đến bóp cổ, banh miệng Mai móc xấp giấy ra. Nhưng lúc này, tất cả đã nhàu nát. 

Lúc bị bắt, trong người Mai có 9 lá thư bí mật của anh em và 30 kíp nổ trong giỏ đựng khổ qua. Cũng kể từ đây, những ngày tháng sống cảnh “địa ngục trần gian” của nữ giao liên bắt đầu ập đến. 

Những ngày sống trong "địa ngục trần gian" 

“Mày mang tài liệu và kíp nổ cho ai?”, tên cảnh sát hỏi. “Tôi đi lạc lên đây, trên đường có người mang vác đồ nặng nên nhờ tôi mang hộ. Họ chưa kịp dặn dò gì hết thì thấy người của các ông nên bỏ chạy. Tôi sợ mất đồ đạc của người ta, phải giữ để hy vọng gặp lại họ mà trả”. Nói láo, viên cảnh sát chau mày, vung tay định tát Mai, song hắn rút tay lại. Hắn nhỏ nhẹ: “Tao cho mày cơ hội cuối cùng. Quê quán mày ở đâu, làm nghề gì?”. “Quê tôi ở Đại Lộc, Quảng Nam, sống bụi đời không cha không mẹ”. “Ai đưa mày vô đây?”. “Bạn bè dẫn tôi vô”. “Ở đâu?” “Sống lăn lóc ở chợ Cầu Muối”. 

Những đoạn hội thoại trên được nữ chiến sỹ giao liên nhớ lại, sau đó cô bị đưa về Hàng Keo - một bốt khét tiếng với những tên “đồ tể” cùng vô số kiểu tra tấn man rợ. Thời đó, các loại cực hình tàn khốc nhất đều được giáng xuống người Mai hòng khai thác thông tin.

Ngay trong buổi chiều được đưa về Hàng Keo, chúng đã tra tấn cô với đủ các chiêu trò. Hình thức tra khảo đầu tiên với cô là đánh đập, bẻ xương, răng, đổ nước xà phòng… Suốt mấy ngày liền, thân thể Mai tiều tụy, chết giấc vì đau đớn, nhưng cô vẫn không hé miệng nửa lời. Ngày thứ 4, trong cơn mê man của Mai, chúng quyết định tung chiêu "độc".

“Nó đánh đá hả hê rồi dí điện vào ngực và hai tai. Mình ngất rồi nó tạt nước cho tỉnh lại, nó đánh tiếp. Rồi chúng lấy tăm chống hai mí mắt lên, dùng đèn pha công xuất lớn chiếu thẳng vào, nhức nhối như muốn nổ hai con ngươi ra ngoài, đầu óc quay cuồng. Bên tai tôi nghe văng vẳng những câu hỏi cung: Vũ khí này mày chuyển đi đâu? Chỉ huy của mày là ai? Đồng đội của mày tên gì? Đơn vị mày đóng ở đâu?...” - nữ giao liên kể lại.

Bà Mai bên người thân và gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Trước sự kiên cường của nữ biệt động Sài Gòn, đòn tra tấn bỉ ổi của quân thù đã trút xuống cô gái đang tuổi xuân thì, không mảnh vải che thân.

Mai cắn răng chịu đựng rồi ngất đi, những lúc đau đớn tột cùng ấy, Mai luôn nhớ lại lời mẹ dặn trước lúc vào Nam và cô đã không hé nửa lời, quyết không phản bội tổ chức, đồng đội. “Tôi bị nứt sọ và để lại di chứng thần kinh, thường xuyên bị co giật cho tới bây giờ" - bà Mai kể. 

Sau những màn đại hình, ép cung bất thành, bà được chúng đưa vào Bệnh viện Chợ Quán. Vị bác sĩ khám bệnh chỉ biết lắc đầu tặc lưỡi: “Các ông tra tấn thế này thì chúng tôi không có khả năng chữa trị”. Rồi họ đưa cô qua Bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định). Vài ngày sau, thấy bớt đau, Mai tháo còng trốn viện, men theo đường rừng trở về căn cứ trong vòng tay đón của tất thảy đồng đội. 

Biệt danh "con thoi sắt" 

Về lại căn cứ, Mai bật khóc vì mừng, chẳng thèm nhớ đến những vết thương đang còn hiện hữu. Sau thời gian dưỡng thương, ý chí kiên cường, lòng căm thù giặc trong cô lại càng thêm mạnh mẽ, sâu sắc hơn. Lúc này, Mai cũng học được thành thạo bắn súng ngắn bằng hai tay và kỹ thuật sử dụng nhiều loại vũ khí khác.

Mai tiếp tục được tổ chức phân công về đơn vị biệt động 90C, nhập vào tổ chiến đấu với anh Bảy Lùn (anh Võ Triết). Thời ấy, từ đường Lê Văn Duyệt, chợ Ông Tạ đến Bến Thành, không ít người khiếp sợ cái biệt danh Ba “xe ngựa”, một tên chỉ điểm gây không ít tổn thất cho lực lượng cách mạng. Nhiệm vụ cấp bách lúc này được giao cho Mai là tiêu diệt tên chỉ điểm ác ôn này. 

Sau khi theo dõi hành tung của Ba “xe ngựa”, Mai quyết định hành động. Vào một buổi sáng, chiếc xe gắn máy Mobylette do Bảy Lùn điều khiển chở Mai dừng ngay trước cửa nhà Ba “xe ngựa”. Bình thản bước đến, Mai cất tiếng gọi: “Anh Ba! anh Ba ơi, có mấy người khách nè, ra chở đi anh”. Tưởng có khách kêu chở đi đâu, Ba “xe ngựa” lật đật chạy ra. 

Cách cửa vừa hé, "đoàng!" tiếng súng chát chúa vang lên. Ba “xe ngựa” gục xuống ngay cửa, khẩu súng trên tay Mai tỏa ra làn khói trắng kèm theo mùi khét lẹt. Tuy lần ám sát của Mai vẫn không lấy mạng được tên chỉ điểm độc ác Ba “xe ngựa”, nhưng cũng khiến hắn không dám “ngựa quen đường cũ”, lặng lẽ đưa gia đình lẩn trốn đi nơi khác. 

Trong giai đoạn này, những chiếc thiết giáp ngày ngày chở lính đi càn, lùng sục, bắn phá, tàn sát nhân dân ta ở vùng căn cứ Hóc Môn, Củ Chi, Tây Ninh, Đức Hòa. Chiều tối, đoàn xe lại lũ lượt kéo về bãi xe hậu cần nằm ở gần khu vực ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình). Đội biệt động Sài Gòn quyết định thực hiện mục tiêu tiếp theo nhắm vào các cỗ xe sắt. Trong vai tình nhân của Bảy Lùn, Mai đã tiếp cận và 4 lần cho bãi xe này “ăn” lựu đạn. 

Sau nhiều chiến công lập được, Nguyễn Thị Mai cùng đội biệt động Sài Gòn tham gia vào những trận đánh rực lửa không thể nào quên trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trận đánh trên cánh đồng Tân Tạo hay trận "bão lửa" ở ngã tư Bảy Hiền. Với tinh thần gan dạ, sự nhanh nhẹn, dứt khoát trong chiến đấu, Mai được mọi người đặt biệt danh "con thoi sắt". Sau giải phóng, nữ biệt động Mai được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến và nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ và TP Hồ Chí Minh.

Xuân Hà