Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Thị Thủy Hà
Thứ tư, 11/09/2024 - 09:59
(Thanh tra) - Những ngày này, khi cả nước đang hướng về miền Bắc, bên cạnh những hình ảnh thiện nguyện, nghĩa tình của người dân khắp cả nước hỗ trợ đồng bào qua cơn hoạn nạn, thì còn đó, những hình ảnh về các chiến sĩ công an vẫn âm thầm, lặng lẽ hỗ trợ bà con xuyên ngày, trắng đêm di chuyển người và tài sản đến vùng an toàn.
Các chiến sĩ công an âm thầm, lặng lẽ hỗ trợ bà con xuyên ngày, trắng đêm di chuyển người và tài sản đến vùng an toàn. Nguồn: BCA
Trước khi siêu bão Yagi đổ bộ vào nước ta, ngày 5/9/2024, Bộ Công an có công điện gửi công an các đơn vị, địa phương về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ.
Sau khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ngày 8/9/2024, Bộ Công an tiếp tục có công điện gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ, tập trung ưu tiên công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước.
Chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ, công an các đơn vị, địa phương đã đồng loạt ra quân, chủ động ứng phó, động viên, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão, lũ, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Xuyên ngày - trắng đêm, chạy đua với tử thần
Rạng sáng ngày 10/9/2024, tại thôn Làng Dạ 2, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Trận lở đất đã làm hư hỏng tài sản, sập nhà cửa của người dân, nhưng rất may đã không xảy ra thiệt hại về người. Nhận thấy đất đồi đã “ngậm” nước nhiều ngày, dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, ngay trong đêm ngày 9/9, lực lượng công an và chính quyền xã đã hỗ trợ di tản 10 hộ dân với 45 nhân khẩu đi nơi khác, vì thế, tất cả đã may mắn thoát nạn trong gang tấc.
Hiện tại, thôn Dạ 2, xã Cam Đường còn khoảng 20 điểm sạt trượt lớn, nhiều điểm có nguy cơ sạt trượt. Công an thành phố Lào Cai tiếp tục phối hợp cùng Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 4 (thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) và chính quyền địa phương đưa người dân đến nơi an toàn, tuyệt đối ko để xảy ra thiệt hại về người do chủ quan.
Còn tại Yên Bái, nước sông Hồng dâng cao và bất ngờ, khiến nhiều nhà đã bị nước ngập từ 0,5 mét đến hơn 1 mét, nhiều người chủ quan, không kịp phản ứng, điện lưới bị cắt để đảm bảo an toàn, nhiều người già, trẻ nhỏ rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm.
Ngay trong đêm 8/9, hơn 500 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (công an, quân đội, dân quân tự vệ) túc trực 24/24, nỗ lực triển khai các phương án cứu hộ cứu nạn những người dân trong khu vực nguy hiểm, hỗ trợ người dân chuyển đồ đạc đến nơi cao và di dời người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Lực lượng cứu hộ phải chia ca, thay nhau ứng cứu, sử dụng xe chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cano chuyên dụng để tiếp cận những khu vực ngập sâu. Lực lượng công an cùng với Nhân dân đã có một đêm trắng chạy đua với lũ dữ nhằm giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản cho ngườidân ở mức thấp nhất tại các điểm bị ngập.
Cũng tại Lào Cai và Yên Bái, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, cùng phương tiện đã có mặt tại các phường Cốc Lếu, Kim Tân, Phố Mới, Bình Minh (thuộc tỉnh Lào Cai) và thị trấn Thác Bà, thị trấn Đại Minh (thuộc tỉnh Yên Bái) để giúp người dân, di chuyển người và tài sản đến vùng an toàn.
Tại Cao Bằng, mưa lớn đã gây ra lũ lụt, sạt lở đất nhiều nơi trên địa bàn khiến 2 người chết, 49 người bị vùi lấp, 13 người bị thương, hàng nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng, hoa màu bị ngập úng. Đến trưa ngày 10/9/2024, theo ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 19 thi thể, hiện còn 31 người bị mất tích do mưa lũ, sạt lở; 1.042 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó, 22 nhà bị sụp đổ hoàn toàn; 3 trạm y tế xã, 10 điểm trường, 17 nhà văn hoá bị ảnh hưởng, ngập nước; 593,11ha lúa bị ngập và nhiều hoa màu, cây trồng bị gãy đổ, làm chết 155 gia súc, gia cầm.
Công an tỉnh Cao Bằng đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn, cứu hộ tại các địa bàn bị ảnh hưởng, trực tiếp Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo, tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện cứu nạn, cứu hộ; lực lượng công an các đơn vị, địa phương giúp đỡ Nhân dân di chuyển, vận chuyển người và tài sản đến nơi an toàn; hỗ trợ hàng trăm suất ăn, lương thực, thực phẩm cho các hộ dân trong vùng ngập lụt. Tổ chức thường trực, ứng trực 100% quân số, chủ động các phương án phòng ngừa, bảo vệ tài sản của người dân.
Đồng loạt ra quân, dồn sức giúp đỡ Nhân dân
Tại Quảng Ninh, Công an tỉnh đã huy động gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ đã tập trung mọi lực lượng để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ, theo đó, cơ bản các lực lượng đã kiểm soát được tình hình, không để xảy ra phức tạp, hạn chế số người bị thương và người mất tích, hạn chế không để xảy ra tình hình phức tạp ở các địa bàn khác nhau.
Công an Quảng Ninh đã tăng cường lực lượng tuần tra trên tất cả các địa bàn, tuyến giao thông để phát hiện, ngăn chặn các đối tượng hình sự lợi dụng mưa bão để trộm cắp. Vì vậy, người dân phải di dời có thể yên tâm cư trú ở nơi đảm bảo an toàn, không lo mất cắp tài sản xảy ra.
Tại Hải Phòng, lực lượng công an đồng loạt ra quân, nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo an toàn giao thông. Toàn bộ các cây cầu có tĩnh không cao đều được các lực lượng chức năng phong tỏa, buộc các phương tiện không được phép qua cầu trong lúc gió bão.
Ở những khu vực cho phép, xe của cảnh sát hỗ trợ người dân qua cầu để trở về nhà. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đã cứu giúp được gần hàng trăm người thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão số 3, phối hợp và di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Tại Hải Dương, ngay từ trước và trong khi bão đổ bộ, đặc biệt là đêm ngày 8/9, lực lượng công an cơ sở trên địa bàn tỉnh đã triển khai toàn bộ lực lượng xuyên đêm di chuyển cây đổ, mái tôn, bạt chắn rơi xuống đường để giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người tham gia giao thông,
Cùng với đó đã tích cực, khẩn trương gia cố mái tôn các nhà dân, trường học; bố trí lực lượng, phương tiện trực chiến 24/24 giờ trong ngày, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, kịp thời phát hiện, sơ tán, di dời ngay người và phương tiện ra khỏi những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở…
Tại Hà Nam, do mực nước lũ trên sông Hồng ở địa bàn huyện Lý Nhân dâng cao, đêm ngày 9/9 và rạng sáng ngày 10/9/2024, Công an huyện Lý Nhân đã chủ động triển khai các phương án, kế hoạch sử dụng các phương tiện tiếp cận, hỗ trợ người dân ở 2 thôn Văn Quan, xã Văn Lý và thôn Sàng, xã Đạo Lý (khu vực giáp Sông và ngoài đê) di dời toàn bộ vật nuôi cùng tài sản ra khỏi vùng bị ngập lụt đến nơi tránh trú an toàn.
Trước dự báo nước lũ sẽ tiếp tục dâng cao và rất nhanh trong những ngày tới, cùng với chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, Công an huyện Lý Nhân sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xuống địa bàn phối hợp giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.
Tại Lạng Sơn, từ tối 8/9/2024, mưa to đến rất to kết hợp với nước sông liên tục dâng cao gây ngập úng nhiều khu vực. Công an tỉnh đã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Theo đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã được huy động để ứng cứu, cấp phát lương thực, hỗ trợ người dân vùng ngập lụt.
Với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất”, lực lượng công an đã huy động trên 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra kiểm soát, xử lý các tình huống về an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội; huy động trên 1.700 lượt cán bộ, chiến sĩ, 134 lượt phương tiện bộ, 2 lượt phương tiện thủy phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ di dời trên 830 hộ dân có nguy cơ hoặc bị sạt lở, ngập úng; 238 hộ dân tại các vị trí nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở, mất an toàn đã được di dời đến nơi an toàn; tổ chức hút nước tại các nhà dân bị ngập úng.
Tại Thái Nguyên, ngay trong đêm 8/9, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương để tiếp tục triển khai phương án phòng chống lụt bão. Lực lượng Công an, Quân đội huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng sử dụng ca nô, xuồng máy, áo phao … đi sâu vào các ngõ, đến tận các gia đình hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, đưa những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em ra khỏi khu vực ngập lụt.
Tại Bắc Ninh, Công an tỉnh huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sỹ bám sát địa bàn cơ sở tổ chức rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ mất an toàn, kịp thời cảnh báo người dân và phương tiện. Đồng thời tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ.
Với phương châm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, đảm bảo an ninh, trật tự giao thông thông suốt, 9 tổ công tác gồm các lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Công an các đơn vị, địa phương xuyên đêm dầm mình dưới mưa bão, khắc phục hậu quả của bão Yagi.
Tại Phú Thọ, lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai trên 60 Tổ tuần tra kiểm soát với trên 200 lượt cán bộ, chiến sỹ trực tiếp hướng dẫn, điều tiết, phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông 24/24h tại các tuyến đường bộ, đường thuỷ trên địa bàn đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, xung yếu có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, khu vực ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu và nước chảy siết, cắm biển cảnh báo, kiên quyết không để người, phương tiện đi vào khu vực không bảo đảm an toàn.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Cảnh sát cơ động huy động 38 lượt cán bộ, chiến sỹ kịp thời phối hợp các đơn vị chức năng dọn dẹp, xử lý cột điện, cây xanh, bảng biển, mái tôn bị đổ, gãy. Lực lượng Công an cấp huyện đã tổ chức trên 230 lượt với 1.056 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp xuống địa bàn cơ sở đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do bão và mưa, lũ trên địa bàn…
Tại Bắc Kạn, do ảnh hưởng của mưa lớn, một số hộ gia đình tại các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ngân Sơn và thành phố Bắc Kạn cũng đã bị sạt lở. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tình thường trực trên các tuyến đường tổ chức điều phối giao thông, hỗ trợ Nhân dân và dọn dẹp cây cối bị ngã đổ trên tuyến, tuyên truyền vận động người tham gia giao thông thực hiện theo khuyến cáo của lực lượng chức năng.
Tại Vĩnh Phúc, dọc theo tuyến đường đèo dốc từ Km13-Km21 lên khu du lịch Tam Đảo, huyện Tam Đảo, nhiều cây thông và các cây cổ thụ khác đã gãy đổ, đất đá sạt lở chặn ngang đường. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng cây đổ, đất đá sạt lở rơi xuống đường đã làm hư hại hệ thống đường dây điện thoại, Internet, lưới điện, ảnh hưởng việc đi lại của người dân và du khách.
Lực lượng Công an huyện Tam Đảo đã phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh nhanh chóng tổ chức chốt chặn 2 đầu đường lên và xuống không cho phương tiện lưu thông; đồng thời xử lý hậu quả, thu dọn cây đổ, đất đá để đảm bảo thông đường đèo phục vụ Nhân dân và du khách đi lại an toàn…
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Phương Anh
15:41 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Văn Thanh
12:44 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân