Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vừa đánh tham nhũng vừa xây thể chế

Thứ hai, 04/02/2019 - 08:16

Cần có cách làm phù hợp để cùng lúc đạt được hai yêu cầu về chống tham nhũng và phát triển năng động về kinh tế-xã hội.

Ảnh minh họa.

Gọi chống tham nhũng là “cuộc chiến” có đúng không? Hoàn toàn có thể và cần thiết. Từ lâu nhiều nhà lãnh đạo và giới nghiên cứu đã từng gọi tham nhũng là giặc, “giặc nội xâm”, bởi hậu quả nghiêm trọng và tính chất phức tạp của vấn đề.

Việc phòng chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước nhiều lần có chủ trương mạnh mẽ và hầu như liên tục trong tất cả các nhiệm kỳ từ sau khi đất nước thống nhất, không dừng lại ở chủ trương trong các Nghị quyết mà nhiều lần đã tổ chức thực hiện khá nghiêm túc. Nhưng kết quả nhìn chung vẫn không tốt, không căn bản, tình trạng tham nhũng vẫn cứ tăng lên, ngày càng phổ biến và phức tạp hơn.

Từ sau Đại hội XII của Đảng, cuộc chiến chống tham nhũng đã có những bước tiến mới, mạnh mẽ và đạt được một số kết quả rất quan trọng. Giá mà các nhiệm kỳ trước đây cũng thực hiện như vậy thì có lẽ tình trạng tham nhũng ở nước ta không đến nỗi phức tạp như bây giờ. Bệnh để lâu ngày dẫn đến lây lan và trở nên nghiêm trọng hơn.

Đến cuối nhiệm kỳ XI, tình hình tư tưởng trong hệ thống Đảng và Nhà nước cũng như bên ngoài xã hội rất đáng lo, niềm tin về cuộc chiến chống tham nhũng đã xuống thấp đến mức báo động, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đang hoành hành, nhiều cán bộ đảng viên tâm huyết rất buồn cho tình hình suy thoái trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Với kết quả của Đại hội XII, nhiệm kỳ mới đã bắt đầu, có một số chủ trương mới đúng đắn về kinh tế và cuộc chiến chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt trên thực tế, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Niềm tin dần dần được khôi phục, có người nói “thế là vẫn còn hồng phúc”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao liên tiếp một số nhiệm kỳ trước không làm được mà nhiệm kỳ XII này làm được? Trả lời câu hỏi này là sự khác nhau ở mức độ sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm, sự gương mẫu và kiên quyết của cán bộ chủ chốt, trước nhất là ở cấp Trung ương. Không phải mấy nhiệm kỳ trước không thấy được tham nhũng có nguy hại như thế nào, thậm chí sau Cách mạng Tháng Tám 1945 không lâu, Bác Hồ đã gọi tham nhũng là “giặc nội xâm”.

Điểm đáng lưu ý ở đây là xuất phát từ thực tế tình trạng suy thoái, tham nhũng đã đến mức “báo động đỏ”, nếu không khẩn cấp giải quyết thì trước sau gì cũng sẽ cực kỳ nguy hiểm.Thực tế của tình hình đã bức xúc hơn nhiều so với trước đây.

Còn trách nhiệm của lãnh đạo? Không thể nói rằng lãnh đạo chủ chốt mấy nhiệm kỳ trước đã thể hiện đầy đủ và thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống tham nhũng. Như chúng ta biết, hầu hết các vụ tham nhũng lớn đang giải quyết hiện nay đã phát sinh từ mấy nhiệm kỳ trước, nhiều vụ đã phát hiện từ trước nhưng không được giải quyết dứt điểm mà đã nể nang, hữu khuynh, né tránh, hoặc bị hối lộ mua chuộc, bảo kê, làm cho qua chuyện.

Còn nữa là sự gương mẫu và kiên quyết của lãnh đạo. Nhiều người cũng đã dính vào tham nhũng, “lợi ích nhóm”, bàn tay đã “nhúng chàm”, nói không đi đôi với làm, thực chất là không trung thực, làm mạnh thì sợ đụng đến “người nhà”. Do yếu kém, không gương mẫu về đạo đức và không đủ bản lĩnh vượt qua chính mình nên không thể kiên quyết. Những người lãnh đạo như vậy ít ai tôn trọng.

Họ chẳng những không nêu gương tốt mà còn thúc đẩy việc xấu làm suy đồi đạo đức. Thượng bất chính thì hạ tất loạn. Ở trên tham nhũng thì ở dưới tội gì mà không kiếm chác. Vậy là bộ máy bị hỏng dây chuyền từ trên xuống dưới.

Cuộc chiến chống tham nhũng đang tiến hành cần bổ sung điều gì để nâng cao hiệu quả? Trước tiên nên khẳng định, làm được như vừa rồi là tốt, rất đáng hoan nghênh và đáng khích lệ. Tất nhiên không thể dừng lại nửa chừng, không thể để cho dư luận hiểu nhầm hoặc ai đó cố tình xuyên tạc là vẫn còn “vùng cấm”, có “bao che” và “không công bằng”, mà phải tiếp tục một cách kiên quyết và mạnh mẽ liên tục. Sự thoái hóa đạo đức nếu để đến mức “vượt ngưỡng” thì không dễ dàng quay trở lại, mà sẽ dẫn đến đổ vỡ. Đổ vỡ để làm lại từ đầu cũng là một tất yếu của lịch sử khi không thể khác và dù không ai muốn thế. Dĩ nhiên, khi đó sẽ tổn thất nhiều công sức, thậm chí còn đổ máu, bỏ lỡ cơ hội và bị hỏng môi trường phát triển của quốc gia và dân tộc.

Tốt nhất là phải chặn đứng cho được sự suy thoái, chặn đứng tình trạng tham nhũng. Các triều đại phong kiến thuở xưa cũng vậy, khi đất nước thái bình thì Rùa Vàng nổi lên đòi lại thanh kiếm để nhắc nhở các quân vương không cai trị quốc gia bằng vũ lực. Nhưng khi có giặc nội xâm làm loạn, phá hoại đất nước của tổ tiên để lại, thì các minh quân phải dùng đến nó để dẹp loạn. Đó là việc cần làm và phải làm.

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, chống tức là phải đi giải quyết một cách bị động những việc đã xảy ra rồi, đã gây hậu quả rồi, dù có làm tốt đến bao nhiêu thì cũng đã tổn thất. Trong khi giải quyết được một vụ cũ thì có thể đã phát sinh mấy vụ mới, cứ thế “đầu vào” vẫn còn, các vụ việc tồn đọng vẫn không giảm mà thậm chí còn tăng lên, không biết khi nào mới hết. Cho nên có nhiều người lo lắng rằng, khi một số đồng chí lãnh đạo tốt và kiên quyết chống tham nhũng nghỉ hưu thì ai sẽ tiếp tục chống, chưa biết khi đó tình hình sẽ ra sao?

Cho nên, song song với cuộc chiến chống tham nhũng, phải tiếp tục một cách kiên trì và liên tục, cần thiết phải tiến hành tích cực một cuộc đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, thể chế quản trị quốc gia, trong đó đặc biệt là việc kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực bằng quyền lực Nhà nước và thực thi dân chủ để ngăn ngừa, để chặn “đầu vào” của các vụ tiêu cực. Việc đổi mới này thậm chí còn quan trọng và hiệu quả hơn, cơ bản và triệt để hơn, vì nó giải quyết từ nguyên nhân của vấn đề.

Nhiều văn bản, Nghị quyết đã nói, mà nói trong nhóm giải pháp trước nhất và có nhấn mạnh, về công tác tự phê bình và phê bình. Ngày trước, khi tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn ít, tuyệt đại bộ phận cán bộ là tốt thì việc tự phê bình và phê bình có nhiều tác dụng tốt. Cứ mỗi lần chỉnh Đảng, chỉnh quân thì tạo ra một khí thế mới, quyết tâm mới, vượt qua khó khăn để tiến lên.

Ngày nay, qua nghiên cứu thực tế, trong điều kiện suy thoái nhiều, ta có thể thấy việc tự phê bình và phê bình tuy vẫn cần thiết nhưng không còn tác dụng nhiều như trước đây. Hầu hết các vụ tiêu cực tham nhũng do nhân dân, báo chí và kiểm tra từ cấp trên về phát hiện và xử lý. Chưa thấy rõ vụ nào do kiểm điểm, tự phê và phê bình mà phát hiện và giải quyết được. Đó là chưa nói việc sinh hoạt kiểm điểm nhiều lúc rất hình thức, mất thì giờ, không hiệu quả, thậm chí vô tình “hợp thức hóa” việc đánh giá sai bản chất.

Không ít đảng viên và tổ chức Đảng có sai phạm nghiêm trọng nhưng trước khi bị xử lý đã được phân loại là trong sạch, vững mạnh, là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ đảng viên. Nếu cứ kiểu như thế thì giải pháp kiểm điểm phê bình chỉ có tác dụng đối với bộ phận cán bộ đảng viên chưa suy thoái, còn đối với bộ phận đã có suy thoái thì không có hiệu quả, không thể trông cậy nhiều.

Thực tế, công việc chống tham nhũng mấy năm nay cho thấy, cấp trên cao nhất thì tích cực, đã “nóng lên” rồi, nhưng các cấp dưới tại địa phương và các ngành thì nhiều nơi vẫn chưa “động”, không tích cực, còn thụ động, né tránh, cứ như là chuyện ở đâu chứ chỗ mình không có, ấy là chưa kể trường hợp tìm cách che giấu, đối phó.

Việc rất quan trọng  của cấp cao là phải tập trung làm “chuyển động” cho được ở bên dưới, để toàn Đảng, toàn bộ máy Nhà nước chủ động và tích cực chống tham nhũng. Và việc đó, ngoài chuyện đôn đốc bên dưới, rất cần phải có đổi mới mạnh mẽ, cải cách cơ chế, thể chế để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ chủ chốt từng cấp, từng ngành, từ đó mà tạo chuyển động chung một cách bền bỉ, thường xuyên, như nâng cao sức đề kháng của cơ thể bộ máy Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, cần có cơ chế để nhân dân tham gia chống tham nhũng với tư cách là những người làm chủ, những công dân gương mẫu và trách nhiệm, phải dựa vào dân mà chiến đấu, như tăng sức đề kháng của cơ thể toàn xã hội. Nếu để cho một hệ thống Đảng, một Nhà nước và một cộng đồng xã hội mất sức đề kháng và tinh thần chiến đấu thì khác nào là bệnh “liệt kháng”- căn bệnh thế kỷ mà cả loài người đang lo sợ.

Để tạo ra một cộng đồng và một môi trường không còn nơi ẩn nấp cho tham nhũng và “lợi ích nhóm” thì ngoài việc phát động tinh thần, tích cực xử lý kiên quyết các vụ tham nhũng, còn việc quan trọng nữa, quan trọng hơn, quan trọng nhất, cơ bản và hiệu quả bền vững, là cần ưu tiên tập trung thời gian và công sức của lãnh đạo, của mọi người cho công cuộc đổi mới, cải cách cơ chế, thể chế. Việc này thì một số đồng chí lãnh đạo cũng đã có nói, nhưng làm thì còn ít và chậm.

Trong khi tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng, tuy không phải tất cả, nhưng cũng có không ít nơi, không ít cán bộ lo sợ nguy hiểm, quay về thế thủ, không dám năng động, sáng tạo, xốc tới để giải quyết những việc khó, phức tạp, vì vậy mà công việc trở nên trì trệ. Đó là một thực tế. Cần có cách làm phù hợp để cùng lúc đạt được hai yêu cầu về chống tham nhũng và phát triển năng động về kinh tế-xã hội./.

Theo VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm