Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vụ nâng khống thiết bị y tế - vi phạm quy chế về đấu thầu hay tham nhũng

TS Đinh Văn Minh Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Thứ hai, 27/04/2020 - 17:39

(Thanh tra) - Dư luận đang hết sức phẫn nộ vì hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 giá nhập về chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng CDC Hà Nội đã nâng khống lên thành 7 tỷ đồng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là đây không chỉ là những vi phạm về đấu thầu mà gần như chắc chắn đằng sau đó là có sự ăn chia của những kẻ vi phạm và câu trả lời đang được chờ đợi từ phía các cơ quan tố tụng.

Bị can Nguyễn Nhật Cảm (ảnh to) và đồng phạm. Ảnh: Báo Dân Trí

Khi dịch bệnh do  virus corona (Covid-19) bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã đề xuất mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 do số lượng nghi nhiễm SARS-CoV-2 của thành phố gia tăng. Hệ thống Realtime PCR vốn được giới thiệu cho phép chạy được nhiều loại hóa chất khác nhau có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm ngoài virus corona.

Ngày 23/4, Đại tá Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) thông tin cho biết, qua điều tra về vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội bước đầu đơn vị này đã xác định có hiện tượng chỉ định thầu, cấu kết lẫn nhau, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

“Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến CDC Hà Nội đã lên đến 7 tỷ đồng”, Đại tá Nguyễn Văn Long chia sẻ thông tin gây chấn động.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty Nhân Thành để mua hệ thống máy xét nghiệm tự động Realtime PCR chống Covid-19 này. Hiện tại, C03 đang tiếp tục điều tra nghi vấn CDC Hà Nội và các doanh nghiệp đã móc nối với nhau đẩy giá lên cao để trục lợi khoản chênh lệch.

Lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, đây là một số ít vụ án về tội “vi phạm quy định về đấu thầu” được Bộ Công an khởi tố điều tra làm rõ. Trước đó, vụ Nhật Cường Mobile cũng khiến nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bị khởi tố.

Mặc dù đang trong quá trình điều tra nhưng có thể coi đây là một vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong lĩnh vực mua sắm công hệt như vụ AVG còn đang nóng hổi. Nguyên tắc phổ biến trong mua sắm công là “mua phải đấu thầu, bán phải đấu giá” ai cũng rõ nhưng quá trình thực hiện, kẻ thoái hóa biến chất trong cơ quan công quyền, với quyền hạn của mình đã móc nối với các đối tác liên quan để “thổi giá”, mua với giá cao ngất ngưởng và đổi lại sẽ được nhận những khoản “lại quả” khổng lồ từ số tiền chênh lệch giữa giá mua mà Nhà nước phải bỏ tiền ra trả với giá trị thực của hàng hóa đó.

Mặc dù cơ quan điều tra khởi tố về tội vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 của Bộ luật Hình sự nhưng hầu như mọi người dân vả kể cả những người hiểu biết pháp luật trong cơ quan Nhà nước đều có thể khẳng định đó thực chất là một vụ án tham nhũng có sự cấu kết giữa những kẻ thoái hóa biến chất trong bộ máy Nhà nước với các doanh nghiệp.

Rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao vụ án này chưa bị khởi tố với một tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng và liệu rồi khi kết thúc vụ án, nó có để lọt những kẻ tham nhũng hay không? Câu trả lời nằm trong chính quy định của pháp luật.

Thông thường cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can khi có những chứng cứ khá rõ ràng về một hành vi vi phạm nào đó và tương ứng với nó là một tội danh với mức hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự. Các vi phạm về đấu thầu trong vụ việc CDC Hà Nội và thiệt hại xảy ra là khá rõ ràng nhưng chưa thể khởi tố về tội phạm tham nhũng đơn giản là còn thiếu điều kiện căn bản đối với loại tội phạm này. Tham nhũng được định nghĩa là hành vi vi phạm pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi. Yếu tố chủ thể là người có chức vụ quyền hạn và hành vi vi phạm thì đã rõ nhưng yếu tố vụ lợi còn đang được tiếp tục làm rõ trước khi khẳng định về hành vi tham nhũng.

Đây chính là điểm khó khăn nhất khi truy cứu các tội về tham nhũng. Theo nguyên tắc trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tố tụng thì nếu muốn quy ông Cảm và đồng bọn vào tội tham nhũng thì cơ quan điều tra cần chứng minh rằng số tiền chênh lệch do mua khống thiết bị từ 2,3 tỷ lên thành 7 tỷ có bị chiếm đoạt hay không và ai là những kẻ hưởng lợi? “Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò các bị can trong vụ án cũng như hành vi trục lợi cá nhân để thu hồi tài sản cho Nhà nước”, lãnh đạo C03 cho biết.

Đây là điều không đơn giản trong điều kiện nền quản trị của chúng ta chưa tốt, việc sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến. Vụ việc AVG vừa diễn ra cho ta thấy rõ điều này. Kẻ phạm tội có thể đưa nhận hối lộ hàng triệu đô la tiền mặt mà không hề chịu sự giám sát nào. thêm nữa khi số tiền đưa hối lộ đã vào túi của người nhận thì lại càng khó chứng minh đó là của hối lộ ngay cả khi cơ quan Nhà nước chỉ ra sự bất thường trong khối tài sản của người đó bởi vì cho đến nay việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng còn mang nặng tính hình thức.

Điều quan trọng hơn là chúng ta chưa quy định tịch thu những tài sản mà quan chức che giấu bị phát hiện hoặc tuy có kê khai nhưng việc giải trình là không hợp lý. Một tài sản có được từ những “phi vụ” mua sắm công hoàn toàn có thể thoát khỏi việc bị xác nhận là tài sản tham nhũng bị tịch thu theo quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy ngay cả khi bị phát hiện về hành vi vi phạm pháp luật thì kẻ vi phạm vẫn có thể thoát tội tham nhũng, và thường nhận rằng hành vi phạm đó xuất phát do “năng lực quản lý yếu kém” hay cao hơn chút là do “thiếu trách nhiệm” hoặc cùng lắm là “cố ý làm trái...” để thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Kết quả là kẻ tham nhũng chỉ bị chịu mức án thấp hơn rất nhiều và đặc biệt là số tiền tham nhũng đã không được thu hồi cho Nhà nước, kẻ tham nhũng và con cháu ung dung hưởng thụ ngay trước mắt bàn người dân như một sự thách thức. Đây có thể coi là một khó khăn rất lớn cản trở cơ quan tố tụng để chứng minh và xử lý kẻ tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng sau này. Vậy thì cần phải làm thế nào để nhanh chóng xác định hành vi tham những để có thể xử lý nghiêm minh tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này?

Khó khăn từ quy định của pháp luật thì câu trả lời chính từ quy định của luật pháp. Mấu chốt của vấn đề chính là yêu cầu của việc chứng minh yếu tố vụ lợi, một điều kiện để xác định hành vi tham nhũng. Nguyên tắc suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước cần được hiểu thấu đáo và vận dụng thích hợp cho mỗi hoàn cảnh. Tư duy có tính cổ điển trong việc định chứng cứ theo kiểu “chỉ tận tay, day tận mặt” không phải lúc nào cũng đúng. Một nền pháp chế dân chủ hạn chế tối đa việc oan sai nhưng cũng cần tối thiểu hóa việc để lọt tội phạm.

Tham nhũng là tội phạm đặc biệt bởi vì nó được thực hiện bởi những chủ thể đặc biệt,là những người có chức, có quyền, thậm chí là có học, hiểu biết pháp luật nên đối mặt với nó cũng cần có những biện pháp đặc biệt. Nguyên tắc “lẽ thường” mà nhiều nước áp dụng chính là để giúp cơ quan tố tụng vượt qua khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự. Cụ thể là trong đối với một số tội phạm trong đó có tội tham nhũng người ta cho phép quy kết một tội phạm mà không cần chứng minh.

Đó là những vi phạm mà sai phạm là cố ý và yếu tố vụ lợi là rõ ràng. Điển hình là các vụ việc mua sắm công như vừa xảy ra. Khi vi phạm các quy định mua sắm công và quyết định mua sắm một tài sản chênh lệch một cách đáng kể so với mặt bằng chung về giá cả đối với mặt hàng đó thì người quyết định (và có thể cả những người liên quan) bị quy kết ngay là vụ lợi mà không cần chứng minh kẻ đó đã thu lợi bao nhiêu từ việc làm đó. Điều này dựa trên những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, người có quyền quyết định đối với việc mua sắm đó là người đủ hiểu biết pháp luật và giá trị thứ hàng hóa mà họ có quyền mua. Họ là người được lựa chọn ở vị trí đòi hỏi năng lực và trình độ tương ứng với những quyền hạn được giao vì vậy pháp luật buộc họ phải biết.

Thứ hai, họ có trách nhiệm kiểm soát quá trình mua sắm đó để bảo đảm không xảy ra vi phạm gây thiệt hai cho Nhà nước. Họ có đủ các quy định cần thiết cũng như đội ngũ tham mưu giúp việc để thực hiện công việc này.

Thứ ba, trong thời đại công khai minh bạch và kết nối thông tin như hiện nay, chỉ vài cái click chuột có thể biết ngay mức giá của một sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước và như vậy không thể giải thích việc một sản phẩm có thể được mua với giá cả rõ ràng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường ngoài việc đó là biểu hiện của việc thổi giá nhằm trục lợi.

Thứ tư, khi biết rõ việc mình làm là vi phạm nhưng vẫn cố tình thực hiện thì chắc chắn là đã có yếu tố vụ lợi, thậm chí là trục lợi về vật chất. Không một người bình thường nào lại cố tình làm một việc dù biết biết rõ là vi phạm, thậm chí có nguy cơ bị phát hiện và xử lý mà không vì mục đích có lợi cho mình.

Với nguyên tắc “lẽ thường” như thế thì chắc chắn cơ quan tố tụng sẽ đỡ vất và hơn nhiều trong việc chứng minh yếu tố vụ lợi và nhanh chóng đưa những kẻ tham những ra trước pháp luật./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất